Trong năm 2024, Bộ Giao thông Vận tải hoàn thành thủ tục khởi công các dự án giao thông trọng điểm và nâng cấp nhiều quốc lộ. Đồng thời bộ này sẽ trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.
Một đoạn Đèo Prenn (Lâm Đồng) sau khi được mở rộng. (Ảnh: TTXVN)
TTXVN dẫn thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải cho biết, trong năm 2024, Bộ sẽ nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư các dự án và hoàn thành thủ tục khởi công 19 dự án giao thông trọng điểm.
Trong số này có ba dự án cao tốc do Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan có thẩm quyền hoặc chủ quản, gồm các đoạn cao tốc Dầu Giây – Tân Phú, Chợ Mới – Bắc Kạn và Lộ Tẻ – Rạch Sỏi.
Ngoài ra còn có 16 dự án khác gồm xây dựng một số đoạn thuộc đường Hồ Chí Minh, mở rộng và nâng cấp các quốc lộ 2, 4B, 28B, 46, 53, 62 và 91B; dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét; cải tạo, nâng cấp luồng Quy Nhơn cho tàu thủy 50.000 tấn; xây dựng cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh và Cao Lãnh – An Hữu.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải sẽ đưa vào khai thác 23 dự án, trong đó có hai dự án thành phần Diễn Châu – Bãi Vọt và Cam Lâm – Vĩnh Hảo thuộc tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 1.
Trong năm 2024 Bộ Giao thông Vận tải sẽ trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam; đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt quan trọng quốc gia như TPHCM – Cần Thơ, Biên Hòa – Vũng Tàu, Long Thành – Thủ Thiêm, Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết, mục tiêu phải hoàn thành là đến năm 2025 đưa vào khai thác 3.000 km đường bộ cao tốc, một số cảng hàng không và công trình giao thông trọng yếu.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, trong năm 2023, Bộ đã khởi công 26 dự án giao thông, hoàn thành 20 dự án, trong đó có 9 dự án thành phần đường bộ cao tốc với chiều dài 475 km nâng tổng số km đường bộ cao tốc đưa vào khai thác trên cả nước lên 1.892 km.
Đưa vào hoạt động các công trình giao thông trọng điểm tại Lâm Đồng, Đà NẵngNgày 31/1, đèo Prenn – cửa ngõ vào thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) được thông xe toàn tuyến sau gần một năm thi công mở rộng giúp rút ngắn còn hơn 7 km so với gần 10 km như trước đây. Ngoài rút ngắn độ dài, giảm các khúc cua gắt, đèo Prenn còn được mở rộng lên 4 làn xe, bố trí 4 điểm dừng xe và 2 sân vọng cảnh. Tổng mức đầu tư 553 tỉ đồng từ nguồn ngân sách địa phương. Trước đó, hôm 30/1, UBND TP Đà Nẵng khánh thành ba công trình giao thông lớn gồm dự án nâng cấp đường ĐT601, tuyến đường ĐH2 và tuyến đường Vành đai phía Tây 2. Đường ĐT601 khởi công năm 2020, đi qua các xã Hòa Sơn, xã Hòa Liên và xã Hòa Bắc thuộc huyện Hòa Vang với tổng mức đầu tư 725 tỉ đồng. Đây là trục giao thông chính theo hướng Bắc – Nam của Đà Nẵng. Tuyến đường ĐH2 dài 9 km, chạy song song với tuyến tránh nam hầm Hải Vân – Túy Loan, kết nối các khu vực dân cư xã Hòa Sơn với Trung tâm hành chính huyện Hòa Vang. Đường vành đai phía Tây 2 nối từ khu công nghiệp Hòa Khánh đến đường tránh Hải Vân – Túy Loan với chiều dài 4,6 km, góp phần giảm lưu lượng các xe có tải nặng trên trục Nguyễn Lương Bằng và tuyến nam hầm Hải Vân – Túy Loan. |
Nguyên Tân
(KTSG Online)
- Dự án sân bay Long Thành chuẩn bị mời nhiều gói thầu quan trọng
- Thủ tướng yêu cầu liên thông cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai và dân cư
- Đề xuất bổ sung hai chi phí khi định giá đất
- Cuối năm 2024 bàn giao mặt bằng khởi công hai đoạn Vành đai 2 TPHCM
- Ban hành nhiều chính sách ưu đãi đầu tư khu công nghệ cao
- Chi phí làm sổ đỏ sẽ thay đổi khi Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực?
- TPHCM kêu gọi đầu tư 28 dự án tăng trưởng xanh
- Đảm bảo tiến độ “Siêu dự án” Sân bay Long Thành
- Ngành giao thông có thêm 57.000 tỉ đồng từ vốn bổ sung đầu tư công
- Ưu tiên thỏa thuận thu hồi đất đối với dự án đầu tư không dùng vốn nhà nước