Sau khi ký kết Nghị định thư Kyoto vào tháng 9/2002, Việt Nam được đánh giá nằm trong Top 10 nước có tiềm năng về thực hiện Cơ chế phát triển sạch (CDM).
Nhưng trên thực tế, sau gần 8 năm, cả nước mới có 24 dự án được đăng ký tại Ban điều hành CDM quốc tế của Liên hiệp quốc.
Có những nghiên cứu cho thấy, lợi ích từ buôn bán chứng chỉ giảm phát thải (CERs), khả năng tiếp cận công nghệ tiên tiến với nguồn lực hỗ trợ quốc tế... đang gặp phải rào cản thủ tục hành chính.
Thị trường hàng trăm tỷ USD
Thị trường buôn bán CERs ngày càng trở nên phát đạt sau khi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất.
Vào tháng 1/2009, CERs được giao dịch tại thị trường châu Âu với giá thấp nhất vào khoảng 7 Euro/tấn CO2 (khoảng 8,5 USD). Tuy nhiên, giá chứng chỉ này sau đó đã ổn định hơn ở mức khoảng 11-13 Euro/tấn CO2 (khoảng 13,5-16 USD).
Theo một nghiên cứu được công bố cách đây 4 ngày của công ty phân tích PointCarbon, chứng chỉ CERs có thể đạt mức giá bình quân khoảng 26 USD/tấn CO2 trong giai đoạn từ năm 2013-3020, và thị trường buôn bán CERs tại Mỹ có thể đạt kích cỡ 350 tỷ USD vào năm 2020.
Mặc dù đã có một số dự án CDM được phê chuẩn và đi vào thực hiện, tuy nhiên, ở Việt Nam, số lượng các dự án CDM được phê duyệt còn rất ít nên dẫn đến giá trị kinh tế thu được cho toàn xã hội từ các dự án CDM là chưa cao. Cho đến nay, Việt Nam mới đăng ký được 24 dự án tại Ban điều hành CDM quốc tế của Liên hiệp quốc, chủ yếu là các dự án quy mô nhỏ.
Trong khi đó, theo thống kê của Ban thư ký Công ước Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu, tính đến ngày 3/5/2010, đã có tổng số 2.184 dự án CDM được đăng ký. Trong số này, Trung Quốc là nước có số dự án đăng ký lớn nhất, với 828 dự án, chiếm 37,91% tổng số dự án.
Đứng thứ hai sau Trung Quốc là Ấn Độ, với 504 dự án CDM được đăng ký, chiếm 23,08% tổng số dự án. Brasil và Mexico lần lượt đứng thứ ba và thứ tư, chiếm 7,88% (172 dự án) và 5,54% (121 dự án).
Dẫn đầu các quốc gia khu vực Đông Nam Á, Malaysia đã đăng ký 81 dự án, đứng thứ 5 với 3,71% tổng số dự án...
Rào cản thủ tục hành chính
Thực tế cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam đang gặp hàng loạt khó khăn khi tiếp cận các dự án CDM để có thể tiếp nhận nguồn vốn nước ngoài thực hiện chống biến đổi khí hậu.
Theo báo cáo cấp thư xác nhận và cấp thư phê duyệt dự án cơ chế phát triển sạch do Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), thủ tục hành chính về cấp thư xác nhận và thư phê duyệt dự án CDM quá rườm rà, gây tốn kém về chi phí; các chính sách pháp luật chưa cụ thể và chưa có khung chiến lược phát triển CDM; thiếu cơ chế minh bạch, thuận tiện trong việc xác nhận và phê duyệt dự án CDM…
Cụ thể, quy định hiện hành còn phức tạp về thành phần hồ sơ, như thông tư số 10/2006/TT-BTNMT yêu cầu nhà đầu tư phải nộp văn bản nhận xét của các bên liên quan nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể, dẫn đến, mỗi dự án CDM có thể có những hình thức và nội dung văn bản khác nhau.
Ngoài ra, yêu cầu nhà đầu tư cung cấp thêm những giấy tờ như giấy phép khai thác nước mặt, nước ngầm đối với dự án có liên quan, giấy phép xả thải vào nguồn nước, báo cáo đánh giá tác động môi trường trong hồ sơ văn kiện thiết kế dự án là không cần thiết vì đây là trách nhiệm tuân thủ pháp luật của nhà đầu tư.
Điều đáng lưu ý là có giấy phép như đã nêu chỉ được cấp khi dự án đi vào hoạt động, trong khi các dự án CDM chỉ được phê duyệt trong quá trình hình thành (chưa được phép hoạt động), dẫn đến người nộp đơn phải tìm những biện pháp thích hợp để giải quyết vấn đề trên.
“Tình trạng tùy tiện, cố tình gây khó khăn, kéo dài thời gian cho nhà đầu tư trên thực tế làm chậm quá trình xin cấp thư xác nhận của nhà đầu tư”, báo cáo đánh giá.
Tổng thời gian giải quyết thủ tục cấp thư xác nhận và cấp thư phê duyệt cho dự án CDM theo quy định của pháp luật hiện hành là 75 ngày, trong đó, thời gian tương ứng cho từng thủ tục là 25 và 50 ngày. Theo ý kiến của một số doanh nghiệp, thời gian để có thư xác nhận trên thực tế lên đến 6 tháng và thời gian cấp thư phê duyệt lên đến hàng năm.
“Sự phức tạp trong thủ tục thiếu cơ chế minh bạch, thuận tiện trong việc xác nhận và phê duyệt dự án CDM đã và đang hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn CDM quốc tế của Việt Nam, đồng thời không thúc đẩy được khối kinh tế tư nhân trong việc tham gia các dự án CDM”, báo cáo nhìn nhận.
Doanh nghiệp CDM khó tiếp cận ưu đãi
Để khuyến khích các nhà đầu tư dự án được cấp thư xác nhận và cấp thư phê duyệt là dự án CDM, các quy định hiện hành của Chính phủ Việt Nam cũng trao cho họ rất nhiều ưu đãi.
Cụ thể, tại Quyết định số 130/2007/QĐ-TTg, các dự án CDM tại Việt Nam sẽ được hưởng các ưu đãi về thuế; tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; khấu hao tài sản cố định; tín dụng đầu tư của nhà nước.
Về thuế, các dự án CDM được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp như đối với dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư; được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hoá nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án, hàng hoá nhập khẩu là nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để phục vụ sản xuất của dự án.
Các dự án CDM cũng được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất áp dụng đối với dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư, ngoài ra còn được trợ giá cho các sản phẩm từ quỹ bảo vệ môi trường nếu nằm trong danh mục sản phẩm của dự án CDM thuộc lĩnh vực ưu tiên và chi phí thực tế để sản xuất ra sản phẩm lớn hơn giá bán thực tế theo hợp đồng được ký kết.
“Những ưu đãi cho các dự án CDM theo quy định của pháp luật là rất lớn, tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng, để được hưởng những ưu đãi, nhà đầu tư dự án CDM gặp rất nhiều khó khăn”, báo cáo nhìn nhận.
Theo bản báo cáo, những khó khăn này xuất phát từ quy định của pháp luật. Ví dụ như, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp không quy định việc hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho các dự án CDM và do vậy, nhà đầu tư không được hưởng những ưu đãi theo quy định của Quyết định số 130/2007/QĐ-TTg.
“Thủ tục được hưởng những ưu đãi rất phức tạp vì không có cơ chế tự động áp dụng cho việc hưởng ưu đãi, chưa có hướng dẫn cụ thể về việc hưởng ưu đãi đối với trường hợp nhà đầu tư công nghệ vào Việt Nam để thực hiện dự án CDM. Tất cả những khó khăn nêu trên đã dẫn đến việc các dự án CDM ở Việt Nam kém hấp dẫn và cạnh tranh hơn so với các quốc gia khác”, báo cáo cho biết.
Anh Quân
- GDP xanh
- Đông Nam Á và nhu cầu điện hạt nhân
- Biến đổi khí hậu: Ứng phó ra sao?
- Môi trường khu công nghiệp VN: Lợi bất cập hại
- Điện gió Việt Nam bắt đầu thu hút nhà đầu tư
- Năng lượng và môi trường sống
- Chi phí năng lượng: Việt Nam sẽ cắt giảm 20 - 30%
- 2/3 hồ Hà Nội ô nhiễm
- Thủy điện Sapa sẽ phá hủy sinh thái
- Làm sao cứu sông Mê-kông?