Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Chậm thanh toán, Metro Bến Thành-Suối Tiên có thể bị dừng thi công

Chậm thanh toán, Metro Bến Thành-Suối Tiên có thể bị dừng thi công

Viết email In

Với số tiền chậm thanh toán cho nhà thầu thi công và nhà thầu tư vấn đã lên đến hơn 100 triệu USD (khoảng 2.325 tỷ đồng), dự án đường sắt đô thị tuyến Metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên (Thành phố Hồ Chí Minh) có nguy cơ dự án sẽ buộc phải ngừng thi công trong tháng 12 tới nếu không được giải ngân, hỗ trợ ứng vốn chi trả cho nhà thầu.

Đây là điểm nhấn trong thư của Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam gửi tới Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh để giải quyết những vướng mắc phát sinh vấn đề chậm giải ngân nguồn vốn thi công nghiêm trọng của dự án.


Dự án metro Bến Thành-Suối Tiên.
(Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Theo ông Umeda Kunio, Đại sứ Nhật Bản, dự án này được triển khai thực hiện bằng vốn vay của Nhật Bản từ năm 2007, tuy nhiên do việc chậm phê duyệt quyết định đầu tư điều chỉnh dẫn tới việc dự án đã không được Chính phủ phân bổ ngân sách kể từ tháng 10/2017 với lý do cần phải xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sớm phê duyệt quyết định đầu tư điều chỉnh để phân bổ ngân sách cho dự án.

Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh đã cam kết sẽ tạm ứng thanh toán bằng ngân sách của thành phố cho đến khi Chính phủ phân bổ ngân sách cho dự án, tuy nhiên thủ tục thanh toán cho các nhà thầu trên thực tế đã không tiến triển. Số tiền chậm thanh toán cho nhà thầu thi công và nhà thầu tư vấn đã lên đến hơn 100 triệu USD.

“Áp lực lên các nhà thầu cũng đã đến mức giới hạn, nếu đến cuối tháng 12 mà các vấn đề này không được giải quyết thì dự án sẽ buộc phải ngừng thi công,” Đại sứ Nhật Bản bày tỏ quan điểm.

Do đó, phía Nhật Bản đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo mạnh mẽ các Sở ngành liên quan, đặc biệt là Ban Quản lý đường sắt đô thị để sớm giải quyết vấn đề này.

Đề cập về vấn đề chưa ký kết hợp đồng tư vấn quản lý thi công (Liên danh NJPT), theo Đại sứ Nhật Bản, hợp đồng tư vấn quản lý thi công dự án này của Liên danh NJPT đã hết thời hạn vào tháng 4/2017.

Nhấn mạnh các bên liên quan đã nhiều lần tiến hành đàm phán để gia hạn hợp đồng, tuy nhiên phía Nhật Bản thừa nhận, cho đến nay, hợp đồng vẫn chưa được sửa đổi và nhà thầu tư vấn buộc phải thực hiện công việc tư vấn mà không được chi trả thù lao trong 19 tháng qua.

“Số tiền chậm thanh toán cho Liên danh NJPT đã lên đến 20 triệu USD, ảnh hưởng đến việc thanh toán cho các nhà thầu khác,” ông Umeda Kunio, Đại sứ Nhật Bản cho biết và đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị nhanh chóng ký kết biên bản ghi nhớ về công việc và tạm ứng thanh toán cho Liên danh.

Về gói thầu CP2 (xây dựng đoạn metro đi trên cao dài 17,1km) mà Liên danh nhà thầu Sumitomo-Cienco đang thực hiện, theo Đại sứ Nhật Bản, việc thi công gói thầu đã bị chậm trễ vì vướng giải phóng mặt bằng dẫn tới việc Liên danh nhà thầu đã thi công vượt quá ngày hoàn thành gói thầu theo hợp đồng hiện tại (tháng 1/2018).

Với lý do này, Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra ý kiến không thể thanh toán chi phí thi công sau ngày hoàn thành gói thầu theo hợp đồng nên việc thanh toán chi phí thi công từ sau tháng Một đang bị dừng lại.

Tuy nhiên, Đại sư Nhật Bản lại viện dẫn, Bộ Xây dựng đã có văn bản nêu ý kiến về việc có thể thanh toán chi phí thi công dù vượt quá ngày hoàn thành gói thầu theo hợp đồng. Do đó, phía Nhật đề nghị thành phố chỉ đạo các bên liên quan xúc tiến thủ tục để sớm nối lại việc thanh toán chi phí thi công kể từ sau tháng Một cho nhà thầu.

“Mặc dù việc thi công các gói thầu vẫn đang tiến triển nhưng việc thanh toán cho phần khối lượng công việc đã hoàn thành đang bị dừng lại dù trước đó thành phố đã chỉ đạo cho Ban Quản lý đường sắt đô thị ký kết biên bản ghi nhớ và tạm ứng thanh toán 80% giá trị khối lượng công việc cho đến khi thiết kế được phê duyệt," ông Umeda Kunio cho hay.

“Dự án tuyến đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh tuyến số 1 là dự án biểu tượng cho quan hệ hữu nghị giữa hai nước Nhật Bản-Việt Nam, đồng thời là dự án vô cùng cần thiết góp phần cải thiện môi trường sống cũng như cho sự phát triển kinh tế hơn nữa của Thành phố Hồ Chí Minh. Các nhà thầu đang nỗ lực tối đa để có thể đưa tuyến đường sắt này vào vận hành vào năm 2020 theo đúng kế hoạch, vì vậy Nhật Bản đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo để sớm thực hiện giải ngân cho dự án,” ông Umeda Kunio nhấn mạnh.

Để vận hành đúng kế hoạch vào năm 2020, trong giai đoạn 2016-2020, tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên có nhu cầu vốn khoảng 28.000 tỷ đồng, nhưng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ bố trí cho dự án được 7.500 tỷ đồng. Thực tế này đẩy dự án vào tình trạng đói vốn 20.500 tỷ đồng.

Dự án Metro Bến Thành-Suối Tiên được khởi công tháng 8/2012 với chiều dài gần 20km, tuyến đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) và huyện Dĩ An (Bình Dương). Trong đó 2,6km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17km trên cao (11 nhà ga). Công trình dự kiến đưa vào khai thác năm 2020.

Được biết, dự án metro số 1 vẫn chưa được Quốc hội chưa xem xét, thông qua việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án từ 17.388 tỷ đồng lên 47.328 tỷ đồng do sự biến động giá của một số nguyên, nhiên vật liệu; tăng khối lượng xây dựng khi điều chỉnh thiết kế cơ sở; thay đổi các điều kiện tính toán tổng mức đầu tư như tỷ giá và các chi phí dự phòng, rủi ro, trượt giá đến năm 2019…

Việt Hùng

(Vietnam+)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 3387 khách Trực tuyến

Quảng cáo