Vừa mang dự án thế chấp để vay vốn ngân hàng, lại mang chính đất đó lừa bán cho khách hàng, Cty D&T đã thu bất chính hàng trăm tỷ đồng. Mặc dù đích thân ông Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch HĐQT Cty CP Tập đoàn đầu tư Xây dựng và Du lịch Bảo Sơn khẳng định Cty D&T chỉ là đối tác nhưng uy tín của Bảo Sơn vẫn bị sứt mẻ không ít.
Vụ việc khiến Giám đốc D&T - Trần Thị Hồng Hạnh tháng 1/2009 đã được vào ngồi trại giam, GP Bank chưa thu hồi được vốn, Tập đoàn Bảo Sơn mang tiếng chẳng hay và các hộ dân, "gửi trứng cho ác" chưa biết bao giờ mới thu lại được.
- Ảnh bên : Toàn cảnh dự án khu du lịch sinh thái cao cấp An Khánh
3 bên đều bất ngờ
47 biệt thự mà Cty D&T mang bán thuộc dự án xây dựng khu biệt thự kinh doanh (được tách ra từ dự án khu du lịch sinh thái cao cấp An Khánh, xã An Khánh, huyện Hoài Đức) do Cty CP Tập đoàn Đầu tư xây dựng và du lịch Bảo Sơn làm chủ đầu tư. Ngày 5/12/2007, Tập đoàn Bảo Sơn ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Cty CP TM Tổng hợp quốc tế D&T (Hà Nội). Theo đó, Tập đoàn Bảo Sơn được thụ hưởng lợi thế đất, quyền sử dụng đất, san lấp mặt bằng và giá trị đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại dự án trên, phía D&T bỏ vốn xây dựng 47 biệt thự trên tổng số 357 căn biệt thự...
Bằng hợp đồng hợp tác nói trên, Cty D&T đã ký hợp đồng tín dụng với NH TMCP Dầu khí toàn cầu (GP Bank) để vay vốn thực hiện dự án. Sau khi ký hợp đồng vay vốn với GP Bank, ba bên bao gồm Tập đoàn Bảo Sơn, Cty D&T và GP Bank cũng đã ký cam kết ba bên nhất trí về việc thế chấp tài sản, vay vốn và quy định trách nhiệm của từng bên. Tài sản đảm bảo cho hợp đồng vay vốn nói trên được chốt lại là 47 lô đất với tổng diện tích 6.142 m2 đất và được định giá hơn 97 tỷ đồng. Phía GP Bank cho Cty D&T vay 66,5 tỷ đồng và Cty D&T cũng đã chuyển cho Tập đoàn Bảo Sơn số tiền nói trên làm vốn để đầu tư thực hiện dự án.
Tuy nhiên, tháng 6/2008, do Cty D&T không có khả năng thanh toán số vốn vay hơn 66 tỷ đồng, đến tháng 12/2008 GP Bank đã ra thông báo chuyển quyền thụ hưởng 47 lô đất trên. Tức là GP Bank chính thức thay D&T thực hiện quyền và nghĩa vụ hợp pháp đối với 47 biệt thự là tài sản đảm bảo trên. Tới lúc này, mới xuất hiện các hộ dân đã bỏ tiền tỷ ra mua 47 căn biệt thự từ D&T. Và những người này đang đứng trước nguy cơ mất trắng. Cả GP Banhk và Tập đoàn Bảo Sơn cũng giật mình vì không ngờ D&T đã nhanh tay bán hết 47 lô đất với giá 2,8 tỷ đồng/lô.
Giải quyết thế nào ?
Theo hợp đồng Cty D&T ký với khách mua biệt thự, tháng 12/2008, Cty D&T phải bàn giao biệt thự đã xây thô cho khách. Tuy nhiên, đến nay toàn bộ dự án có 357 căn biệt thự thì Tập đoàn Bảo Sơn đã xây dựng được trên 200 biệt thự, riêng phần khu đất mà Cty D&T bán cho dân thì Tập đoàn Bảo Sơn mới giải phóng, san lấp mặt bằng, đầu tư hạ tầng giao thông và cấp thoát nước, chưa có hệ thống điện.
Luật gia Nguyễn Chấn cho rằng: "Giám đốc Cty D&T tự ý bán các căn biệt thự khi chúng đã là tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng là việc làm vi phạm nghĩa vụ của bên thế chấp quy định tại khoản 4 Điều 348 Bộ Luật Dân sự". Như vậy trách nhiệm thuộc về bà Hạnh và Cty D&T. Cũng theo ông Chấn, những người mua biệt thự... trên giấy, mặc dù là người bị hại song có thể phải gánh chịu ít nhiều thiệt hại do đã không tìm hiểu cụ thể và thiếu cân nhắc trước khi quyết định một vấn đề hệ trọng.
Tuy nhiên điều mà các hộ dân và dư luận đặc biệt quan tâm là trách nhiệm của Tập đoàn Bảo Sơn tới đâu trong vụ việc này. Theo các tài liệu mà chúng tôi có được và căn cứ vào Hợp đồng hợp tác đầu tư ký giữa Tập đoàn Bảo Sơn và Cty D&T thì số tiền 96 tỷ mà Cty D&T chuyển cho Tập đoàn Bảo Sơn là giá trị vốn góp bao gồm xây dựng hạ tầng, GPMB, quyền sử dụng đất... Hợp đồng cũng quy định, Cty D&T chịu trách nhiệm đầu tư xây dựng, hoàn tất các căn hộ và được phép chuyển nhượng công trình. Tuy nhiên ngay khi bút chưa ráo mực, nhà chưa xây thì Cty D&T đã bán phăng 47 biệt thự, vi phạm ngay chính hợp đồng vừa ký với Tập đoàn Bảo Sơn.
Đối với cam kết ba bên giữa GP Bank, Tập đoàn Bảo Sơn và Cty D&T cũng có nội dung ghi rõ: "Trong thời gian Cty D&T còn nợ vay tại ngân hàng, Tập đoàn Bảo Sơn không giải quyết bất cứ yêu cầu nào liên quan tới thế chấp, cầm cố, chuyển quyền sử dụng... đối với 47 căn hộ nêu trên...". Tuy vậy, có một câu hỏi đặt ra, bản cam kết cũng có điều khoản “Trong thời gian cam kết có hiệu lực, các bên không được phép tiết lộ thông tin liên quan đến cam kết ba bên này”. Vậy người mua nhà không biết thông tin những căn hộ này bị thế chấp... cũng là việc đương nhiên.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trường Sơn cho biết, hiện nay, Tập đoàn Bảo Sơn vẫn đang tiếp tục quản lý 47 lô đất nói trên. Cty D&T chỉ là đối tác kinh doanh của Tập đoàn Bảo Sơn chứ không phải Cty con, không phải nhà đầu tư thứ cấp, hoặc Cty thứ cấp của Tập đoàn Bảo Sơn.
Thanh Thanh
- Luật về đầu tư, xây dựng cần tránh lãng phí thời gian và tiền
- Chủ đầu tư không nhất thiết lập ban quản lý dự án
- Quản lý đất công và những thống kê báo động
- Đô thị trên 5ha phải dành 10% đất xây nhà rẻ?
- Bộ Xây dựng kiến nghị dừng xây khách sạn trong công viên
- Kiểm toán hàng loạt dự án trọng điểm
- Đầu tư xây dựng cơ bản: Cuộc "đại phẫu" về luật
- Xây dựng đô thị hơn 7 tỷ USD ở ngoại thành Hà Nội
- Tìm "chủ" cho 6 khu đất "vàng"
- Dự án Khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa (TPHCM): Tay không vẫn được giao dự án... 2 tỉ USD (?!)