Đến tháng 6/2022, dự án Đường vành đai phía Tây 2 có chiều dài hơn 14 km và tổng vốn đầu tư hơn 1.100 tỉ đồng phải được thông toàn tuyến – lãnh đạo thành phố Đà Nẵng yêu cầu.
Thông tin trên được ghi nhận sau chuyến kiểm tra thực tế một số công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố cuối tuần qua của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, theo Cổng thông tin điện tử thành phố.
Bản đồ khu vực dự án đường vành đai phía Tây của Đà Nẵng. Khi dự án này đi vào hoạt động sẽ khơi thông vận chuyển giữa Đà Nẵng và các địa phương Quảng Nam và Thừa Thiên Huế. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Đà Nẵng)
Từ đây đến tháng 6 năm sau, chủ đầu tư và nhà thầu thi công đoạn nào xong sẽ thông tuyến đoạn nấy để giải quyết các vấn đề về giao thông, kết nối từng khu vực một.
Dự án được khởi công từ tháng 10/2018 và dự kiến thông tuyến vào tháng 10 năm ngoái, nhưng đến nay vẫn chưa thể hoàn thành do vẫn gặp nhiều vướng mắc, nhất là trong khâu giải phóng mặt bằng.
Tuyến đường này đi qua địa bàn 5 xã, gồm Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Phú, Hòa Ninh và Hòa Liên thuộc huyện Hòa Vang. Dự án đường vành đai phía Tây (giai đoạn 1) do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng làm chủ đầu tư. Liên danh nhà thầu thi công xây lắp là Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 – Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn. Dự án có điểm đầu tại quốc lộ 14B (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang), điểm cuối tại Km 19+177 nối trục đường chính của Khu công nghệ thông tin tập trung (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang).
Tổng diện tích đất phải thu hồi để thực hiện dự án hơn 1.300 m2, với hơn 1.600 hồ sơ giải tỏa đền bù. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn hơn 170 hồ sơ chưa giao mặt bằng. Việc chưa thể triển khai công tác thu hồi đất, bồi thường, tái định cư cho người dân do chưa thống nhất phương án bổ sung đường gom, chưa bàn giao mốc giới, hồ sơ kỹ thuật thửa đất…
Trước đó, trong tháng 3/2020, Thanh tra thành phố Đà Nẵng công bố quyết định thanh tra việc thực hiện dự án Tuyến đường vành đai phía Tây đoạn từ quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh (giai đoạn 1) để làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm trong việc chậm tiến độ dự án.
Bên cạnh dự án Đường Vành đai phía Tây 2, Đà Nẵng đang thực hiện một vài công trình trọng điểm khác như dự án phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng với tổng mức đầu tư 6.842,5 tỉ đồng, dự án khu công nghệ cao với tổng mức đầu tư cho dự án dự kiến 8.841,1 tỉ đồng, dự án nhà máy nước Hoà Liên với tổng kinh phí hơn 1.170 tỉ đồng, dự án Khu Công viên phần mềm số 2 Đà Nẵng với tổng mức đầu tư hơn 800 tỉ đồng, dự án Trung tâm ghép tạng và cấy ghép tế bào gốc tại Bệnh viện Đà Nẵng có tổng mức đầu tư 496 tỉ đồng.
(KTSG Online)
- Sửa Luật Kinh doanh bất động sản: Siết bán nhà "trên giấy"
- TPHCM dự kiến thi công trở lại 25 dự án giao thông trọng điểm từ tháng 10
- Vĩnh Long: Kiến nghị đơn giản hóa 06 thủ tục hành chính trong lĩnh vực quy hoạch kiến trúc
- Vì sao nhà thầu nước ngoài dừng thi công ga ngầm metro Nhổn - ga Hà Nội?
- Quảng Nam phê duyệt danh mục 41 dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh đợt 1 năm 2021
- Rà soát pháp luật: Điểm mâu thuẫn giữa Luật Đấu thầu và Luật Đất đai
- Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố 5 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực đất đai
- Giải quyết vướng mắc trong cải tạo hàng ngàn chung cư cũ
- Toà sứ quán Mỹ 1,2 tỷ USD tại Việt Nam có thể đem lại nguồn lợi bao nhiêu cho các nhà thầu xây dựng?
- Ngành Xây dựng: Hoàn thiện pháp luật để phục hồi và phát triển sau đại dịch