Ashui.com

Thursday
Dec 05th
Home Chuyên mục Phong thủy Phong thuỷ: Bếp gần gì, xa gì?

Phong thuỷ: Bếp gần gì, xa gì?

Viết email In

Tôi muốn sửa căn hộ đang ở để ăn tết, nhân tiện sửa lại phần bếp đã cũ. Có người tới chơi khuyên rằng bếp nhà tôi bị sai phong thủy, cụ thể là dựa lưng vào phòng vệ sinh, nằm sát bên bồn rửa chén... phải sửa lại để tránh xấu. Tôi đang phân vân không biết làm sao cho tiết kiệm mà vẫn tốt về phong thủy khi sửa bếp?

Cho dù có nhiều hay ít trang thiết bị hiện đại nhưng về cơ bản bếp vẫn luôn cần “giảm hung, tăng cát”. Tuy gia chủ không nói rõ là bếp nhà bị sai phong thủy ở đâu, nhưng thực tế cho thấy các vấn đề về phong thủy bếp hay liên quan đến bố trí các không gian kề cận, và sự tác động của trong - ngoài vào bếp.


Sử dụng quầy bar, tủ ngăn nhẹ hay đảo bếp là một giải pháp kết nối không gian, tránh lộ táo khẩu mà không che kín bếp.

Bếp nên gần gì, xa gì?

Cơ bản nhất là hỏa (lửa) kỵ với thủy (nước) nên bếp không nên đặt quá gần khu chứa nước hoặc vệ sinh. Nên bố trí bếp theo dây chuyền hoạt động: rửa - gia công thô - nấu - soạn - dọn rửa, và như vậy chậu rửa sẽ không thể sát bên hoặc đối diện miệng lò nấu mà là nằm theo quan hệ tam giác với bếp và tủ lạnh, hoặc ít ra cũng là song song, về một phía và có khoảng cách so với bếp.

Miệng bếp cũng không được nhìn vào cửa vệ sinh vì đó là nơi dẫn truyền các uế khí và thiếu kín đáo. Nếu gặp trường hợp bất khả kháng do cấu trúc nhà từ đầu mặc định như vậy, có thể dùng các vách ngăn, kệ tủ để che bớt lại cho kín đáo. Như vậy, việc bếp tựa lưng vào phòng vệ sinh không phải là vấn đề xấu, mà nên tránh cho vùng nấu nướng phía trước miệng bếp bị đối diện phòng vệ sinh.

Đối với không gian khác, nguyên lý dẫn khí phù hợp phong thủy là không nên để thán khí của bếp truyền sang phòng khác (đưa mùi, khói… lan truyền ảnh hưởng sức khỏe). Do đó nếu bếp trong nhà ống mà nằm ở đầu hướng gió thì giữa bếp và các phòng nên có vách ngăn, hoặc có cửa đóng lại để chỉnh luồng khí.

Phong thủy truyền thống cũng kỵ đặt phòng ngủ hoặc các không gian sinh hoạt bên trên chỗ nấu bếp (nhất là phía trên làm sàn bằng gỗ) để tránh việc đi lại sinh hoạt ở trên làm “động bếp” dưới, đồng thời bếp đun hơi nóng xông lên ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Tuy nhiên với nhà phố kiên cố có sàn bằng bê tông thì vấn đề này cũng không quan trọng nữa.


Bếp nấu cần đảm bảo khoảng cách hợp lý với khu rửa, soạn, và luôn cần đầy đủ ánh sáng, thông thoáng.

Tăng tốt giảm xấu

Muốn biết các vùng tốt xấu (cát hung) trong không gian thì cần phải hiểu tính chất sinh hoạt và đặc tính sử dụng của không gian đó. Trong phòng bếp, chỗ đặt bếp nấu là hung (vì tỏa ra khói bụi, hơi nóng) nhưng vùng trước mặt bếp là cát (để đảm bảo nguyên tắc tọa hung hướng cát), bồn rửa chén là hung (nhiều nước thải, rác, ẩm thấp) còn bàn soạn thức ăn là cát, quầy bar thuộc cát trong khi sàn nước thuộc hung. Định vị rõ cát - hung sẽ giúp bố trí được các vị trí tốt cho cát, vị trí khuất cho hung.

Tránh để các tác động của hỏa như khói - mùi - nhiệt độ cao lan tỏa sang các không gian cát lân cận, và nên gia tăng sự thoải mái thuận tiện cho bếp hơn. Đối với nhà phố hay biệt thự, bếp hay được đặt phía sau, gần giếng trời hoặc sân sau nên thuận tiện hơn cho việc nấu nướng và dọn rửa.

Nhưng với căn hộ chung cư thì thường đặt phần bếp gần cửa ra vào, tuy có lợi thế là dành diện tích thông thoáng chiếu sáng ngoài ban công, cửa sổ cho phòng khách, phòng ngủ, nhưng đồng thời cũng bộc lộ nhược điểm là vừa bước chân vào nhà đã gặp ngay bếp, và khả năng thoáng - sáng cho khu vực này thường bị kém.

Có thể khắc phục bằng cách bố trí các hộp gen nối với ống kỹ thuật để thông gió cưỡng bức cho bếp, đồng thời xử lý vách ngăn di động để lúc đun nấu nhiều có thể ngăn cách bếp với không gian bên ngoài, giảm thiểu ảnh hưởng khói mùi. Dùng vách di động hay tủ đa năng còn giúp che chắn tầm nhìn khi khách vào nhà và tạo một khoảng đệm cần thiết với những căn hộ có diện tích nhỏ.

ThS.KTS Hà Anh Tuấn - Ảnh: Trường Ân

(Người Đô Thị)

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo
Bảng quảng cáo

Loading...