"Kết quả khảo sát 130 doanh nghiệp sản xuất tiêu biểu của Nhật do chúng tôi vừa tiến hành cho thấy, có tới 40% doanh nghiệp xác định trong 3 năm tới sẽ mở rộng đầu tư mạnh mẽ ra nước ngoài. Trong đó, Việt Nam là một ưu tiên”, ông Toshiyuki Obama, Chủ tịch Ban quản lý thông tin và phát triển thương mại khu vực châu Á thuộc Thời báo Kinh tế Nikkei, cho biết.
Dồn dập FDI từ Nhật
- Ảnh bên: Đại lộ Võ Văn Kiệt, một công trình sử dụng vốn ODA.
Ngày 5/7, Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng đã chính thức cấp phép đầu tư cho dự án nhà máy sản xuất máy in, máy photocopy và thiết bị văn phòng của Công ty Công nghệ Kyocera Mita Việt Nam với tổng vốn đầu tư 187,5 triệu USD. Đây là dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có quy mô lớn nhất tại Hải Phòng trong 5 năm gần đây trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Dự án này có thể thu hút các dự án vệ tinh trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. Dự kiến việc xây dựng nhà máy sẽ hoàn tất vào tháng 10.2012 với doanh thu xuất khẩu khoảng 750 triệu USD/năm. Ban quản lý Khu Công nghiệp VSIP tại Hải Phòng cho biết, từ đầu năm đến nay, số lượng các nhà đầu tư Nhật tại đây đã chiếm hơn 50% tổng số nhà đầu tư nước ngoài mới được cấp phép. Trước đó 1 tháng, Công ty Kính chuyên biệt NSG Việt Nam thuộc NSG Group (Nhật), một trong 3 nhà sản xuất kính lớn nhất thế giới, cũng đã nhận giấy phép đầu tư cho dự án nhà máy sản xuất và kinh doanh kính phủ ôxit có vốn đầu tư gần 270 triệu USD tại Khu Công nghiệp Mỹ Xuân A, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong 7 tháng đầu năm nay, có 94 dự án FDI của Nhật vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký gần 720 triệu USD.
Giáo sư Yoshiaki Ueda, Phó Giám đốc Trung tâm Giao lưu Kinh tế Việt - Nhật, cho biết, gần đây các công ty Nhật đang có chính sách chuyển một số dự án đầu tư sang Việt Nam vì giá nhân công tại Trung Quốc tăng nhanh. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, mức lương trung bình của lao động Việt Nam làm việc tại các nhà máy gia công hàng may mặc và da giày cho các doanh nghiệp FDI là xấp xỉ 90 USD/tháng trong năm 2010, còn mức lương của lao động Trung Quốc vào khoảng 260 USD/tháng.
Vốn Nhật sẵn sàng cho hạ tầng…
Ngày 22/7, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Đặng Huy Đông đã tham dự Diễn đàn Đầu tư Việt Nhật do báo Mainichi tổ chức tại Tokyo. Thứ trưởng Đông cho rằng Chính phủ Việt Nam không thể tiếp tục dùng các kênh huy động vốn truyền thống như phát hành trái phiếu và vay vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) để thực hiện các dự án hạ tầng. Vì vậy, Chính phủ chọn phương án hợp tác công tư (PPP), trong đó Nhà nước chỉ tham gia tối đa 30%. Số vốn còn lại sẽ do các doanh nghiệp tư nhân trong nước và ngoài nước, trong đó có Nhật, đóng góp. Ông Đông cho biết, các doanh nghiệp Nhật có khả năng chiếm 20-30% giá trị đầu tư toàn thị trường PPP của Việt Nam trong những năm tới. Từ tháng 4-7/2011, có hơn 400 lượt đại diện các công ty Nhật có quy mô nhỏ và vừa đã tìm đến Văn phòng Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật (JETRO) tại Hà Nội để tìm hiểu cơ hội đầu tư và môi trường pháp lý tại Việt Nam. Ông Hiroyuki Moribe, Trưởng Đại diện Văn phòng, cho biết con số này tăng gần 2 lần so với cùng kỳ năm 2010.
Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết Việt Nam dự kiến cần đến 160 tỉ USD để phát triển cơ sở hạ tầng trong tương lai, nhưng nguồn vốn ngân sách chỉ đáp ứng được khoảng 30-40%. Nguyên Đại sứ Nhật tại Việt Nam, ông Norio Hattori, khẳng định sẽ xuất hiện dòng đầu tư mới từ Nhật vào Việt Nam nhờ mô hình PPP.
Thứ trưởng Đông cho biết, dự kiến sẽ có 3 quỹ được hình thành để trợ giúp việc triển khai các dự án PPP. 3 quỹ này có thể sẽ được một số tổ chức tài chính quốc tế trợ giúp và đóng góp tài chính, trong đó có Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật (JICA), Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) và một số quỹ đầu tư của Anh, Nhật, Hàn Quốc. 3 quỹ này sẽ thuê tư vấn quốc tế thẩm định dự án để có thể đem ra thị trường quốc tế huy động vốn.
“Việc giải ngân vốn ODA ở Việt Nam đang bị nghẽn, nay PPP sẽ giúp triển khai các dự án tốt hơn. Các doanh nghiệp Nhật đã sẵn sàng, chỉ cần Việt Nam thông về giải pháp và khung pháp lý cho PPP thì vốn sẽ chảy vào”, ông Hattori cho biết.
…Và công nghiệp phụ trợ
Ngoài mô hình đầu tư PPP vào hạ tầng, đại diện một số doanh nghiệp Nhật tham gia Diễn đàn Đầu tư Việt - Nhật tại Tokyo còn cho biết công nghiệp phụ trợ của Việt Nam cũng thu hút sự quan tâm của họ. Mới đây, Công ty Toshiba Industrial Product Asia đã tăng công suất nhà máy tại Khu Công nghiệp Amata từ 3.000 lên 10.000 động cơ điện mỗi tháng. Cuối năm nay, Công ty cũng sẽ tăng vốn đầu tư từ 24 triệu USD lên 40 triệu USD để đáp ứng các đơn hàng mới từ Mỹ. Ông Toshio Kazama, Tổng Giám đốc Công ty phát triển Khu Công nghiệp Long Bình, đơn vị liên doanh với Tập đoàn Sojitz của Nhật, nói rằng Công ty đã quyết định đầu tư thêm một Khu Công nghiệp mới tại Đồng Nai với diện tích 270 ha, gấp 3 lần Khu Công nghiệp cũ. Lý do khiến nhà đầu tư này lập Khu Công nghiệp mới là để đón dòng vốn đầu tư từ Nhật và từ các nhà đầu tư Nhật ở Trung Quốc đang chuyển nhà máy sang Việt Nam.
Hôm 29/7 vừa qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cũng đã trao giấy phép cho 5 nhà đầu tư mới của Nhật gồm các Công ty Brother, Tiger, Daitoh Industry, MKTP và Onishi chuyên sản xuất các loại máy khoan, máy sản xuất chất bán dẫn, tấm hiển thị tinh thể lỏng, tấm pin năng lượng mặt trời, phụ tùng và bộ phụ trợ cho xe có động cơ. Đây là những ngành công nghệ Việt Nam đang rất cần để kích hoạt ngành công nghiệp phụ trợ trong nước vốn vẫn đang im lìm.
Tuy nhiên, theo phản hồi của các nhà đầu tư Nhật, những điểm yếu của Việt Nam trong thu hút vốn FDI không phải là ít so với Philippines, Thái Lan và Indonesia. Ông Nasu Yasutaka, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật tại TP.HCM, nhận xét: “Thiếu điện, cơ sở hạ tầng yếu kém của Việt Nam chính là những yếu tố khiến các nhà đầu tư Nhật quan ngại”. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp ở Nhật không có đủ thông tin về Việt Nam do công tác xúc tiến đầu tư của Việt Nam còn hạn chế. “Nếu được cung cấp thông tin đầy đủ, tôi nghĩ sẽ còn có nhiều hơn các nhà đầu tư Nhật hiện diện ở đây”, ông Yasutaka phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư của Nhật vào Đồng Nai tuần qua.
Vĩnh Bảo
- Điều chỉnh quy hoạch khu đô thị Hanoi Garden City
- Đà Nẵng sẽ thanh tra các dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng
- Hàng loạt dự án công khai niêm yết giá bán nhà bằng USD
- Hai ông tư vấn “đấu nhau”, nhà thầu khóc dở
- Dự kiến chào bán đợt 2 căn hộ dự án Hyundai Hillstate trong tháng 9/2011
- Gần một tỷ USD xây nhà máy nhiệt điện Bình Định
- Hà Nội: Dừng xây khu nhà tái định cư Nguyễn Du - Lê Duẩn
- Nicklaus Design tư vấn thiết kế Legend Hill Golf Resort ở Sóc Sơn
- Ascott mua lại dự án căn hộ tại Hải Phòng
- Techcombank: 175 triệu USD phát triển giao thông đô thị TP Hải Phòng