“Công nghệ tường bê tông liền khối là một xu hướng tất yếu của ngành Xây dựng, nó không chỉ giúp cho các chủ đầu tư đẩy nhanh được tiến độ, tiết kiệm chi phí, nhân công mà còn giúp độ bền và tuổi thọ của công trình tăng lên nhiều lần so với công nghệ xây tường chèn gạch”, đây là đánh giá của PGS.TS Trần Chủng - nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) đưa ra khi nói về công nghệ tường ngăn bê tông liền khối kết hợp hệ kết cấu chịu lực Shear wall đang được nhiều chủ đầu tư áp dụng tại các dự án nhà ở, chung cư cao tầng hiện nay.
PV: Là một chuyên gia, từng làm quản lý về chất lượng công trình của Bộ Xây dựng, ông đánh giá thế nào khi gần đây nhiều dự án chung cư cao tầng áp dụng công nghệ tường bê tông liền khối thay cho tường gạch truyền thống?
PGS.TS Trần Chủng (ảnh): Trên thế giới, ở nhiều nước phát triển, họ đã áp dụng công nghệ tường bê tông liền khối cũng như hệ kết cấu Shear wall. Đây là kết cấu chịu tải trọng đứng tốt và chịu tải trọng ngang, chống xoắn còn tốt hơn. Ẩn dấu vách chịu lực trong tường ngăn giúp không có gờ, cạnh cột trong phòng, làm rộng diện tích thông thủy. Công nghệ này có nhiều ưu việt, hệ kết cấu của tòa nhà được toàn khối hóa nên rất tốt cho việc chịu tải và tăng tuổi thọ công trình.
Đặc biệt, các công trình áp dụng công nghệ tường bê tông liền khối sẽ có khả năng chịu kháng chấn, chịu lực và chống động đất cũng tốt hơn nhiều so với công trình xây bằng khung bê tông chèn tường gạch.
Ngoài ra, nó cũng có năng suất lao động cao hơn vì không mất nhiều thời gian cho công đoạn xây gạch và trát bề mặt ngoài. Đồng thời, nó cũng tăng tính an toàn lao động vì rất ít phải sử dụng đến nhân công và vật liệu rời là gạch.
Không biết các chủ đầu tư tính toán cụ thể như thế nào, nhưng cá nhân tôi nhận thấy lợi thế lớn về tiến độ thi công. Nên nếu xét tổng thể có khi chưa hẳn đã đắt hơn so với công nghệ cũ là xây tường gạch chèn.
PV: Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, công nghệ tường bê tông liền khối cũng có những nhược điểm riêng biệt, thưa ông?
PGS.TS Trần Chủng: Công nghệ xây dựng nào cũng có ưu và nhược điểm riêng dù là tiên tiến nhất. Với công nghệ tường bê tông liền khối thì hạn chế đầu tiên có thể nhìn thấy ngay là giá thành có thể sẽ cao hơn vì phải đầu tư công nghệ mới, hiện đại hơn.
Các thiết bị để áp dụng công nghệ này hiện khá đắt, nếu sử dụng mà không biết bảo quản để giữ thời gian quay vòng các công trình khác lâu hơn thì chi phí cho thiết bị khá đắt. Đồng thời, với vật liệu là bê tông tươi cộng tấm lưới thép bên trong cũng sẽ khiến chi phí của dự án đắt lên. Chính điều này ít nhiều sẽ tác động đến giá bán căn hộ ra thị trường.
Còn về vấn đề kỹ thuật, vì là tường bê tông liền khối nên có thể sẽ xảy ra những sự cố nhỏ như nứt bê tông sau khi thi công một thời gian do tác động của nhiệt độ, môi trường tự nhiên. Bởi nứt do co ngót vốn là đặc tính rất bình thường của bê tông. Việc bố trí hệ thống lưới thép đảm bảo ở bên trong có thể hạn chế được đặc tính này. Tuy nhiên, theo tôi những nhược điểm nhỏ này không quá lo ngại và chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát, khắc phục được.
PV: Ông có thể giải thích rõ hơn về việc này?
PGS.TS Trần Chủng: Những hạn chế của công nghệ này hiện đâu đó vẫn có thể xảy ra nhưng đều là những hạn chế chấp nhận được. Nó là do tác động của nhiệt độ môi trường, co ngót bình thường. Nó giống như một cơ thể con người bị sốt, chỉ là phản ứng bình thường với môi trường.
Công nghệ này cứng hơn nhiều so với tường gạch chèn khi toàn bộ chịu lực ở tường gạch được dồn vào khung, còn công nghệ này được dàn đều ra. Bởi vậy, nó sẽ chống lại gió và động đất tốt hơn nhiều.
Ngoài ra, công nghệ shear wall có một gía trị nhân văn rất cao trong xây dựng. Đó là vì sử dụng rất ít nhân công khi thi công trên cao, từ đó có thể giúp giảm thiểu rủi ro tai nạn lao động.
PV: Vậy đối với những người mua nhà, sử dụng nhà thì công nghệ này mang lại cho họ những lợi ích gì, thưa ông?
PGS.TS Trần Chủng: Tất nhiên là có những lợi ích rồi. Trước hết, công nghệ này mang lại cho họ một không gian ở thích hợp. Đó chính là chất lượng căn hộ, tuổi thọ công trình cũng tăng lên so với tường gạch.
Công nghệ này còn giúp công tác bảo trì tòa nhà tốt hơn. Nó cũng giúp tiết kiệm được diện tích xây dựng, qua đó làm tăng diện tích căn hộ lên đáng kể.
Nó khá phổ biến đối với các quốc gia phát triển, rất nhiều nhà thầu lớn trên thế giới đều áp dụng công nghệ này.
Tại cuộc tiếp xúc Thủ tướng mới đây, tôi có nói rằng: Hãy tin vào trí tuệ và bàn tay của người Việt. Những gì tiến bộ nhất của thế giới về xây dựng đang được các kỹ sư Việt Nam áp dụng vào chính các dự án mà họ đang triển khai.
PV: Là một chuyên gia, ông có khuyến nghị các chủ đầu tư áp dụng công nghệ xây tường bê tông liền khối không?
PGS.TS Trần Chủng: Tôi luôn mong muốn các chủ đầu tư hãy nhìn vì lợi ích lâu dài, những giá trị mang lại cho chính mình và khách hàng. Có thể ban đầu nó có giá cao hơn chút ít nhưng nó mang lại giá trị lâu dài cho các bên.
Công nghệ này nó cũng giúp giảm thiểu rất nhiều về lao động, tiến độ cũng như tai nạn rủi ro có thể xảy ra trong quá trình lao động và có thể rút ngắn được đáng kể thời gian thi công.
PV: Nhưng nếu tốt quá, chi phí đầu tư cao thì nó sẽ ảnh hưởng đến giá thành căn hộ, thưa ông?
PGS.TS Trần Chủng: Tôi cũng không biết nó tăng hơn cụ thể là bao nhiêu. Nhưng nó giúp cho chất lượng công trình và tiến độ cải thiện hơn. Cùng với đó là một hạ tầng hoàn hảo và công tác bảo trì chất lượng.
Trân trọng cảm ơn ông!
Hà Oanh thực hiện
(Báo Xây dựng)
- Halcom Việt Nam - 20 năm với tầm nhìn phát triển hạ tầng “xanh”
- Thiết kế thông minh giúp làm sạch kênh nước cổ đại
- Trùng tu công trình cổ kết cấu gạch đá
- Hội thảo “Ứng dụng Mô phỏng Công trình 4.0”
- Cầu Sừng Vàng - thiết kế vượt thời gian của Leonardo da Vinci
- Ứng dụng sàn phẳng để tăng chiều cao thông thủy
- Ứng dụng sàn ô cờ giảm 20% chi phí xây dựng
- Tập đoàn UL của Mỹ và GreenViet mở rộng Chương trình kiểm định xây dựng tại Việt Nam
- Bê tông làm từ cát biển, nước biển?
- Hệ thống tường đúc tại chỗ cho các dự án xây dựng