TP HCM vừa kiến nghị Bộ kế hoạch - Đầu tư chọn đề xuất dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 3A (Bến Thành - Tân Kiên) để trình Chính phủ cho sử dụng vốn ODA. Tuyến dài gần 20 km, tổng mức đầu tư gần 2,2 tỷ USD (110 triệu USD/km) và nhà tài trợ dự kiến là Chính phủ Nhật Bản.
Động thái này của TP HCM được đưa ra trong bối cảnh tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên đã thi công được 5 năm) đang có nguy cơ chậm tiến độ do trung ương chậm giải ngân, còn tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) thành phố đang xin điều chỉnh vốn và lùi thời gian hoàn thành so với trước đây.
Sơ đồ hướng đi tuyến metro Bến Thành - Tân Kiên.
Trung tâm TP HCM là công trường khổng lồ
Chuyên gia lĩnh vực quy hoạch - TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, TP HCM nên ưu tiên, tập trung hoàn thành tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) vì dự án này đang có nguy cơ phải dừng do trung ương chậm rót vốn ODA. Nếu lo làm thêm các tuyến metro khác thì nguy cơ dự án nào cũng dang dở.
"Riêng việc thi công tuyến metro số 1 đã làm khu vực trung tâm thành phố "giống một công trường khổng lồ" để phục vụ dự án. Tình trạng này không chỉ gây kẹt xe, bức xúc cho người dân mà còn gây thất thu cho các cửa hàng dịch vụ, trung tâm thương mại do phải đóng cửa cả năm nay", ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, nếu thành phố không làm hoàn chỉnh tuyến metro số 1 thì rất khó bắt tay vào làm các tuyến khác. Ngoài ra, thành phố cũng cần hoàn thiện các hạng mục kết nối metro như xe buýt, nhà chờ, nơi gửi xe để khi tuyến metro số 1 đi vào khai thác có thể phát huy được hiệu quả cao nhất.
Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đang gặp khó khăn về vốn. (Ảnh: Quỳnh Trần)
TP HCM sẽ làm nhiều cách để trả nợ
Chánh văn phòng UBND TP HCM Võ Văn Hoan cho biết, để phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội phải xây dựng cả một cả hệ thống, mạng lưới metro chứ không chỉ làm một tuyến, một đoạn.
Các dự án metro không thể chờ làm xong cái này rồi mới bắt tay làm cái kia theo kiểu cuốn chiếu, mà phải làm đồng bộ. Hệ thống metro phải được bao quát trên toàn địa bàn, gắn liền sự tăng trưởng của thành phố mới có hiệu quả.
"Đó là con đường mình đi, sắp xếp nguồn vốn như thế nào thành phố sẽ cùng các cơ quan trung ương xem xét bố trí… Dĩ nhiên điều này là vay - trả, thành phố nhờ Chính phủ vay vốn nước ngoài về rồi cho mình vay lại. Thành phố sẽ bằng nhiều cách để trả nợ, không để trung ương gặp khó", ông Hoan nói.
Theo ông Hoan, quy hoạch hệ thống metro của TP HCM nhìn trên bản đồ như một mạng nhện, khu vực Bến Thành (quận 1) sẽ là trung tâm điều hành của cả hệ thống. Từ đây, các tuyến metro sẽ được lan tỏa đi khắp các hướng: đi về phía Đông (các quận 2, 9, Thủ Đức); đi ngược về Bình Chánh và một hướng đi về Bảy Hiền (các quận Tân Bình, Tân Phú), rồi đi lên quận 12. Ngoài ra còn có các tuyến vòng của 3 tuyến này, tổng cộng là 8 tuyến.
"Muốn đầu tư xây dựng một tuyến metro phải nghiên cứu rất kỹ lưỡng bởi nó không đi trên mặt đất mà đi ngầm, đi cao, rất phức tạp. Rồi khâu lựa chọn kỹ thuật cũng không hề đơn giản, làm sao để các tuyến tương thích với nhau. Đặc biệt là nguồn vốn cũng rất lớn, tuyến nào cũng lên đến vài tỷ USD", ông Hoan nói.
Để thông qua việc triển khai một dự án phải có quy trình chặt chẽ. Đầu tiên là Quốc hội quyết chủ trương, sau đó là một loạt các công việc khác. Vì vậy, để thực hiện một tuyến metro tốn ít nhất cũng phải 10 năm.
"Nếu làm xong tuyến này rồi mới nghiên cứu làm tuyến khác thì 80 năm nữa không biết đã xong hệ thống metro của thành phố chưa. Quan điểm chỉ đạo của thành phố là vừa làm, vừa xếp hàng, vừa chạy. Cái nào đang làm thì vẫn làm, còn các tuyến khác thì phải tranh thủ hoàn tất thủ tục. Không vì tuyến này đang khó khăn mà các tuyến khác cũng phải dừng lại hết", ông Hoan nói.
Lãnh đạo UBND TP HCM thông tin thêm, vấn đề vốn của tuyến metro số 1 (đang thi công) đã được gỡ khó. Thủ tướng chỉ đạo các bộ bố trí vốn trung hạn và giải ngân cho thành phố. Trước mắt, thành phố tạm ứng ngân sách trước rồi trung ương sẽ trả lại.
Riêng tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) thành phố đang điểu chỉnh tổng mức vốn, nếu xin chủ trương trung ương xong thì dự kiến sang năm 2018 sẽ đấu thầu và hoàn thành 2024.
Còn tuyến 3A khâu nghiên cứu đã xong, sắp tới sẽ trình Quốc hội cho ý kiến, dự kiến 2019 mới khởi công, hoàn thành vào khoảng năm 2026.
Tuyến metro 3A làm trong hai giai đoạn.
Đầu tiên là xây dựng trước đoạn Bến Thành - Bến xe Miền Tây (dài 9,7 km đi ngầm); giai đoạn hai làm ở đoạn Bến xe Miền Tây - Tân Kiên (dài hơn 10 km, phần lớn đi trên cao).
Dự án có hướng tuyến: Bến Thành (Quảng trường Quách Thị Trang) - Phạm Ngũ Lão - Ngã 6 Cộng Hòa - Hùng Vương - Hồng Bàng - Kinh Dương Vương - Depot Tân Kiên - Ga Tân Kiên. Tuyến metro này cũng được định hướng kéo dài kết nối với TP Tân An (Long An) tại ga Tân Kiên (huyện Bình Chánh).
Dẫn nghiên cứu của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), chính quyền TP HCM cho biết, giả định việc xây dựng tuyến metro số 3A giai đoạn 1 (Bến Thành - Bến xe Miền Tây) với kịch bản vận hành 30 năm (thời gian vận hành từ năm 2026 đến năm 2055) là có lợi về mặt kinh tế, xã hội và môi trường.
Trong đó, lượng khách sử dụng tuyến metro này năm 2026 là 218.000 người và đến năm 2050 là 473.000 người. Riêng phần chi phí vận hành phương tiện hàng ngày (thay vì phải sử dụng xe cá nhân) đã tiết kiệm được khoảng hơn 2 tỷ đồng.
Theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, TP HCM có 8 tuyến metro: - Tuyến số 1: Bến Thành - Suối Tiên dài gần 20 km (dự kiến kéo dài đến Bình Dương, Đồng Nai). |
Hữu Công
(VnExpress)
- Mitsubishi và Phúc Khang hợp lực phát triển dự án xanh
- Công bố 8 danh mục cao tốc Bắc - Nam với vốn đầu tư 104.000 tỷ
- Bài học đội vốn metro
- Kỷ lục buồn cho các dự án ODA giao thông
- Đề xuất sửa Luật Đất đai để người nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam
- Sẽ bãi bỏ hàng loạt quy định về kinh doanh bất động sản
- Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực đầu tư xây dựng là 1 tỷ đồng
- Gọi vốn vào dự án nhà ở công nhân tại khu công nghiệp
- TPHCM dành 40.000 tỉ đồng cho đầu tư công
- "Bệnh" chậm tiến độ, đội vốn trên các tuyến đường sắt đô thị: Hội chứng nguy hiểm