Tại Hội nghị “Sơ kết năm năm thực hiện đồ án quy hoạch tỷ lệ 1/2000 khu đô thị mới Nam sông Cần Thơ” do UBND thành phố Cần Thơ tổ chức hồi tuần rồi, không khó để nhận ra rằng, chính quyền địa phương còn quá nhiều việc phải làm để có được một khu đô thị như kỳ vọng.
Đồng hoang giữa phố thị
Phê duyệt quy hoạch và bắt đầu triển khai từ năm 2002, nhưng đến nay khu đô thị mới Nam sông Cần Thơ vẫn phát triển chưa đồng bộ. Cũng có một số dãy nhà phố, chợ, bệnh viện... đã mọc lên, nhưng cũng rất dễ nhận ra nhiều mảnh đất hoang, lau sậy mọc um tùm nằm xen kẽ, loang lổ giữa lòng “đô thị”.
Hiện đang có 26 dự án đầu tư khu dân cư với 19 nhà đầu tư đăng ký tham gia, với tổng diện tích 1.166,35 héc ta ở khu vực này. Tuy nhiên, nếu xét trên thực tế, khu đô thị mới với tổng diện tích dự kiến 2.082 héc ta, hiện phần tạm gọi là đô thị chỉ mới được 605 héc ta. Phần còn lại hầu như bỏ hoang do chưa đền bù giải tỏa hoặc chưa có nhà đầu tư đăng ký.
- Ảnh bên : Một góc khu đô thị mới Nam sông Cần Thơ (Ảnh: Hồ Hùng)
Ngay với 605 héc ta đã đền bù giải tỏa, nhiều khu đất vẫn để trống do chủ đầu tư thiếu vốn. Cả 26 dự án mới chỉ có 3.250 căn nhà các loại và 46 căn biệt thự, hai bệnh viện... được xây dựng hoàn chỉnh.
Xét chi tiết từng dự án, tính “da beo” của khu đô thị Nam sông Cần Thơ càng... thể hiện rõ. Chẳng hạn ở dự án khu dân cư lô 7A, qua hơn bảy năm triển khai nhưng vẫn còn 7,65 héc ta chưa đền bù được, chiếm 18% diện tích. Phần đất sạch, chủ đầu tư mới xây dựng hạ tầng kỹ thuật đạt 50%. Còn khu dân cư lô 5C, có quyết định giao đất từ năm 2004 nhưng hiện vẫn còn lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật công trình và mới đền bù giải tỏa được 15 héc ta, tương đương 41% diện tích... Ngay cả những khu đã hoàn tất 100% cơ sở hạ tầng như khu dân cư lô 11B của Công ty TNHH Xây dựng thương mại Diệu Hiền làm chủ đầu tư, diện tích xây dựng nhà ở cũng chỉ đạt 15%.
Lỗi tại ai?
Chủ trương phát triển khu đô thị về phía Nam sông Cần Thơ thực ra là ý tưởng tốt, nhằm đón đầu khuynh hướng phát triển của thành phố Cần Thơ. Tuy nhiên, do diện tích quy hoạch quá lớn so với nhu cầu thực tế về nhà ở, lượng nhà đầu tư đăng ký tham gia nhiều... nên trong quá trình quản lý và thực hiện đã gặp khá nhiều lúng túng, phải vừa làm vừa gỡ.
Theo Ban Quản lý khu đô thị Nam sông Cần Thơ, do trước đây khu vực này là ngoại thành, hạ tầng chưa phát triển, suất đầu tư cao... nên không thể thu hút các nhà đầu tư lớn. Do đó, khu quy hoạch buộc phải chia sẻ để giao cho nhiều nhà đầu tư lớn, nhỏ dẫn đến việc thi công không đồng bộ, thậm chí chọn lầm một số nhà đầu tư không đủ năng lực.
Về phía nhà đầu tư, ông Ngô Văn Hòa, Phó tổng giám đốc Công ty Đầu tư - Xây dựng số 8, đơn vị đảm nhận khu dân cư lô 7A, cho rằng đền bù giải tỏa chính là công việc khó khăn lớn nhất. “Ngoài đơn giá đền bù, hỗ trợ khá cao, chúng tôi còn hỗ trợ thêm 100 triệu đồng xây dựng nhà mới nhưng chủ đất cũng không đồng ý. Hơn ba năm nay, các khu đất chưa giải tỏa được vẫn đóng băng”, ông nói. Còn ông Võ Thành Vạn, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Lộc, cho rằng nếu chiều ý người dân thì nhà đầu tư sẽ không kham nổi giá đền bù. Theo ông Vạn, hiện nay tính lại giá thành nền nhà, gồm tiền đền bù, xây dựng hạ tầng... đã lên đến 2,5 triệu đồng/mét vuông. Do đó, nếu chiều ý chủ đất để đền bù phần đang bị “đóng băng” thì giá đất sẽ vượt quá sức mà khách hàng sau này khó có thể chấp nhận. Bên cạnh đó, điều này cũng gây thiệt thòi cho những người giao đất trước.
Theo ông Huỳnh Thanh Sử, Phó giám đốc Công ty Phát triển kinh doanh nhà Cần Thơ, nguyên nhân chính của tình trạng trên là chính quyền địa phương quy định nhà đầu tư phải bồi hoàn theo giá thị trường, nhưng chẳng có cơ quan nào đứng ra xác định giá thị trường là bao nhiêu! Chính vì vậy nên người dân và chủ đầu tư mỗi người đòi một giá, không ai chịu ai. Ngoài ra ở một số dự án, do chủ trương ban đầu không xác định nhà đầu tư phải lo nền tái định cư, nên nhiều người dân cũng dùng dằng không muốn giao đất.
Để đẩy mạnh tốc độ phát triển khu đô thị mới, một số nhà đầu tư cho rằng, ngoài việc hỗ trợ tốt hơn trong khâu đền bù giải tỏa, chính quyền địa phương cũng đừng khiến doanh nghiệp phải phung phí thời gian! Ông Vạn dẫn chứng: “Khi nhà đầu tư đề nghị thay đổi một điều gì đó trong dự án, thường phải mất từ 5-7 tháng, thậm chí một năm! Lúc dự án của chúng tôi gặp trục trặc do tuyến đường đấu nối không khớp với dự án kế cận, vào tháng 4-2009, chủ tịch UBND thành phố đồng ý cho điều chỉnh dự án theo chủ trương, nhưng đến đầu tháng 7 mới được Hội đồng Kiến trúc quy hoạch họp bàn... Và đến nay vẫn chưa có quyết định cho phép điều chỉnh chính thức nên chúng tôi buộc phải ngưng thi công...”.
Tuy nhiên, theo ông Lê Hồng Phát, Giám đốc Sở Xây dựng Cần Thơ, dù cơ quan chức năng luôn cố gắng giải quyết hồ sơ đúng quy định hiện hành về thời gian, nhưng chậm đôi khi là do chính chủ đầu tư. “Có hồ sơ trục trặc một số chi tiết, yêu cầu chủ đầu tư chỉnh lại thì mất đến 2-3 tháng, thậm chí chúng tôi phải nhắc nhở”, ông nói.
Hồ Hùng
- Hà Nội thống nhất khung giá đất 2010
- Thuế và đầu cơ địa ốc
- Siêu dự án và cái bẫy nợ nần
- 200 căn hộ tòa tháp A của Keangnam sắp chào bán
- Luật Thuế nhà, đất: Mấy vấn đề cần minh định từ đầu
- 100 triệu USD xây dựng khách sạn 5 sao ở Đà Nẵng
- Tái khởi động dự án tòa tháp 65 tầng Hanoi City Complex
- Danh mục 240 đồ án, dự án được triển khai đợt 1 trên địa bàn TP Hà Nội
- Dự án tuyến xe điện Nhổn - Ga Hà Nội: Ba năm, đội thêm 7.500 tỷ đồng
- Nhiều đại gia "bán tháo" dự án bất động sản