Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội: Nhìn từ nhà B6

Cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội: Nhìn từ nhà B6

Viết email In

Cuối tháng 7/2011, dự án cải tạo chung cư cũ đầu tiên của Hà Nội do các hộ dân trong chung cư tự lựa chọn chủ đầu tư - chung cư B6 Giảng Võ – đã chính thức được khởi công xây dựng.

Theo nhận định của cơ quan chức năng và cả người trong cuộc, cho đến thời điểm này, những vấn đề từ cải tạo chung cư B6 cũ nguy hiểm để đi đến xây dựng thành một toà nhà cao tầng hiện đại vẫn là câu chuyện “đương đại” của các chung cư cũ hiện nay của Hà Nội.

Phải hài hoà lợi ích các bên

Trao đổi với phóng viên, đại tá Nguyễn Đăng Giáp – Tổng giám đốc TCty Đầu tư xây lắp và thương mại 36 (Bộ Quốc phòng) cho biết, trên thực tế, tất cả các thách thức đặt ra hiện nay khi cải tạo các chung cư cũ tại Hà Nội, thì Cty ông đã gặp phải từ nhiều năm trước, “chính thức là từ năm 2008, khi được bà con nhà B6 tìm đến đề nghị chúng tôi tham gia làm chủ đầu tư dự án cải tạo chung cư B6” - ông Giáp nói.

Chủ trương cải tạo, xây mới các chung cư cũ là một chủ trương mang tính xã hội rất lớn. Tôi cho rằng, đã xã hội hóa thì phải công bằng. 111 hộ dân ở nhà B6 đã mua nhà Nhà nước theo Nghị định 61 (hiện đã có sổ đỏ) thì thực chất đây là nhà của dân, dân có chủ quyền thì họ phải được lựa chọn chủ đầu tư tin cậy, đồng thời họ phải được hưởng lợi ích thỏa đáng trên “vùng đất vàng” nhiều lợi thế ấy” - ông Giáp thẳng thắn bày tỏ quan điểm.

Chính vì thế, thời điểm năm 2008, phương án bồi thường của Cty 36 đưa ra đã thực sự gây sốc dư luận như: Trong quá trình di dời, các hộ dân được hỗ trợ 5 triệu đồng/tháng/hộ tiền thuê nhà tạm cư trong thời gian thi công nhà mới; ngoài ra là các hỗ trợ, bồi thường tiền vật liệu trên diện tích cơi nới; hỗ trợ di chuyển, chuyển hệ thống thông tin liên lạc; hỗ trợ ổn định đời sống... lên tới gần trăm triệu đồng mỗi hộ.

Cũng từ chủ trương đảm bảo hài hòa lợi ích các bên ấy nên trong khi nhiều nhà đầu tư phải mất từ 2-4 năm mới di dời được người dân khỏi nơi nguy hiểm, thì ở nhà B6 chỉ mất có 3 tháng, người dân đồng thuận ra đi, không khiếu kiện. Chung cư B6, theo đề án, được cải tạo lại thành dự án nhà tái định cư và văn phòng cho thuê với 2 khối nhà: Khối nhà ở tái định cư cao 19 tầng sẽ tái định cư cho 104 hộ dân và khối văn phòng cho thuê cao 22 tầng. “Tất nhiên trong quá trình Cty chúng tôi nhận dự án này cũng gặp không ít sóng gió như các dư luận nghi ngờ năng lực của Cty hay nhiều tin đồn thất thiệt, gây ảnh hưởng đến uy tín DN...” - ông Giáp cười nói.

Vẫn là câu chuyện thời sự

Trong tháng 8/2011 phải công khai thông số quy hoạch từng chung cư

Đây là yêu cầu của Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi. Theo đó, trong tháng 8/2011, Sở Quy hoạch - Kiến trúc phải cung cấp và công khai các thông số quy hoạch cho từng khu chung cư cũ, yêu cầu Sở Xây dựng tổng hợp, rà soát các dự án, kể cả khu chung cư, nhà đơn lẻ để xác định lại nhà đầu tư được giao có đủ điều kiện thực hiện, dựa trên các tiêu chí về quỹ nhà tạm cư, vốn đối ứng... sau đó sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án và các nhà đầu tư. Nếu chủ đầu tư nào không thực hiện trong khi đã có đủ điều kiện, được quận, huyện tạo cơ hội thì sẽ thay thế bằng nhà đầu tư khác, không để kéo dài.  
Ông Nguyễn Quốc Tuấn - PGĐ Sở Xây dựng Hà Nội - trong một cuộc trao đổi với báo giới gần đây đã thừa nhận, sau nhiều năm triển khai thí điểm chủ trương cải tạo, xây dựng mới các khu chung cư cũ nát theo Nghị quyết số 34 của Chính phủ và chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội, tiến độ thực hiện ở hầu hết dự án vẫn còn quá chậm.

Nguyên nhân chậm trễ, theo ông Tuấn, chủ yếu vẫn là do công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), bởi thực tế mâu thuẫn gay gắt nhất vẫn ở quyền lợi. Người dân luôn đòi hỏi căn hộ mới phải rộng, đẹp hơn nhà cũ, được tái định cư tại chỗ, hỗ trợ tạm cư...; DN thì không thể làm nếu không đạt mức lợi nhuận nhất định. Các  chung cư cũ trong kế hoạch cải tạo đều nằm trong nội thành, là khu vực hạn chế phát triển, không thể xây quá cao tầng được, trong khi các DN thì không thích xây thấp tầng vì như vậy thì không có lãi.

Chính vì vậy có những dự án triển khai đến nay gần 10 năm mà vẫn giậm chân tại chỗ. Ví dụ sinh động nhất là dự án cải tạo khu tập thể Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng), được triển khai từ năm 2002, đến nay chủ đầu tư là Cty Đầu tư và phát triển nhà số 7 vẫn chưa hoàn thành công tác GPMB của hai nhà A1, A2 vì vẫn còn 40/199 hộ dân chưa chấp thuận phương án bồi thường, di dời (trong khi cả dự án có tới 14 nhà dự kiến xây mới)” - ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cũng thừa nhận đã có sự cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các DN trong việc cạnh tranh nhận dự án. Một số nhà đầu tư kích động người dân bằng cách đưa ra những ưu đãi lớn hơn để dân phản đối đơn vị đã được thành phố giao nhiệm vụ, gây nên những lộn xộn, cản trở việc triển khai các dự án.

Trước tình trạng này, lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết, đã có một số dự án được Sở Xây dựng đề nghị UBND TP thay chủ đầu tư do tiến độ triển khai quá chậm. “Thời gian tới sở sẽ tiếp tục rà soát lại các dự án, nếu dự án nào chậm triển khai sau 6 tháng kiên quyết thay thế bằng nhà đầu tư khác” – vị lãnh đạo này khẳng định. Đây thực sự là một tin vui với những người dân sống ở những chung cư cũ đang xuống cấp đến mức nguy hiểm!

Song Minh

[ Chuyên đề : Cải tạo các khu chung cư cũ ]

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2822 khách Trực tuyến

Quảng cáo