Bốn dự án đầu tiên đã được xác định để chính thức bắt tay vào xây dựng đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm triển khai đầu tư theo mô hình đối tác công - tư (PPP).
Đó là các Dự án Đường cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu, Đường bộ trên cao ở TP.HCM, Nhà máy nước sông Hậu 1 và một đoạn đường thuộc vành đai 4 của Hà Nội. Các dự án này được lựa chọn từ danh sách 24 dự án được Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Công thương, UBND TP.HCM và UBND TP. Hà Nội đề xuất triển khai đầu tư theo hình thức PPP.
Sự lựa chọn này, theo ông Đặng Xuân Quang, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành về PPP cho biết, dựa trên cơ sở tính hấp dẫn và khả năng thu hút sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư, bên cạnh các tiêu chí tính quan trọng, quy mô, tính cấp thiết, cũng như các tiêu chí về khả năng hoàn trả vốn, khai thác lợi thế về công nghệ, kinh nghiệm quản lý, vận hành của khu vực tư nhân… mà Quyết định 71/2010/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức PPP.
“Tuy nhiên, các đánh giá về sự hấp dẫn, hiệu quả… mới dừng lại ở tính toán sơ bộ. Chúng tôi đang phối hợp, hỗ trợ các cơ quan liên quan xây dựng đề xuất dự án theo yêu cầu phải đưa ra được hiệu quả tổng thể của dự án trong tương quan so sánh giữa hình thức đầu tư PPP và hình thức đầu tư 100% vốn nhà nước”, ông Quang cho biết và thừa nhận, đây là giai đoạn thực sự khó khăn song lại quyết định phần lớn sự thành công của hình thức đầu tư này.
Thách thức ở đây chính là việc Nhà nước sẽ phải tiến hành phân tích chi phí - lợi ích tất cả các phương pháp thay thế hiện hữu từ góc nhìn của cả nhà nước và tư nhân, trên cơ sở đó đánh giá hiệu quả đầu tư theo hình thức PPP, xác định khả năng sinh lời của dự án, cũng như những ưu đãi đầu vào để đảm bảo tính hấp dẫn của dự án với nhà đầu tư tư nhân. Không những thế, trong từng phương án, việc cân nhắc các phương thức chia sẻ rủi ro không thể cứng nhắc khi mức độ tham gia của khu vực tư nhân vào dự án là khác nhau…
Cũng phải nói rõ rằng, với các hình thức đầu tư khác, kể cả hình thức đầu tư gần gũi với PPP nhất là xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT), trách nhiệm xây dựng và phân tích hiệu quả, khả năng sinh lời của dự án thuộc về nhà đầu tư. Trong các trường hợp này, cơ quan nhà nước có trách nhiệm thẩm định, xem xét các đề xuất đó để đưa ra quyết định chấp thuận hay không, chứ không phải ở vị trí chủ động “chào dự án” như với hình thức PPP.
Rõ ràng, cơ quan nhà nước đang nhận trọng trách lớn và không dễ dàng trong vai trò người chào hàng.
Theo bà Céline Kauffmann, chuyên gia kinh tế cao cấp Bộ phận Chính sách thể chế (Ban Quản trị công và phát triển lãnh thổ của OECD), kinh nghiệm của Hàn Quốc, một trong 4 quốc gia có tỷ lệ dự án cơ sở hạ tầng thực hiện theo hình thức PPP cao trong năm 2010 (10-15%) cho thấy, thiếu năng lực chuyên môn đề xây dựng và đánh giá dự án PPP, cùng với những vấn đề về thủ tục, quy định về phương thức chia sẻ rủi ro, ưu đãi đầu tư không rõ ràng, minh bạch, là nguyên do những chuệch choạc trong triển khai đầu tư theo hình thức PPP giai đoạn trước năm 1999.
Có thể đây là những tồn tại của Việt Nam trong giai đoạn đầu thí điểm thực hiện hình thức PPP. Ông Trần Văn Khôi, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) khi nói về dự án đề xuất thí điểm của Bộ Xây dựng là Nhà máy nước sông Hậu 1, cũng băn khoăn khi quy định về ưu đãi, các cách xử lý về giá bán nước, phí xử lý nước thải không rõ ràng trong bối cảnh giá các dịch vụ chưa được thị trường hoá hoàn toàn. “Nếu không làm rõ được yếu tố này một cách minh bạch để nhà đầu tư có cơ sở tính toán phương án cho họ, sự hấp dẫn của dự án sẽ không cao”, ông Khôi lo ngại và cho rằng, nên có các mô hình PPP phù hợp cho từng lĩnh vực cơ sở hạ tầng.
“Theo quan điểm của tôi, chúng ta nên sử dụng nhà tư vấn chuyên nghiệp trong xây dựng đề xuất dự án. Đề nghị này không chỉ từ thực tế năng lực xây dựng dự án của các cơ quan quản lý nhà nước, mà còn vì yếu tố chuẩn mực và uy tín quốc tế của nội dung các bản đề xuất. Tên tuổi của nhà tư vấn cũng một phần nào tạo nên sức hút của dự án với các nhà đầu tư tư nhân khi tiếp cận dự án”, ông Quang phân tích và cho rằng, giai đoạn xây dựng báo cáo tiền khả thi sau khi 4 đề xuất dự án được Thủ tướng Chính phủ chấp nhận cũng cần được thực hiện bởi các công ty tư vấn uy tín của thế giới.
Bảo Duy
- Các dự án bất động sản: Lách qua khe cửa hẹp
- Ba dự án kết nối Đồng bằng sông Cửu Long dự kiến khởi công cuối năm 2012
- Sudico giải trình về dự án khu đô thị Nam An Khánh
- Tạm dừng thực hiện dự án Nam An Khánh (Hà Nội)
- Khởi công xây dựng tòa nhà Western Bank Tower
- Đà Nẵng giao dự án Khu du lịch Làng Vân 5 tỷ USD cho Vinpearl
- Bảng giá đất năm 2012 của TPHCM: Vẫn chưa giải được vấn đề bất cập
- Hàng chục dự án triệu USD bị thu hồi trong 2 tháng qua
- Giá đất Hà Nội đắt ngang Tokyo và Paris
- Vinaconex khởi công cụm nhà ở tại khu đô thị nam cầu Trần Thị Lý, TP Đà Nẵng