Ashui.com

Wednesday
Dec 11th
Home Cộng đồng Kiến trúc sư Đà Lạt - nơi chốn thỏa mãn và sung sướng

Đà Lạt - nơi chốn thỏa mãn và sung sướng

Viết email In

Thời gian gần đây ở nước ta có nhiều hội thảo bàn về "Tầm nhìn quy hoạch phát triển Thành phố Đà Lạt" rất được xã hội quan tâm. Nếu những doanh nhân đang đầu tư vào thành phố này mà được tham dự, thì họ sẽ phát biểu rằng: Rất nên phát triển theo tiêu chí: "Đà Lạt, nơi chốn ban tặng sự thỏa mãn và sung sướng!". Và, họ bảo vệ ý tưởng của mình như thế này đây…

Đà Lạt - Em từ đâu đến?

Có nhiều truyền thuyết về nguồn gốc địa danh Đà Lạt, nhưng có lẽ cách giải thích của ông Cunhac -  công sứ đầu tiên của Đà Lạt - là hợp lý nhất: “Đa Lat - nơi có dòng suối của bộ tộc Lat chảy qua” (À la place du lac coulait le petit ruisseau de la tribu des Lat et qu"on appclait "Dalat”).

Đồng bào dân tộc tại đây gọi nước (suối, nguồn, sông, thác…)  là “Đa” (Dăk), và “Đa” mà vị công sứ đề cập là một dòng suối nhỏ chảy vắt qua thung lũng, thủy tổ của hồ Xuân Hương ngày nay. “Lat” là tên một bộ tộc sống lâu đời nhất ở vùng cao nguyên này.


Sương sớm đồi thông

Tra trên bản đồ dân số tỉnh Lâm Đồng, người ta không còn thấy bộ tộc Lat, nhưng tại huyện Lạc Dương hiện có một đơn vị hành chánh tên Xã Lat. Tương truyền rằng, sau khi người Pháp lấy đất quy hoạch thành phố Đà Lạt, bộ tộc Lat cùng những bộ tộc khác đã chọn vùng đất mới, cao hơn, rộng hơn, thoáng hơn, màu mỡ hơn, hùng vĩ hơn, nhiều “Đa” hơn, nhưng không quá xa vùng đất cũ, để tiếp tục làm ăn, sanh sống - huyện Lạc Dương bây giờ.

Đà Lạt là một thành phố cấp hai, trực thuộc tỉnh Lâm Đồng, nơi có nhiều địa danh bắt đầu bằng từ “Đa”: Đa Tẻh, Đa Nghịt, Đa Nhim, Đa Sar, Đa Cháy, Đa Me, Đa Đờng… và Đa Lạt. Tại cao nguyên này, “Đa” từ sương trên đỉnh núi chảy xuống, từ cây trong hốc đá chảy ra, từ lá ven triền đồi xanh mướt chảy len lỏi, từ hoa - củ dưới đất lún phún lên và từ ao, suối, hồ, thác, ghềnh tuôn trào. “Đa” đã giúp cho người, vật, đồi, núi, cây, cảnh, hoa, củ… tại tỉnh Lâm Đồng thỏa mãn và sung sướng.

Khi nói về Đà Lạt, người ta thường liên tưởng một cái đỉnh nhòn nhọn ở độ cao 1.500 mét so với mặt nước biển. Thế nhưng, bản đồ hiện trạng cho thấy Đà Lạt không hề nhọn, mà ngược lại, có hình dáng giống cái chảo của các bà nội trợ và chỗ trũng nhất nằm ở đường Nguyễn Tri Phương, 1.398,2m.

Gọi Đà Lạt là “chảo” vì Đà Lạt cao nhưng lại thấp so với các ngọn núi bao ba phía: núi Ông 1.738m, núi Lang Biang 2.169m, núi Pin Hatt 1.691m. Nhờ ba mặt được núi cao hơn che chắn cho nên Đà Lạt chưa từng hứng bão.

Cũng nhờ sự sắp xếp ngoạn mục này mà Đà Lạt lạnh không quá 5°C và nóng cũng không vượt ngưỡng 30°C, nhiệt độ trung bình từ 18-21°C. Khó tìm được vùng đất nào ở  Đông Nam Á có khí hậu mỹ mãn như thế. Đà Lạt, vùng ôn đới quý hiếm trong khu vực nhiệt đới.

Coi bản đồ vị trí Đà Lạt, nhiều chủ đầu tư phải thót tim: Nếu sườn đông còn lại của Đà Lạt cũng bị một ngọn núi cao hơn che chắn giống như đã che hướng bắc, tây, nam, thì có lẽ Đà Lạt chỉ còn lại sự lạnh lẽo, ngột ngạt, tù túng, và đương nhiên, các chủ đầu tư sẽ quay lưng ngoảnh mặt.

Nhưng trong thực tế, Đà Lạt thật đắc địa: Phía sườn đông được Trời - Đất mở toang cửa đón nắng vàng hanh và đón gió từ biển thổi vào; không khí của Đà Lạt nhờ thế thường xuyên tươi mới, ấm áp, trong lành, sảng khoái.

Thú vị hơn, dù chưa bao giờ có bão nhưng vì ở trên cao cho nên ngoài biển Đông xa lắc mới nhen nhóm áp thấp thì thông đã reo - một điệu nhạc du dương đặc trưng của Đà Lạt, hưởng ứng phong trào.

“Cao nguyên lớn phơi trần, gò đồi nhấp nhô nuốm ngực" (grand plateau dénudé mamelonné) - bác sĩ Alexandre Yersin đã ghi vào sổ tay hình ảnh ấn tượng như vậy; đó là “Em” vào lúc 15h30 ngày 21 tháng 6 năm 1893. Từ "cái thuở ban đầu lưu luyến ấy", người ta đã nhận ra Đà Lạt là một tuyệt tác của tạo hóa ban tặng, vì vậy “Em” được trân trọng, nâng niu. Nhiều lớp người đã dày công tô điểm cho “Em” lộng lẫy hơn nhưng không quên định hướng: “Em” phải là chính “Em”!

Đáp lại, “Em” ban tặng cho người này sự thỏa mãn, người kia sự sung sướng!


Đà Lạt xanh - "mùa hè châu Âu"

Đà Lạt - Em đang đi đâu?

Khi cơ quan nhà nước tổ chức hội nghị, hội thảo để bàn về “Tầm nhìn quy hoạch phát triển Thành phố Đà Lạt”, những doanh nhân đang đầu tư vào vùng đất này giật mình: “Đà Lạt đang phát triển chưa có định hướng?”. Rủi ro sẽ vô cùng lớn cho nhà đầu tư, nếu quy hoạch liên tục thay đổi chỉ vì “Em” đi mà không biết đi đâu. Nhưng khi nghiên cứu về vùng đất này, họ phát hiện: “Đà Lạt đã hai - lần - rưỡi có định hướng với tầm nhìn xa, và quy hoạch đó đã được cụ thể hóa rất thành công”.

Lần thứ nhất là do Toàn quyền Đông Dương (thời đó) trực tiếp định hướng: “Đà Lạt, trung tâm nghỉ dưỡng Đông Dương”. Nhưng ý tưởng này chỉ là tầm nhìn gần, ngắn hạn. Vài thập niên sau đó, người Pháp đã chồng cao thêm mơ ước của mình: “Đà Lạt, trung tâm hành chính văn hóa và du lịch lớn của Đông Dương”.

Theo họ, như thế mới xứng tầm với vùng đất được mệnh danh là “mùa hè Châu Âu”. Về quy hoạch dân cư, Đà Lạt khống chế sức chứa tối đa 120 người/ km2, vì vậy, để được nhập cư vào vùng đất này phải đáp ứng nhiều điều kiện của chính quyền sở tại: học hàm, học vị, thu nhập, chuyên môn, tay nghề v.v...

Về hạ tầng kỹ thuật (cầu, đường, điện, nước…), hạ tầng xã hội (nhà ga, sân bay, bệnh viện, trường học, chợ…), công trình tôn giáo, cùng với các công trình kiến trúc khác muốn được thi công tại Đà Lạt phải do các nhà chuyên môn giỏi thiết kế và xây dựng. Tại sao? Là vì chỉ những bậc thầy của lĩnh vực này mới mong có cơ may vượt qua nhiều quy trình kiểm tra rất ngặt nghèo về quy hoạch, quy chuẩn.

Nhờ vậy, “Em” đã từng một thời giữ ngôi vị hoa khôi Đông Dương!

Lần thứ hai định hướng phát triển Đà Lạt là do chính quyền Sài Gòn cũ  trực tiếp hoạch định. Ý thức được tầm quan trọng của Đà Lạt, chính quyền Sài Gòn cũ đã kế thừa tinh hoa có sẵn và phát triển thêm ở tầm cao hơn: “Đà Lạt, trung tâm dịch vụ giáo dục, nghiên cứu khoa học và đào tạo”. Nhằm thực hiện thành công định hướng đã vạch ra hàng loạt công trình phục vụ cho nghiên cứu, dịch vụ giáo dục, đào tạo được xây dựng trong một thời gian ngắn.

Không chỉ như thế, chính quyền Sài Gòn cũ còn ban hành nhiều chính sách ưu tiên chiêu dụ càng nhiều càng tốt người có bằng cấp, kiến thức, chuyên môn cao về Đà Lạt làm việc, đồng thời cũng có nhiều chính sách ưu đãi để mời gọi sinh viên, học sinh từ mọi miền đến học tập.  Ngày giải phóng Đà Lạt, chính quyền cách mạng tiếp quản một cơ ngơi hoành tráng: 56 công trình dịch vụ giáo dục, khoa học, đào tạo!

“Em” không chỉ lộng lẫy về vị trí, địa lý, khí hậu, cảnh quan, mà còn rực rỡ vì đã từng là trung tâm giáo dục lớn của  Đông Dương thời bấy giờ.

Lần thứ hai “rưỡi” là cuối năm 1975. “Rưỡi“ là vì từ những tháng tiên đầu tiên của năm đất nước mới thống nhất ấy, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã dự định Đà Lạt trở thành một trong bốn thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, Sài Gòn, Huế, Đà Lạt). Rất tiếc, quyết định đúng đắn và sáng suốt này đã bị điều chỉnh.

Tại Hội thảo “Tầm nhìn quy hoạch phát triển Thành phố Đà Lạt” ngày 27/8/2008, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cũng cho rằng: “Trong hệ thống đô thị cả nước thì chỉ hai đô thị có di sản kiến trúc mang tầm quốc gia là Đà Lạt và Huế”.

Thế nhưng sau ngày giải phóng, hơn 2000 biệt thự được xây dựng trước 1975 tại Đà Lạt, có nhiều căn hóa thành nhà tập thể, kho bãi, cơ sở chăn nuôi, sản xuất, bỏ hoang, do vậy mà xuống cấp rất nhanh; nhiều công trình phục vụ giáo dục bị chuyển đổi công năng chưa xứng tầm, nếu không muốn nói là phí phạm; nhiều vườn hoa, rừng thông, sườn đồi, vạt núi bị những vườn rau củ lấn chiếm một cách tự phát, đã làm nguồn “Đa” bị ô nhiễm trầm trọng.

Riêng cảnh quan thì bị hủy hoại bởi đào bới tìm kiếm khoáng sản, khai thác rừng vô tội vạ, ủi đồi để phân lô bán nền, cất nhà liên kế. Đó là chưa nói đến sự đão lộn cơ cấu dân cư, người cần giữ thì ra đi, người không mời thì thoải mái đến.

Nếu ai đó gặp lại “Em” trong khoảng thời gian này sẽ không khỏi ngỡ ngàng, lẽ nào nhan sắc “Em” tàn phai nhanh như thế?

Hội nghị giữa nhiệm kỳ (2005-2010) Đảng bộ thành phố, Đà Lạt được xác định là một - trong - những trung tâm nghỉ dưỡng của cả nước, với cơ cấu kinh tế “công, nông, lâm nghiệp và dịch vụ”. Đã từng là một trung tâm nghỉ dưỡng, trung tâm giáo dục của Đông Dương, nay với cơ cấu kinh tế giông giống tất cả địa phương trong cả nước, Đà Lạt chìm lẫn vào số đông, mất tăm!

Đà Lạt, một vùng đất có những giá trị đặc thù mà các tỉnh, thành trong cả nước nằm mơ cũng không có được, thế mà năm 2007, GDP bình quân 794 USD/người! Do vậy, Đà Lạt đã và đang ra sức phấn đấu để sớm được trực thuộc Trung ương (trình nhưng Trung ương chưa duyệt).

Nhưng, Đà Lạt trực thuộc Trung ương nhằm đạt mục tiêu gì? Hoạch định nào giúp cho Đà Lạt phát triển đúng hướng? Cơ cấu kinh tế nào phù hợp với sự quý hiếm của Đà Lạt? Thành phần dân cư nào giúp Đà Lạt thực hiện thành công định hướng vạch ra? Người Đà Lạt, dân cả nước sẽ được hưởng gì từ sự trực thuộc Trung ương này? Câu  trả lời vẫn còn bỏ ngõ…

Đà Lạt trực thuộc Trung ương là “bông lài được quay về cắm đúng chỗ”, nhưng mong sao “Em” đừng tìm đến “chỗ cắm” bằng mọi giá.


Mimosa - sắc hoa vàng Đà Lạt

Đà Lạt - Em đi về đâu?

Sau nhiều lần nhập vào, tách ra, năm 2007 Đà Lạt có diện tích 393,3 km2, dân số 194.920 người, mật độ 495,6 người/km2. So với tiêu chuẩn phát triển bền vững 150 người/km2, mật độ dân số Đà Lạt đã vượt gấp hơn hai lần rưỡi.

Trong khi đó, Nghị định số 72/2001/NĐ-CP ngày 5-10-2001 về việc phân loại đô thị cho thấy, một trong những chỉ tiêu quan trọng để lọt vào danh sách thành phố trực thuộc Trung ương là “quy mô dân số phải đạt 500.000 người trở lên và mật độ dân số 12.000 người/km2”!

Đà Lạt đang đứng trước sự lựa chọn: Hoặc phát triển bền vững với những đặc thù của mình, hoặc trực thuộc Trung ương để rồi không chắc giữ được những đặc thù ấy?

Theo Quyết định số 706/QĐ-UBND ngày 15/02/2007 về điều chỉnh một số nội dung của kế hoạch đột phá, tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Lạt đến năm 2010 thì tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 17%, dịch vụ chiếm 73,6%, nông - lâm nghiệp chiếm 9,4% trong cơ cấu kinh tế. Qua những chỉ tiêu “đột phá, tăng tốc” này người ta nhận sự nỗ lực của Đà Lạt để mong sớm được trực thuộc Trung ương.

Còn “Em”, liệu có thỏa mãn và sung sướng ở nơi chốn đất chật (gấp 2,564 lần dân số 2007), người đông (mật độ gấp 24, 213 lần năm 2007) ấy chăng?

Đúng lúc này thì giới đầu tư lên tiếng: “Đà Lạt được thế giới biết đến như một “hiện tượng đô thị”, người châu Âu gọi là urban phenomenon. Chúng tôi tìm đến Đà Lạt để đầu tư cũng vì kỳ vọng tìm kiếm lợi nhuận từ giá trị độc đáo này. Nếu Đà Lạt phát triển như các đô thị loại một của Việt Nam (và của một số nước Đông Nam Á): nhà cao tầng, nhà ống, đường bàn cờ, xe gắn máy, nón bảo hiểm, kẹt xe, ô nhiễm v.v… thì chúng tôi không còn lý do để hiện diện tại đây”.

Và, họ móc ruột gan của mình ra nói thêm: Chuyện đi tiếp, đi đâu cho đúng hướng là chuyện của thị xã Bảo Lộc (232,4 km2) - tỉnh Lâm Đồng, và các huyện giáp ranh với Đà Lạt: Lạc Dương (1.513,78km2 ), Đơn Dương (611,6 km2), Đức Trọng (902,2 km2), Lâm Hà (1.586,5 km2). Riêng Đà Lạt của ngày hôm nay là câu chuyện quay về.

Tại sao “Em” phải quay về? Là vì…

Đà Lạt, một vùng đất mà từ khi phát hiện đến nay (1893 – 2008) luôn được hưởng thanh bình, chưa từng nếm trải chiến tranh; có lẽ vì vậy mà người gốc Đà Lạt đi đứng khoan thai, ăn chậm, nói chậm, tác phong đủng đỉnh.

Đà Lạt, nơi có cảnh quan lộng lẫy, thông bạt ngàn thông, đồi tiếp nối đồi, hoa từ viện nghiên cứu, từ vườn kiếng, từ sân trong nhà ra ngoài đường phố và cũng là nơi duy nhất trong khu vực Đông Nam Á, áo len (màu xanh dương) trở thành đồng phục mặc quanh năm của học sinh.

Đà Lạt, một bảo tàng kiến trúc Pháp lộ thiên, mỗi công trình xây dựng là một tác phẩm nghệ thuật, được các chuyên gia kiệt xuất chọn vị trí đặt để làm ngạc nhiên giới chuyên môn và làm say đắm người chiêm ngưỡng.

Đà Lạt, với địa hình thang bậc lạ mắt, đỉnh của công trình kiến trúc này là sàn của công trình kiến trúc kia, thả sức cho giới quy hoạch - kiến trúc tung hoành ý tưởng.

Đà Lạt còn nổi tiếng thế giới với địa danh Cầu Đất, nơi có đồi chè và cà phê A-ra-bi-ca trồng ở độ cao 1600 mét được thị trường phân khúc là “thức uống Hoàng gia”; đương nhiên giá cả cũng “Hoàng gia” không kém.

Đà Lạt còn có nhiều loại gỗ quý và những sản vật khác biệt của vùng ôn đới, cộng thêm những con cá, con tôm tươi rói chở từ Phan Rang - Nha Trang lên bổ sung thêm thế mạnh cho vùng đất cao nguyên này, góp phần làm bền vững và tôn vinh thương hiệu Đà Lạt.
 
Và, Đà Lạt đủ sơn hào hải vị để chế biến những thức ăn cao cấp nhất phục vụ cho giới thượng lưu, nhưng một gia đình nhỏ có thu nhập chỉ khoảng 1-2 đô la/ngày nếu biết thu vén thì cũng có ngày ba bữa tươm tất...

Trong góc nhìn của chủ đầu tư, Đà Lạt đang độc quyền sở hữu một vùng đất vừa thiêng, vừa lành, vừa độc đáo, đủ “nguồn sữa” để hào phóng ban tặng cho người này sự thõa mãn, người kia sự sung sướng!

Về thôi “Em”, đừng đi đâu cho mệt. Về với ngôi vị tuyệt tác của tạo hóa, hiện tượng kiến trúc đô thị, trung tâm nghĩ dưỡng, trung tâm đào tạo - nghiên cứu khoa học - giáo dục vào bậc nhất của Đông Dương thời bấy giờ - và sẽ là bậc nhất của Đông Nam Á thời nay. Tại sao không?  

Chỉ như thế “Em” mới chính là “Em”.

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo