Năm 2008 dường như là “năm làm ăn” của thần đèn đất Bắc Đỗ Quốc Khánh, khi anh hoàn thành cả chục hợp đồng di dời, nâng, hạ, chống lún, xử lý nghiêng… Mà công trình nào cũng thuộc tầm to tát cả, cái nhỏ nhất cũng ngót nghét vài trăm tấn, còn cái to nhất thì thuộc vào hàng “vô địch Đông Nam Á”... 3.000 tấn.
Kết thúc một năm suôn sẻ, sang năm Kỷ Sửu, danh sách các hạng mục công trình mà anh được khách hàng “đặt chỗ” trước cũng… dài dằng dặc. Tháng 2 này, “thần đèn” lại lên đường sang Mỹ để tham dự cuộc bầu chọn về kỷ lục thế giới cho hạng mục di dời lớn nhất thế giới, do Hiệp hội Thế giới về di dời công trình và Tạp chí Structuranel Mover (Mỹ) bầu chọn!
Đã có lúc tôi bị chửi là “kẻ gở mồm”!
Khi đã “thành danh” và đủ bản lĩnh để tự tin ghi trên danh thiếp giao dịch của mình dòng chữ “Thần đèn đất Bắc - Thần đèn Thăng Long”, Đỗ Quốc Khánh bảo: “Thuở hàn vi của tôi, đã có những lúc bị người ta “xua đuổi” là kẻ gở mồm gở miệng, cái tốt đẹp không nhìn thấy, chỉ toàn nói những điều gở". Ấy là cái quãng gần chục năm về trước, khi Đỗ Quốc Khánh bắt đầu với sự nghiệp “lún – nghiêng – di dời” những công trình nhà dân sinh, và sau này là các công trình cả ngàn tấn.
Khi ấy, việc di dời những công trình nặng vài trăm, thậm chí cả ngàn tấn đi một quãng đường vài chục, vài trăm mét… còn mới mẻ cả trong… suy nghĩ của nhiều người, Đỗ Quốc Khánh đã quyết định dấn thân vào cái nghiệp “táo bạo” và liều lĩnh này.
Đỗ Quốc Khánh kể, dạo khu nhà C2 - tập thể xây dựng Hà Nội vừa mới khánh thành, anh hay qua lại đó để khảo sát… bằng mắt. Sau đó, anh nhận định, khu nhà này sẽ bị lún. Nhận định của anh bị người ta phản ứng, rằng anh chỉ đưa ra nhận định gở mồm gở miệng, toàn nói những điều không tưởng vì toà nhà kiên cố như thế, vừa mới hoàn thành làm gì có sự cố nọ sự cố kia. Nếu có, nó đã chẳng được hoàn thành như bây giờ. Nhiều người gặp anh, không thèm nói chuyện. Họ tỏ thái độ ra ngay bên ngoài. Chán, anh bỏ không thèm đến đó để khảo sát nữa. Một thời gian sau, nhận định của anh đã đúng. Ngôi nhà C2 bị lún khá nghiêm trọng!
Một lần khác, anh đứng trước công trình ngôi nhà 5 tầng của một đôi vợ chồng trẻ đang xây dựng. Đỗ Quốc Khánh bảo, lúc ấy, anh thấy ngôi nhà hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ, giống như một cái chuồng chim đang được dựng trên… một ngọn tre và chắc chắn nó sẽ bị nghiêng. Anh nói với họ về điều đó, anh chồng nổi khùng chỉ thiếu nước… lót lá vào tay mời đi.
Thế rồi, một năm sau, cũng chính anh chồng này, sau một dạo vòng vo nhờ người quen dẫn dắt, chỉ trỏ, cuối cùng đã phải tìm đến Đỗ Quốc Khánh để “nhờ cậy” anh xử lý cho công trình hạnh phúc của mình, vừa mới “tân gia” một năm tròn đã bị… nghiêng!
Sau nhiều lần bị người ta giận, “mà đặt mình vào hoàn cảnh ấy, chắc chắn cũng sẽ có cách xử sự như thế thôi”, Đỗ Quốc Khánh vẫn im ỉm đi khảo sát các công trình, mà anh phán đoán, sẽ xảy ra các sự cố. Nhưng khác với các lần trước, anh không nói ra mồm nữa, chỉ bấm bụng biết với mình, rồi chờ đợi xem nhận định của mình có bao nhiêu phần trăm chính xác.
Đó cũng là quãng thời gian anh “rèn” khả năng “khám bệnh công trình” bằng mắt, để chuẩn bị khởi sự cho “cú” quyết định táo bạo dấn thân vào lĩnh vực, mà “gõ Google chỉ cho một kết quả duy nhất!”: xử lý lún-nghiêng-sập-di dời công trình ở Việt Nam!
- Ảnh bên : Công trình toà nhà 650 tấn Đài Phát thanh Xuân Trường (Nam Định) di dời 70 mét để "trả đất" cho Khu tưởng niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh - một trong những công trình lớn thần đèn thực hiện trong năm 2008. (Ảnh: Kiên Trung)
“Tôi cũng bất ngờ về chính khả năng của mình!”
Số lượng những công trình qua tay Đỗ Quốc Khánh xử lý gần chục năm nay nhiều quá, tới mức “tôi không thống kê nên không thể nhớ nổi con số chính xác!”.
Gạch vội lên tờ giấy, anh kể… sơ sơ trên dưới chục công trình, mà công trình nào cũng thuộc “hàng khủng” và làm tốn giấy mực của giới báo chí: Di dời tòa nhà 2 tầng Láng-Hoà Lạc 3.000 tấn đi xa 50 mét trong thời gian 36 tiếng; di dời nhà 3 tầng (240m2) 300 tấn tại Cầu Bươu phục vụ giải phóng mặt bằng mở đường tháng 12/2008; di dời nhà 2 tầng Đài Phát thanh huyện Xuân Trường (Nam Định) 650 tấn đồng thời thực hiện xoay 180 độ; nâng cao tiền sảnh Khách sạn Thắng Lợi lên độ cao 1,07 mét; nâng biệt thự 4 tầng lên cao 2,62 mét, và… luồn thêm 1 tầng bên dưới thành 5 tầng…
“Những người chứng kiến đều không tin tôi có thể thực hiện được. Và khi đã hoàn thành công trình, có những công trình, chính tôi cũng phải bất ngờ về khả năng của mình. Cho nên, những người đến xem, có người nghi ngờ, có người xuýt xoa… cũng là điều dễ hiểu!” – Đỗ Quốc Khánh tâm sự.
“Lần đầu tiên (năm 1994) xử lý công trình bị nghiêng ở Ngoại giao đoàn, một cụ già gọi tôi là “người trời”. Một lần khác, tôi xử lý công trình nhà chống sập ở phố Nguyễn Hữu Huân, chân cầu Chương Dương. Công trình ấy, tôi sử dụng một chiếc cần cẩu thả dây “níu” ở trên giống như người ta… túm tóc. Người đi đường không hiểu tôi làm thế để làm gì, có người bảo: “Ông Khánh “túm tóc” ngôi nhà để nó không bị rung!”.
Đúng là như thế thật. Bạn tưởng tượng, ngôi nhà được đỡ trên hệ thống trục nâng, giống như bị treo lơ lửng, chỉ cần một chuyển động nhẹ cũng khiến nó lắc lư. Anh em thợ muốn quai một nhát búa cũng không chính xác, vì nó lắc lư khiến mình không điều khiển được thao tác của mình. Về sau tôi mới nghĩ ra, phải “cố định” nó bằng một cái trục cẩu “túm” đỉnh ngôi nhà như người ta túm tóc!”.
“Độc quyền” ở lĩnh vực xử lý chống sập, di dời ở Việt Nam và thêm một “lĩnh vực” mới mà Đỗ Quốc Khánh khẳng định, “thế giới chưa ai dám làm”, ấy là “nâng cao, hạ thấp, chữa bệnh lún – nghiêng cho công trình”, thế nhưng cách làm của thần đèn Đỗ Quốc Khánh lại rất… ngược đời.
Bằng kinh nghiệm của bản thân, trước một “đơn hàng”, anh xuống hiện trường khảo sát, giám định 100% bằng mắt, sau đó về nhà lên phương án, phác đồ, thiết kế thi công… Với Khánh, anh “không tin tưởng vào máy móc, vì con người mới là cỗ máy hoàn thiện nhất!”. “Tôi không muốn sử dụng máy móc để giám định hiện trường công trình, vì nếu lạm dụng máy móc, lệ thuộc vào máy móc, mình sẽ mất đi cái bản năng của con người!”.
Đỗ Quốc Khánh gọi cái nghề khô khan suốt ngày chỉ gắn với các thuật ngữ công trình, xi măng, cốt thép, bê-tông… của mình bằng một thuật ngữ khá mềm mại, ấy là nghề “khám bệnh công trình”. Theo anh, các quy trình của một công đoạn xử lý sự cố công trình hệt như phác đồ điều trị bên ngành y. Một ngôi nhà cũng như một con người, có các giai đoạn sống, chu kỳ sống và phát triển của nó.
Anh chia nó làm ba giai đoạn: giai đoạn tuổi trẻ - là khi công trình vừa hoàn thành, bắt đầu thích nghi với môi trường xung quanh, độ ẩm, lượng mưa, thời tiết nắng nóng, gió bão… Giai đoạn này nó giống như một đứa trẻ, dễ có những phản ứng với môi trường, gọi là giai đoạn dễ có bệnh nhất. Giai đoạn hai là tuổi trưởng thành - sau khi đã hoà hợp với môi trường, công trình giống như một gã trai trẻ ở độ tuổi sung sức, rất ít bệnh tật. Và cuối cùng, ấy là giai đoạn tuổi già - công trình đi vào lão hoá.
- Ảnh bên : Tại công trường, thần đèn đi lại như con thoi để chỉ đạo, động viên anh em. Những lúc ấy, Đỗ Quốc Khánh giống như một nhạc trưởng! (Ảnh: Kiên Trung)
Trên thế giới, lý thuyết về bệnh học công trình rất phát triển và trở thành một môn học chuyên ngành trong các trường đại học. Ở Việt Nam nó vẫn còn mới mẻ, và hình như là vừa mới có dự định sẽ thực hiện trong các trường ĐH vào thời gian tới. Chính sự “đi sau” này của Việt Nam đã khiến hầu hết người Việt đều có chung một quan niệm, đó là một công trình sau khi hoàn thiện xong, coi như là một công trình đã chết, đã hoàn thành tất tần tật và chỉ việc sử dụng mà bỏ qua công đoạn bảo trì định kỳ. Quan niệm này đã giết chết công trình ngay sau khi nó vừa mới hoàn thành!
Chính vì thế, theo Đỗ Quốc Khánh, hầu hết các công trình xây dựng ở Việt Nam đều “ủ bệnh”. Anh đưa ra một công thức mang tính tổng kết: “sự cố công trình = sự phát triển nóng của xã hội – sự phát triển không cân xứng trong nhận thức của con người”. Cách “phòng bệnh” cho công trình hiệu quả nhất, là nâng cao nhận thức của con người, cần xem các công trình xây dựng như một thực thể sống, phải thường xuyên bảo trì theo định kỳ cho nó, giống như chăm sóc một cái cây, nuôi một con vật… Đỗ Quốc Khánh ấp ủ ý tưởng, anh sẽ mở một dịch vụ và treo hẳn một cái biển ghi rõ: “Khám bệnh công trình!”.
Khi được hỏi cảm giác của thần đèn sau khi hoàn thành việc xử lý một công trình, anh chỉ cười: “Giống như một bác sỹ khám bệnh cho bệnh nhân, lên phương án đúng, điều trị đúng thuốc để chữa khỏi bệnh…”.
Đôi mắt anh nhìn nghiêng, nhưng hướng nhìn vẫn thẳng. Dường như, đó là thói quen “bệnh nghề nghiệp” của anh mang lại. Tôi nhận thấy trong đó, niềm đam mê mà cả tuổi trẻ anh ấp ủ.
“Ông Cẩm Luỹ - thần đèn đất Nam” có lẽ là đồng nghiệp duy nhất của tôi ở Việt Nam. Cẩm Luỹ là một người giàu ý tưởng, và tôi khâm phục ý tưởng của ông. Nó là chìa khoá để lý giải, một người mới học hết lớp 4 trường làng, chưa qua bất kỳ một trường đại học nào mà làm được những việc mà người ta không thể nghĩ tới: di chuyển những công trình vài trăm tấn. Những kỹ năng chúng ta có thể học được ở trường, nhưng ý tưởng không trường nào dạy được! Tôi luôn nghĩ, con người là một cỗ máy hoàn thiện nhất không thể thay thế, vì thế, hãy đừng làm mất đi bản năng của chính mình vì lệ thuộc quá nhiều vào máy móc. Trong tương lai, tôi tin lĩnh vực tôi đang làm, sẽ phát triển thành một ngành công nghiệp lớn ở Việt Nam. Cả tôi và ông Cẩm Luỹ, những người đi tiên phong, đều có những nỗi khổ riêng. Nhưng, qua cái khổ, hạnh phúc mới thật ngọt ngào…” - thần đèn đất Bắc Đỗ Quốc Khánh tâm sự!
- "Bê tông hóa vỉa hè": lợi ít - hại nhiều
- Một người Việt được trao giải thành tựu trọn đời tại Mỹ
- Biến rác thải thành vật liệu xây dựng
- Thợ xây dựng Việt Nam ở Nga trong cơn bĩ cực
- Những ưu điểm của dầm hộp bê tông dự ứng lực đúc sẵn
- Thép hay bê tông? Bê tông hay thép?
- Tìm hiểu kỹ thuật xây dựng tháp cổ Chăm Pa tại miền trung Việt Nam
- Khó phát triển đô thị ngầm ở VN
Lời bình
E cảm ơn
tin bình luận RSS của chủ đề này