Những ngày này, dựa trên các kết luận thanh tra, TPHCM đang dự kiến thu hồi hàng trăm dự án có dấu hiệu sai phạm trong đấu thầu, đấu giá đất công. Một bên là chính quyền thành phố, bên còn lại là doanh nghiệp phát triển đất và khách hàng của họ.
Cũng tại thành phố này, đất của dân Thủ Thiêm xưa, qua quyết định thu hồi và phân bổ của chính quyền, phần đã thành đất công, phần còn lại trở thành đất của doanh nghiệp và những người chủ mới. Với dân đang khiếu kiện, chính quyền thành phố đề xuất hỗ trợ, song ít ai nhắc tới khả năng thu hồi dự án và trả lại đất cho người chủ cũ.
Đất công biến thành của tư thì sẽ có người được hưởng lợi à người chịu thiệt. (Ảnh: Thành Hoa)
Quan chức nhà nước chỉ đạo các vụ việc kiểu này thường nhấn mạnh rằng vụ việc sẽ được xử lý nghiêm theo đúng luật, truy cứu trách nhiệm đến cùng, của bất kỳ ai, rằng sẽ không có vùng cấm, không ai đứng ngoài vòng pháp luật. Nói là thế song thế nào là đúng luật, đúng cho ai và sai cho ai? Xử lý đúng luật, song có phải cứ đúng luật là sẽ hợp với lẽ phải, lẽ công bằng ở đời? Quan sát hai trường hợp kể trên, cán bộ công chức trong chính quyền cùng có dấu hiệu vi phạm pháp luật quản lý đất đai đại thể giống nhau, song tùy loại đối tượng bị thiệt hại, định hướng xử lý hậu quả của thành phố có vẻ uyển chuyển khác nhau.
Cùng một sai phạm, song tùy theo chủ đầu tư, tùy theo doanh nghiệp, cá nhân mua đất hay nông dân bị thu hồi đất mà cách xử lý của chính quyền nên uyển chuyển, miễn là đạt được sự thỏa đáng, công bằng, xa hơn là tạo ra công lý cho mọi người. |
Đối với 300 dự án sai phạm trong đấu thầu, đấu giá, thành phố muốn thu hồi đất và dự án, tổ chức đấu thầu, xác định lại giá, làm cho đúng luật. Chắc rằng tình trạng pháp lý của các dự án sẽ rất khác nhau, và do đó giải pháp xử lý nên tùy từng trường hợp cụ thể mà linh hoạt. Dự án nào chủ đầu tư đã nhận đất mà chưa hề triển khai, chỉ để giữ phần, đầu cơ kiếm lời, khả năng thu hồi có thể sẽ cao. Ngược lại, với dự án đã được cấp phép xây dựng, đã thực hiện, đã bán nhà hoặc chung cư cho khách hàng, khả năng thu hồi sẽ thấp hơn rất nhiều, thậm chí khó có thể xảy ra. Trong mọi tình huống, nếu vi phạm Luật Đấu thầu, Luật Đấu giá tài sản, rất có thể chính quyền sẽ tìm cách thương lượng để buộc nhà đầu tư đã hưởng lợi phải trả thêm một phần hoặc toàn bộ những khoản tiền đất mà đáng ra chính quyền phải được hưởng.
Mặt khác, đối với đất có nguồn gốc thuộc quyền sử dụng của các hộ dân, qua sự hậu thuẫn của Nhà nước, nay đã thành đất sạch cấp cho chủ đầu tư để phát triển dự án và bán lại cho chủ mới, nếu phát hiện có sai phạm hành chính, thì ít ai bàn tới chuyện thu hồi dự án để trả lại cho chủ cũ, mà khả thi hơn chính quyền sẽ đề xuất hỗ trợ cho dân khiếu kiện. Ẩn sau đề xuất đó, doanh nghiệp phát triển đất, nếu được hưởng lợi từ các sai phạm hành chính ấy, chắc cũng phải có nghĩa vụ tài chính bổ sung cho chính quyền. Chỉ có điều, các cuộc thương lượng kiểu này ít được công khai, minh bạch, rõ ràng.
Suy cho cùng luật pháp ở nước ta, trước hết là văn bản pháp luật, tức là luật trên giấy, do chính quyền đặt ra. Trong Luật Đất đai, Nhà nước xác định mục đích sử dụng đất, biến đất trồng lúa thành đất ở có quyền thu hồi đất của chủ cũ để làm thành đất sạch, “bán” cho chủ mới qua các quyết định hành chính nhân danh Nhà nước. Doanh nghiệp, người dân không có quyền sở hữu đất đai một cách chắc chắn mà chỉ có các quyền sử dụng đất trong khuôn khổ chính quyền đặt ra. Chủ đầu tư nhận đất, sau một thời gian mà không triển khai dự án, về lý thuyết, Nhà nước cũng có thể thu hồi đất đã giao.
Quyền lực ấy có thể gọi là quyền phân phối tài nguyên đất đai. Do luật pháp do chính quyền ban hành, hành vi hành chính cũng do chính quyền thi hành, nếu không bị kiểm soát chặt chẽ, việc phân phối tài nguyên có thể vẫn hợp pháp, song tạo ra bất công ghê gớm. Điều này đặc biệt có nguy cơ xảy ra khi chuyển đất công thành tài sản tư, và ngược lại, khi thu hồi đất tư của dân để phân bổ lại cho doanh nghiệp.
Đất công chuyển thành tư phải trải qua nhiều công đoạn với bản chất chính trị, hành chính và quan hệ hợp đồng khác nhau. Chính trị, bởi lẽ đất công suy cho cùng là của toàn dân, biến thành của tư thì sẽ có người được hưởng lợi và người chịu thiệt, các nhóm dân cư phải có quyền có tiếng nói trong sử dụng, định đoạt loại công sản khan hiếm này. Quy trình chính trị bản chất là các cuộc thương lượng hướng tới quy hoạch sử dụng đất, quyết định về tài chính công, ở các nước thường được đề xuất bởi các đảng cầm quyền và chấp nhận bởi các cơ quan dân cử. Sau quy trình chính trị là các quy trình hành chính, bởi ý chí chính trị phải được thực hiện thông qua hành vi của bộ máy chính quyền, ví dụ mời gọi dự thầu, tổ chức đấu giá, ban hành các quyết định lựa chọn nhà đầu tư và xác định giá bán. Cuối cùng là các quan hệ hợp đồng giữa chính quyền và doanh nghiệp phát triển đất, bởi sau khi có quyết định giao hoặc cho thuê đất, chính quyền thường phải ký các hợp đồng cho thuê đất, ấn định nghĩa vụ rõ ràng của các bên.
Phân tách rõ ba công đoạn ấy, để thấy rằng sai ở đâu phải sửa ở từng công đoạn đó một cách phù hợp. Trục trặc trong quy trình chính trị, ví dụ thiếu minh bạch và thiếu sự tham gia của người dân, khó có thể sửa được bằng quyết định hành chính. Cũng như vậy, lỗi trong công đoạn hành chính không phải lúc nào cũng là căn cứ đủ thỏa đáng để chính quyền hủy bỏ các hợp đồng đã ký với doanh nghiệp. Không thể dùng chế tài hành chính để chữa các quan hệ hợp đồng. Nếu không đủ bằng chứng xác định sai phạm từ phía doanh nghiệp thì không thể buộc họ phải chịu hậu quả cho sự non kém hay sai phạm của cán bộ, công chức trong chính quyền. Nói cách khác, thu hồi dự án, hủy hợp đồng mà không có căn cứ thỏa đáng, chính quyền có thể trở thành bên vi phạm quan hệ hợp đồng, và có thể bị kiện.
Tóm lại, xử lý sai phạm trong thu hồi đất, không thể chỉ bám vào câu chữ cứng nhắc của văn bản luật trên giấy do Nhà nước ban hành. Cùng một sai phạm, song tùy theo chủ đầu tư, tùy theo doanh nghiệp, cá nhân mua đất hay nông dân bị thu hồi đất mà cách xử lý của chính quyền nên uyển chuyển, miễn là đạt được sự thỏa đáng, công bằng, xa hơn là tạo ra công lý cho mọi người. Luật trên giấy đôi khi không hoặc chưa phù hợp dẫn tới bất công, chẳng lẽ lại dựa vào cái bất công ấy để gây thêm bất công chồng chất?
Phạm Duy Nghĩa
(TBKTSG)
- Sửa quy định để giảm tranh chấp chung cư
- Tư lệnh ngành Giao thông chốt tiến độ sân bay Long Thành và cao tốc Bắc Nam
- Đà Nẵng không cấp phép cho các dự án chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường
- Khơi thông vốn tư nhân cho cơ sở hạ tầng
- 20.000 tỉ đồng làm đường Vành đai 3, “giải hạn” cho 4 tỉnh phía Nam
- Tháo “nút thắt" vốn tư nhân vào cơ sở hạ tầng
- Khe hở luật gây thất thoát đất công
- Hà Nội đề xuất cho xây nhà cao tầng trong khu phố cũ
- TPHCM khởi động nhiều dự án đình trệ
- Bộ Giao thông Vận tải muốn xây dựng cảng 1A tại Trần Đề (Sóc Trăng)