Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Chuyên mục Phong thủy Xanh bằng mặt nước

Xanh bằng mặt nước

Viết email In

Với những công trình kiến trúc hiện đại, dù đã có nhiều thay đổi, thì nước vẫn là một “vật liệu” hữu hiệu góp phần tăng giá trị cảnh quan, cải thiện môi trường cho công trình. Nước vừa có vai trò công năng, vừa có giá trị thẩm mỹ. Nước cũng là một yếu tố quan trọng trong phong thủy ở các công trình kiến trúc cổ.


Những con suối róc rách, hai bên trồng đầy hoa cỏ, dù là nhân tạo nhưng cũng tạo được khí hậu mát mẻ mang đến cảm giác thư thái cho con người.

Vật liệu nước

Vật liệu nước ở đây không phải là vật liệu, vật tư của ngành… cấp - thoát nước; không phải là những ống, cút, chếch, van, vòi… hay các thiết bị sử dụng nước, liên quan đến nước.
Nước, có thể coi như một loại vật liệu cấu thành kiến trúc, tham gia cùng các vật liệu khác trong kiến trúc. Tuy nhiên nước là một loại vật liệu đặc biệt,  không sử dụng để làm những cấu kiện hay chi tiết kiến trúc; mà góp phần tạo nên các giá trị công năng, thẩm mỹ trong tổng thể công trình kiến trúc.

Trong công trình kiến trúc sử dụng cho con người, nhất thiết phải có nước. Nước là một dạng vật chất đặc biệt duy trì sự sống và sinh hoạt cho con người. Bên cạnh đó, vật liệu nước góp phần không nhỏ vào việc kiến tạo cảnh quan, môi trường cho kiến trúc.

Nước có mặt rất sớm trong các công trình kiến trúc cổ, kiến trúc dân gian truyền thống, ở cả nông thôn và đô thị. Mặt nước là một yếu tố quan trọng trong bình đồ tổng thể. Người xưa đã khai thác các yếu tố tự nhiên để tạo thành những mặt nước gắn bó với công trình như hồ, ao, sông, suối. Rồi tiếp đến là các mặt nước nhân tạo, được thiết kế, có ý đồ công năng và thẩm mỹ như hồ nhân tạo, hào thành, bể, giếng... Nước cũng là một yếu tố quan trọng trong phong thuỷ ở công trình kiến trúc cổ.

Ở những công trình kiến trúc dân gian truyền thống, mặt nước cùng cây xanh được coi như yếu tố âm để cân bằng âm - dương. Và các mặt nước đa phần là dạng tĩnh, nếu có sự chuyển động thì là dòng chảy tự nhiên (sông, suối), việc cấp, tiêu - thoát cũng phụ thuộc vào yếu tố tự nhiên.


Mặt nước trong quần thể kiến trúc ở Công trình Khoa Pháp - Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Xanh bằng mặt nước

Trong các công trình kiến trúc xanh, kiến trúc sinh thái, nước là một nhân tố quan trọng để tăng tính “xanh”, thân thiện của công trình. Nước cải tạo môi trường vi khí hậu, làm môi trường trong lành hơn; làm giảm độ nóng bức, đem lại cảm giác sảng khoái dễ chịu cho người sống và làm việc trong môi trường đó.

Bên cạnh những thiết kế mặt nước cổ điển, nước phát huy vai trò hơn nhờ những công nghệ và thiết bị hiện đại. Vật liệu nước có thể có mặt trong nhiều vị trí, bộ phận kiến trúc với nhiều trạng thái. Nước có thể tồn tại ở dạng tĩnh như mặt hồ, bể cảnh... và có thể ở dạng động như thác tràn, vòi phun, đài phun, dòng chảy nhân tạo...


Dòng suối nhân tạo ở một khu vườn 


Mặt nước lớn làm dịu mát và thoáng đãng không gian, tạo nên hiệu ứng soi bóng. Bên cạnh là đài phun nước tạo độ ẩm giúp không gian thêm mát mẻ (Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội) 

Làm cho kiến trúc xanh bằng mặt nước là một giải pháp truyền thống nhưng vẫn có nhiều hiệu quả và nhiều chỗ cho sự sáng tạo của người thiết kế. Công trình gắn kết với mặt nước luôn có không gian thoáng đãng, môi trường khí hậu trong lành, tạo nên nhiều hiệu ứng thẩm mỹ tích cực. Mặt nước và cây xanh làm cho công trình kiến trúc gần gũi với thiên nhiên, thân thiện và cởi mở; giúp dịu mát thị giác và tâm hồn. Nước có thể có mặt trong mọi công trình, từ đô thị cho đến các công trình nhỏ, không phụ thuộc vào quy mô. Một công viên có thể có mặt nước, một ngôi nhà phố cũng có thể có mặt nước. Điều quan trọng là người thiết kế biết đặt mặt nước và kiểm soát sự tồn tại của mặt nước sao cho hợp lý.

Hà Thành
 
(Tạp chí Kiến trúc & Đời sống - số 180)

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo
Bảng quảng cáo