Chưa bao giờ như năm nay, trong khi ở miền Bắc sông Hồng trơ đáy thì đồng bằng sông Cửu Long chờ lũ, lũ không về. Rồi giữa mùa mưa, trong khi nước ở các hồ thủy điện khắp cả nước vẫn còn cạn kiệt, nhà máy điện chạy cầm chừng, điện cúp liên miên thì ở Bắc Trung bộ vừa mưa xuống lũ lụt đã ập về, nhiều vùng bị ngập, đường sắt Bắc - Nam bị gián đoạn, hơn 20.000 hộ gia đình phải sơ tán chạy lũ, gần trăm người chết và mất tích vì lũ, nhà cửa ruộng vườn xác xơ, thiệt hại ban đầu ước tính hơn 2.000 tỉ đồng…
Trước những hiện tượng thời tiết cực đoan, bất thường, người ta hay bảo nguyên nhân là do biến đổi khí hậu. Khí hậu có biến đổi, tất nhiên: nền nhiệt độ trên thế giới tăng; băng tan ở Bắc cực; nước biển dâng; bão tố, lụt lội ngày càng dữ dội, khó lường; hạn hán kéo dài và khốc liệt hơn. Lụt lớn chưa từng thấy ở Pakistan, lũ quét kinh hoàng ở Trung Quốc, đợt nóng lịch sử gây ra hàng chục vụ cháy rừng ở Nga trong năm nay là những ví dụ.
- Ảnh bên : Trận lụt đầu tháng 10/2010 gây thiệt hại nặng nề cho người dân tại Quảng Bình
Nhưng có phải vì thế mà thường khi nói về biến đổi khí hậu, về những biện pháp đối phó với tai họa này, người ta hay nói như thể đó là tai họa từ đâu tới, không có sự góp tay của con người, và vì thế không nhấn mạnh đến việc phải xem xét lại hành vi của con người?
Khi những cánh rừng đầu nguồn bị chặt phá để lấy đất trồng cây công nghiệp, khi người ta lấy cớ thay thế rừng nghèo bằng rừng trồng để chặt hạ những cánh rừng tự nhiên, khi nhiều cánh rừng tự nhiên bị phá để làm hàng loạt nhà máy thủy điện chằng chịt trên cùng một con sông, chúng ta đã góp phần làm cho lũ xuất hiện nhanh hơn, dữ dội hơn.
Trong đợt lũ lụt ở Bắc Trung bộ vừa qua, cũng như trong trận lũ lụt ở miền Trung năm ngoái, người ta phát hiện ra vô số thân cây gỗ bị đốn hạ không biết từ lúc nào trên thượng nguồn và bị lũ cuốn trôi xuống hạ lưu. Những thân cây gỗ như thế đã uy hiếp đập tràn thủy điện Hố Hô ở Hà Tĩnh, suýt gây ra thảm họa vỡ đập. Còn ở Quảng Bình, dải đất rất hẹp nằm giữa dãy Trường Sơn và biển Đông, nhiều năm nay tỉnh vẫn thực hiện kế hoạch khai thác rừng xung yếu đầu nguồn.
Chỉ tính riêng hai năm (2008-2009), UBND tỉnh đã cho phép các công ty lâm - công nghiệp khai thác gần 25.000 mét khối gỗ tự nhiên. Hội đồng nhân dân tỉnh cũng vừa thông qua nghị quyết “quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng Quảng Bình giai đoạn 2008-2020” nhưng lại cho phép khai thác 3 triệu mét khối gỗ các loại trong thời kỳ quy hoạch 2008-2020, trong đó có 180.000 mét khối khai thác rừng tự nhiên.
Nhìn kỹ lại, con người không vô can. Chính con người đã góp phần không nhỏ mang tai họa tới cho chính mình. Và cái lợi của người này nhiều khi lại trở thành cái họa cho người khác. Chẳng hạn, khi trên chỉ một dòng Mêkông, hàng chục đập thủy điện được dựng lên sừng sững thì nói gì thì nói, hạ lưu vẫn bị ảnh hưởng.
Mùa nước nổi chở nặng phù sa, tôm cá mà thiên nhiên ban tặng trước đây cho hàng trăm triệu cư dân hai bên bờ con sông lớn này, nay không về. Quỹ Động vật hoang dã thế giới (WWF) cảnh báo loài cá tra khổng lồ trên sông Mêkông - một trong số các loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới - có thể bị tuyệt chủng nếu tiếp tục thực hiện các công trình xây đập, chặn nơi sinh sản của loài cá này.
Trong số các nguyên nhân của những thảm họa do sự biến đổi khí hậu gây ra cho con người, ngoài những nguyên nhân kinh tế-xã hội, còn có cả sự ích kỷ cá nhân hoặc nhóm người, ích kỷ thế hệ (khi thế hệ hôm nay khai thác thiên nhiên theo kiểu tận thu mà không hề nghĩ đến thế hệ sau), và ích kỷ dân tộc. Bao lâu con người chưa chịu xem xét lại hành vi của mình theo chiều hướng đó, mà đó là cách ngăn ngừa tốt nhất thảm họa gây ra do biến đổi khí hậu, thì chúng ta sẽ còn phải gánh chịu thêm những thảm họa có thể còn khốc liệt hơn trong tương lai.
Đoàn Khắc Xuyên
- Ô nhiễm uy hiếp du lịch biển
- Thông cáo chung của Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ III
- Năng lượng tái tạo: vẫn chưa đến thời
- Việt Nam xây dựng chiến lược dài hạn ứng phó biến đổi khí hậu
- Thuỷ điện đã “tới hạn”!
- Ngành xi măng giải quyết tận gốc tiết giảm năng lượng
- Ngày hội Hành động Toàn cầu chống biến đổi khí hậu
- Bảo vệ môi trường chung Hoa Lư - Thăng Long - Hà Nội
- Các nguồn năng lượng của thế giới trong tương lai
- Cao ốc đua nhau tiết kiệm năng lượng
Lời bình
tin bình luận RSS của chủ đề này