Nằm bên bờ sông Rhine – con sông dài nhất châu Âu, với một bên là đường cao tốc nối Basel với Genève và liền kề với công viên Solitute, bảo tàng Jean Tinguely của KTS Mario Botta (Ý) thiết kế không chỉ là món quà cho người bạn thân thiết – nhà điêu khắc trường phái Kinetic Art Jean Tinguely mà nó còn là điểm nhấn, niềm tự hào của thành phố Basel (Thụy Sĩ).
Cổng vào sảnh chính, nhìn từ công viên Solitute. Một Kinetic đang “biểu diễn” màn phun nước trong hồ
Dù là ở vị trí hay hình thái kiến trúc nào thì những công trình của Mario Botta đều có một sự tương thích tối đa với môi trường xung quanh. Tuy kiến trúc bảo tàng là một khối vuông nhưng sắt thép lại hiện hữu rất ít tại công trình này. Thoạt nhìn, bảo tàng Tinguely có vẻ tĩnh và đơn giản, chỉ khi di chuyển và quan sát bốn mặt công trình mới thấy hết sự tinh tế của thiết kế. Cổng chính giáp với đường giao thông và nằm dưới cầu vượt như một khối trụ tạo sự cân bằng cho khối vuông mà không làm giảm đi tính chất động của đường cao tốc. Mặt tây giáp với đường cao tốc được Mario Botta xử lý bằng một mặt phẳng cùng kính cách âm và khung thép. Mặt bắc và đông được bao quanh bởi công viên Solitute với những hàng cây cổ thụ. Đây cũng chính là cổng vào chính của bảo tàng.
Một tác phẩm “Kinetic” trong hồ nước trên nền của khối vuông kiến trúc với những modul hình thoi bằng dura, lưới tản nhiệt trong kết cấu mái đã thực sự tạo nên một sự phấn khích, đôi chút phá cách nhưng đặc biệt vẫn rất hài hoà với những hàng cây cổ thụ thơ mộng của công viên Solitute.
Mặt phía tây của công trình cũng là cổng chính
Người dân Thuỵ Sĩ coi bảo tàng Tinguely là một tác phẩm của tình bạn, giữa kiến trúc sư và hoạ sĩ. Có lẽ do hiểu khá rõ những tác phẩm của bạn mình, Mario Botta đã kiến tạo một không gian nội thất khá đặc biệt. Không gian nội thất gồm một sảnh chính với tầng lửng thông suốt từ đông sang tây và kết thúc bằng một hành lang kính bao quanh cũng là nơi tiếp giáp và nhìn thẳng ra đường cao tốc và dòng sông Rhine. Khu vực căntin nằm dưới tầng hầm, khu vực bán sách và đồ lưu niệm tách biệt và nằm cạnh sảnh chính. Không gian bảo tàng có tính kết nối liên tục, như một dòng nước cứ chảy mãi từ gian chính đến sảnh, cầu thang, hành lang… Ở mọi nơi đều có thể quan sát toàn bộ không gian toà nhà. Các tác phẩm được trưng bày theo ba chiều không gian gắn với tuờng, sàn, trần… và được đảm bảo tối đa đặc tính riêng về âm thanh, thị giác của từng tác phẩm. Tất cả đều cho người xem một hiệu ứng sống động.
Kính và khung thép, đây là hành lang chạy từ tầng lửng xuống gian bán đồ lưu niệm, sách nghệ thuật
Jean Tinguely (1925 – 1991) là một trong những nhà điêu khắc Thụy Sĩ trưởng thành trong cái nôi nghệ thuật Pháp thập niên 1950 – 1960. Ông thuộc trường phái điêu khắc đương đại “Kinetic Art” với quan điểm giải phóng trạng thái, tìm tĩnh trong động hay mô tả sự chuyển động, tính liên tục của cuộc sống qua cấu trúc cơ học của máy móc công cụ. Những tác phẩm trưng bày tại bảo tàng này là tuyển chọn những tác phẩm Concept Art của ông.
Bảo tàng Jean Tinguely cũng là nơi thường xuyên triển lãm các tác phẩm thuộc nhóm nghệ sĩ đương đại như Bernard Luginbuhl, Niki de Saint hay Yves Klein cho đến nhóm Kinetic Art cận đại có ảnh hưởng phong cách của Jean Tinguely như Marcel Duchamp, Kurt Schwitters.
Jean Tinguely với Kinetic Art, Mario Botta với sự thấu hiểu về kiến trúc và môi sinh, những vần thơ đi cùng ký ức của những hàng cây cổ thụ bên bờ sông Rhine… tất cả đã gặp nhau ở đích cuối cùng: tạo dựng cái đẹp.
Một góc tầng lửng của gian triển lãm với một đồng hồ Kinetic / Cầu thang bộ xuống tầng trưng bày thấp
Ảnh trái: Sảnh trưng bày chính, gian số 5. Một Kinetic đang mô tả dây chuyền sản xuất, phía sau là một máy bay Kinetic treo ngược / Ảnh phải: Sảnh trưng bày chính, gian số 4, đang trưng bày một số tác phẩm điêu khắc, Kinetic với các kích cỡ và chất liệu khác nhau, gỗ, đất gốm, sắt và máy móc…
Tinguely museum Kiến trúc sư Mario Botta nổi tiếng với những công trình: Capuchin Cloister (1976 – 1979) tại Lugano, trụ sở điều hành Banque Cantonale (1977 – 1981) tại Frisbourg, Modern Art (San Francisco, 1988 – 1995), toà thánh Evry (Pháp, 1995)… |
Tường Huy
- Tạp chí Guardian: Top 10 công trình kiến trúc hấp dẫn nhất thập kỷ
- Bảo tàng nghệ thuật đương đại Serralves
- Thư viện công cộng Villanueva - Colombia
- Tính khoa học của Phong thủy và Kiến trúc hiện đại
- AR Awards 2009 - Giải thưởng dành cho các Kiến trúc "mới nổi"
- Biệt thự Tân cổ điển ở Hà Nội thời Pháp thuộc
- Toà án thành phố Manchester
- Tòa nhà quốc hội Scotland
- LaSalle - Một nét son kiến trúc Hậu hiện đại
- Christ the Light: Đại thánh đường của thế kỷ 21