Thị trường bất động sản (BĐS) phía Tây Hà Nội vẫn có sức hút lớn đối với các nhà kinh doanh địa ốc. Vì đâu?
Thời điểm tốt để đầu tư?
So với nửa cuối năm 2009, đến nay giá đất và chung cư tại khu vực phía Tây và Tây Nam Hà Nội tăng tới 40% đối với các khu vực dự án và từ 200 - 300% đối với các khu vực đất thổ cư. Điều đó cho thấy sức hút của khu vực này với các nhà đầu tư vẫn vô cùng mạnh mẽ. Là một trong những doanh nghiệp đi tiên phong trong công cuộc khai phá miền Tây Hà Nội với các dự án Tricon Towers tọa lạc tại Khu đô thị Bắc An Khánh, ông Vũ Xuân Sướng - đại diện cho Công ty cổ phần Đầu tư Minh Việt, cho biết những khó khăn ban đầu khi tiếp cận với khu vực phía Tây đã qua, bởi tuyến đường giao thông huyết mạch là đại lộ Thăng Long đã bắt đầu hoàn thiện.
Kết quả nghiên cứu của bộ phận nghiên cứu thị trường Công ty Minh Việt cho thấy khách hàng đang ngày càng chú ý hơn tới 200 dự án tại phía Tây Hà Nội và phát triển theo 3 hướng chính là trục Lê Văn Lương, đại lộ Thăng Long - Phạm Hùng và sắp tới là dọc quốc lộ 32. Theo ông Sướng, các doanh nghiệp khi đầu tư vào thị trường này hiện nay không còn băn khoăn là nên làm hay không nữa, vì điều kiện phát triển của khu vực này đã gần như rõ nét. Vấn đề mà họ quan tâm hiện nay lại là làm sao để kéo khách hàng có nhu cầu thực tới phía Tây. Ông Sướng cũng tiết lộ thêm, dự án Tricon Towers của Minh Việt đã bán được 80% số căn hộ và trong thời gian tới công ty này cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu để khai thác và phát triển tiềm năng về nhà ở ở khu vực này.
Không giống như Minh Việt, Công ty cổ phần Địa ốc Đất Xanh Miền Bắc mới đặt chân tới Hà Nội từ hơn một tháng nay nên chưa có nhiều kinh nghiệm về đầu tư dự án tại thị trường mới mẻ này. Tuy vậy, giám đốc của công ty này, ông Vũ Cương Quyết, vẫn khẳng định thị trường phía Tây Hà Nội vẫn là một đích ngắm tới của công ty ông. Giá đất phía Tây giảm là một cơ hội lớn cho những doanh nghiệp lần đầu tiếp cận thị trường như Đất Xanh.
Tiềm năng, nhưng...
Nói về thị trường bất động sản phía Tây Hà Nội, ông Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ truởng Bộ Tài nguyên Môi trường nhận định, đây là thị trường có tiềm năng rất lớn vì ngoài lý do quy hoạch thì còn một lý do khác là giá đất tại khu vực này còn khá thấp so với khu vực nội thành Hà Nội. Việc nhà đầu tư đổ xô vào khu vực này khiến cho giá đất tăng lên là điều tất yếu.
Tuy nhiên theo ông Võ, nếu phát triển không khéo tại khu vực này thì rất có thể đây sẽ là một trong những nơi dẫn tới bước ngoặt “dìm” giá bất động sản. Ở Hà Nội hiện cũng đã xuất hiện một số dấu hiệu tương tự khi nhiều dự án chung cư không có giao dịch mặc dù đã có hàng hóa. Sôi động nhất vẫn là thị trường mua bán nhà trên giấy, đổi đất lấy hạ tầng. Vấn đề đặt ra ở đây là nhà quản lý cần phải quy hoạch phía Tây thế nào, doanh nghiệp cần đầu tư ra sao, khách hàng tiếp cận thị trường bằng cách nào để tránh các tác động xấu.
Cần chuyên nghiệp
Vấn đề mà các nhà doanh nghiệp địa ốc quan tâm hiện nay lại là làm sao để kéo được khách hàng có nhu cầu thực tới phía Tây |
Mặc dù tỏ ra lạc quan và tin tưởng vào tiềm năng của thị trường bất động sản phía Tây, nhưng điều mà các doanh nghiệp tỏ ra quan tâm nhất hiện nay lại là cần phải có những thông tin chính xác và đáng tin cậy. “Các chính sách, văn bản pháp luật nên rõ ràng, nhất quán hơn để tránh những thông tin xấu tác động đến nhu cầu, quy trình mua bán của các nhà đầu tư. Bài học về cơn sốt đất Ba Vì vừa qua là một ví dụ điển hình” - ông Sướng nhấn mạnh.
Còn theo đại diện của địa ốc Đất Xanh, để thị trường phía Tây thực sự trở thành mảnh “đất lành” cho “chim đậu” thì việc sớm hoàn thiện các dự án hạ tầng giao thông, điện, nước là điều cấp thiết cần giải quyết hiện nay.
Với góc nhìn của một nhà quản lý, Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm - Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng cho biết, cần phải sớm giải quyết vấn đề giao thông ở khu vực phía Tây thì thị trường bất động sản ở khu vực này mới có thể phát triển toàn diện. Ông Liêm đưa ra ví dụ về cách làm của Vinaconex Xuân Mai và coi đây là bài học điển hình để các doanh nghiệp khi đầu tư vào khu vực phía Tây nên học tập. Việc Vinaconex Xuân Mai làm một “đường ray” nối liền Hòa Lạc với Hà Nội đã khiến cho các nhà đầu tư ở nội đô có thể tiếp cận với dự án nhà ở mà doanh nghiệp này cung cấp dễ dàng hơn, đồng thời tạo được lòng tin của khách hàng về việc rút ngắn khoảng cách giữa nội thành với ngoại ô. Hay như việc Bộ Giao thông - Vận tải chuẩn bị tiến hành xây dựng cầu Vĩnh Tường nối liền 2 thị xã Vĩnh Yên và Sơn Tây sẽ hứa hẹn một sự phát triển mạnh mẽ của mảnh đất xứ Đoài. “Muốn phát triển thị trường bất động sản phía Tây thì Hà Nội cần phải triệt để trong vấn đề quy hoạch phát triển giao thông. Nếu không giải quyết được điều này thì 5 đô thị phía Tây vẫn còn khốn khổ”, ông Liêm nhấn mạnh.
Để tránh có những rủi ro đáng tiếc trong quá trình đầu tư tại thị trường bất động sản phía Tây của Thủ đô, ông Đặng Hùng Võ khuyến cáo các nhà đầu tư cần tìm hiểu thật rõ về thị trường này, về các dự án trước khi đưa ra quyết định. Nếu phân tích bài học về việc sốt đất tại một số dự án khu vực phía Tây thời gian qua như Dương Nội, An Khánh hay Ba Vì sẽ thấy chủ yếu là do nhà đầu tư thiếu những thông tin cần thiết về thị trường nên thường có tâm lý “a dua” và hậu quả là nhiều người rơi vào tình trạng “đi cũng dở mà ở cũng không xong”. Thêm vào đó, ông Võ cũng chỉ ra rằng, tình trạng “nhốn nháo” diễn ra ở thị trường bất động sản phía Tây thời gian qua là do tính thiếu chuyên nghiệp của các nhà đầu tư, doanh nghiệp và cả nhà quản lý.
Nguyễn Diệp
>>
- 2.200 tỉ đồng xây dựng khu thể thao - dân cư Tân Thắng (TPHCM)
- Vùng ven TPHCM: căn hộ có tín hiệu khả quan, đất nền ế
- Tòa nhà CT1-Ngô Thì Nhậm: Bốc thăm mua nhà thu nhập thấp khi cầu quá cao
- Bán nhà thời thị trường đóng băng
- Xây hai nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận: Tỉnh muốn gom về một nơi
- Căn hộ chung cư tư nhân: Sẽ được cấp “sổ đỏ” và không phải giao dịch qua sàn
- Chào bán 155 căn hộ ở Anh tại Việt Nam
- Vị thế của khu đô thị mới Nam Sài Gòn
- Công bố đầu tư gần 2 tỷ USD cho dự án HappyLand tại Long An
- Nhà thu nhập thấp “nở rộ” tại Hà Nội