Công ty Lotte E&C - một công ty con thuộc Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) mong muốn được đầu tư nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai, giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư 113 triệu đô la Mỹ.
Theo một nguồn tin từ Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), bộ này đã nhận được đề xuất của Công ty Lotte E&C về việc cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai, giai đoạn 2.
Việc cải tạo nâng cấp đường sắt nhằm nâng tốc độ chạy tàu là mục tiêu trong 5 năm tới của Bộ GTVT - Ảnh: TL.
Khác với lần đề xuất đầu tiên, lần này Lotte E&C đề xuất cụ thể hơn về hình thức đầu tư là hình thức BLT (xây dựng - cho thuê - chuyển giao). Lotte E&C tính toán thời gian hoàn vốn cho dự án là 20 năm.
Các hạng mục chính cần phải nâng cấp cho giai đoạn 2 gồm nâng cấp hơn 50 km đường sắt, cải tạo hơn 6 km; xây dựng mới 1 nhà ga; cải tạo 25 ga; cải tạo nâng cấp 21 cầu, xây mới 12 cầu.
Mục tiêu của việc nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai giai đoạn 2 là nâng năng lực vận chuyển của tuyến đường sắt này đạt 5 triệu hành khách/năm và 7,5 triệu tấn hàng hóa/năm, rút ngắn thời gian chạy tàu trên tuyến khoảng 90 phút. Tổng mức đầu tư của dự án là 113 triệu đô la Mỹ.
Không phải ngẫn nhiên mà Công ty Lotte E&C đề xuất đầu tư giai đoạn 2 tuyến đường sắt Yên Viên – Lào Cai vì ở giai đoạn 1, Lotte E&C cũng là một trong những nhà thầu xây lắp chính. Giai đoạn 1 của dự án đã được đưa vào khai thác vào tháng 4-2015, với 23 đôi tàu/ngày đêm trên đoạn Việt Trì – Yên Bái; 33 đôi tàu/ngày đêm trên đoạn Yên Bái – Phố Lu; 17 đôi tàu/ngày đêm trên đoạn Phố Lu – Lào Cai; rút ngắn thêm 40 phút chạy tàu từ Hà Nội đến Lào Cai.
Trước khi, Lotte E&C đề xuất đầu tư giai đoạn 2, Bộ GTVT dự kiến nguồn vốn để thực hiện giai đoạn 2 này sẽ được vay từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) 48 triệu đô la Mỹ; vay Cơ quan phát triển Pháp (AFD) 30 triệu đô la và vay của Tổng vụ Ngân khố Pháp (DGTresor) 26 triệu đô la. Tuy nhiên, đến nay các nguồn vốn này chưa được cam kết cụ thể.
Việc hoàn thành giai đoạn 2 đường sắt Yên Viên-Lào Cai sẽ rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa từ cảng Hải Phòng đến tỉnh Vân Nam, Trung Quốc và ngược lại, đặc biệt là vận tải container, giảm áp lực giao thông đường bộ vì một đoàn tàu hàng chuyên chở container bằng đường sắt từ ga Lào Cai tới ga Hải Phòng (và ngược lại) sẽ chở được 32 TEU (bao gồm 10 toa chở container 20 feet và 6 toa chở container 40 feet); tương đương với khoảng 20 xe ô tô.
Phát triển vận tải hàng hóa bằng đường sắt là một trong những mục tiêu ưu tiên của Bộ GTVT trong những năm tới. Vì thế, đang có nhiều doanh nghiệp và các cảng muốn tham gia. Hôm 22/7, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã ký kết hợp tác chiến lược với Công ty cổ phần giao nhận vận chuyển Indo Trần và Công ty cổ phần Container Việt Nam – Xí nghiệp Cảng Viconship nhằm kết nối các phương thức vận chuyển đường sắt, đường bộ và đường biển, từ đó khai thác tốt tuyến đường sắt Hải Phòng – Yên Viên và Trung tâm Đường sắt logistics ga Yên Viên. |
Lê Anh
(TBKTSG)
- TPHCM bác đề xuất điều chỉnh quy hoạch khu trung tâm Thủ Thiêm
- Đồng ý hàng loạt cơ chế đặc thù cho sân bay Long Thành
- TPHCM sắp rút phép dự án 3,5 tỉ đô la của Berjaya?
- Vì an ninh quốc gia, cần ‘khoanh vùng’ khu vực hạn chế mua bán bất động sản
- Hải Phòng: Công bố quy hoạch chi tiết 1/2000 đảo Cát Hải thành đảo thông minh
- Hà Nội: Điều chỉnh cục bộ ô quy hoạch B4, Khu đô thị mới Tây Nam Hà Nội
- Đảm bảo tính hiệu quả các Ban Quản lý dự án chuyên ngành, khu vực
- Chính thức chốt phương án tiếp theo cho gói 30.000 tỷ
- Dự án Da Nang IT Park đổi chủ: Giấc mộng vàng có thành ác mộng?
- Hà Nội mở trang Facebook về khiếu kiện sổ đỏ