UBND TP.HCM đang đốc thúc các quận huyện sớm hoàn tất việc lập quy hoạch chung 1/2.000 nhằm tháo gỡ bài toán quy hoạch đang rối, đồng thời giải quyết căn cơ vấn nạn quy hoạch “treo” mà nhiều năm nay thành phố xoá mãi không hết. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia quy hoạch, việc xoá quy hoạch “treo” không dễ dàng, ngay cả khi quy hoạch 1/2.000 đã được lập xong!
Không “treo” không phải là quy hoạch?
Gian nan
Việc lập quy hoạch 1/2.000 của các quận huyện TP.HCM vẫn rất khó khăn. Theo báo cáo, hiện hầu như quận nào cũng kêu khó và việc lập quy hoạch bị ách lại vì thiếu quỹ đất dành cho công trình công cộng. Cụ thể, quận 9 cho biết, chỉ tìm được khoảng 70ha đất dành làm bãi đậu xe, trong khi nhu cầu đến 170ha. Huyện Nhà Bè chỉ tìm được khoảng 30ha đất, trong khi theo kế hoạch phải có 110ha diện tích bãi đậu xe.
Theo sở Xây dựng TP.HCM, việc lập quy hoạch 1/2.000 chậm là do hiện nay có quá ít đơn vị chuyên môn tham gia lập quy hoạch. Trong khi đó, các đơn vị này cũng kêu bị quá tải, bị gây chậm trễ từ khâu lập nhiệm vụ quy hoạch, lập đồ án quy hoạch cho đến điều chỉnh đồ án theo ý kiến thẩm định. Thống kê cho thấy, tại TP.HCM hiện nay chỉ có 33 đơn vị lập quy hoạch, trong đó chỉ có khoảng năm đơn vị là tham gia thực hiện. Cụ thể, có tới 229/450 đồ án quy hoạch chi tiết của toàn thành phố là tập trung vào các đơn vị như: công ty TNHH xây dựng kiến trúc miền Nam; viện Quy hoạch xây dựng thành phố – viện Nghiên cứu phát triển; công ty TNHH tư vấn đầu tư xây dựng Sài Thành; công ty TNHH khảo sát thiết kế tư vấn Sài Gòn; công ty TNHH quy hoạch kiến trúc S.P.A. Theo đánh giá của một lãnh đạo ngành xây dựng, việc lập quy hoạch cứ như hiện nay, thì còn lâu nữa TP.HCM mới phủ kín được quy hoạch 1/2.000 cho các quận huyện.
- Ảnh bên : nhà cửa trong khu quy hoạch “treo” ga Bình Triệu (Ảnh: Lê Hồng Thái)
Có xong cũng không hết “treo”
Tại quận Bình Tân, hiện nay, mặc dù đã gần phủ kín quy hoạch chi tiết 1/2.000, tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều dự án “treo”. Mới đây, để đảm bảo quyền lợi của người dân, UBND quận đã kiến nghị những công trình hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, khi chưa xác định kế hoạch và chủ trương đầu tư, thì cho phép người dân và nhà đầu tư thuê ngắn hạn (năm đến mười năm) xây dựng công trình, kho bãi với kết cấu lắp ghép tạm và cam kết tháo dỡ khi thực hiện quy hoạch.
Trong khi đó, một lãnh đạo của quận 8 cho rằng, quy hoạch buộc phải đầy đủ các chỉ tiêu về cây xanh, công trình công cộng, giao thông... nhưng áp vào thực tế, thì không thực hiện được. Cụ thể, khi quận 8 làm quy hoạch tại khu vực phường 11, 12, thì tại đây, đã kín mít nhà dân, không còn quỹ đất nào để làm các công trình công cộng như cây xanh, đường dự phóng… Cuối cùng, quận có muốn làm cũng không biết lấy quỹ đất ở đâu ra để thực hiện.
Theo ông Nguyễn Trọng Hoà, nguyên giám đốc sở Quy hoạch kiến trúc, mục đích của thành phố khi yêu cầu các quận huyện làm quy hoạch 1/2.000 là để giữ đất làm đường sá, trường học, bệnh viện, cây xanh, trong khi, dự án “treo” lại xuất phát từ quy hoạch 1/500 khi các dự án này đã được giao đất, đã lập quy hoạch từ trước khi có 1/2.000 rồi. Do vậy, xoá “treo” là phải xoá từ quy hoạch 1/500, chứ không phải từ quy hoạch 1/2.000. |
Trả lời phóng viên về những khó khăn trên, viện trưởng viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, nguyên giám đốc sở Quy hoạch kiến trúc thành phố, ông Nguyễn Trọng Hoà, phân tích: quy hoạch được phân ra nhiều cấp độ từ 1/5.000 là quy hoạch chung cho toàn thành phố; 1/2.000 là quy hoạch ở quận huyện, cụm quận huyện; 1/500 là của từng dự án cụ thể. Về nguyên tắc, khi làm bất cứ dự án nào, quy hoạch dự án đó phải được tuân thủ từ 1/5.000 – 1/500. Tuy nhiên, hiện nay, các quận huyện khi mới đang làm quy hoạch 1/2.000 thì đã kêu thiếu quỹ đất, bởi trước đó, họ đã làm quy hoạch 1/500 và dự án đã giao rồi. “Với cách làm quy hoạch ngược như vậy, theo tôi, cách duy nhất để đẩy nhanh tiến độ quy hoạch 1/2.000 là rà soát lại các dự án, thu hồi dự án này lấy đất làm công trình công cộng”, ông Hoà nói.
Đừng để người dân nghèo đi vì quy hoạch “treo”
Để một đô thị ngày mai phát triển, việc định hướng, quy hoạch những đô thị mới, khu dân cư mới… là điều phải làm. Trong quá trình định hướng, quy hoạch ấy, nếu chúng ta vẫn đảm bảo được quyền lợi, cuộc sống của người dân, thì không vấn đề gì phải bàn. Tuy nhiên, hiện nay, người dân nào bị “dính” vào quy hoạch dự án chưa được triển khai, thì quyền lợi bị xâm hại, gần như dự án “treo” đến đâu, người dân nghèo đi đến đó. Ông Đặng Văn Khoa, đại biểu HĐND TP.HCM đã thẳng thắn như vậy khi đề cập đến quy hoạch “treo”.
Khu vực ga Bình Triệu chưa biết ngày thoát “treo”. (Ảnh: Lê Hồng Thái)
Sửa đổi luật Đất đai
Để giải quyết căn cơ vấn đề này, theo đại biểu Khoa, cần phải thay đổi hệ thống luật đất đai trên tinh thần đảm bảo quyền lợi cho người dân. Cụ thể, đối với đất nông nghiệp, nên quy định bất cứ dự án nào (trừ dự án phục vụ an ninh quốc phòng, đường sá), khi thu hồi đất, nhà đầu tư phải trực tiếp mua của dân. Nếu dân không đồng ý bán khi chưa được giá, thì không được cưỡng chế.
Ông Đặng Đình Thông, giám đốc công ty TNHH luật Đặng Đình Thông phân tích, tình trạng quy hoạch “treo” nằm trong các dạng sau: địa phương có công bố quy hoạch một khu đất để xây dựng công trình, dự án, nhưng sau đó, không làm gì để thực hiện quy hoạch; địa phương ban hành quyết định thu hồi đất để thực hiện dự án, nhưng việc thu hồi kéo dài và không dứt điểm; đất đã được thu hồi và giao cho chủ đầu tư dự án, nhưng chủ đầu tư không đầu tư, hoặc đầu tư một phần rồi bỏ. Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố và phê duyệt quy hoạch một khu đất để xây dựng công trình, dự án, nhưng không làm gì để thực hiện dự án trong một thời gian đến hàng chục năm như: quy hoạch bán đảo Thanh Đa; quy hoạch ga Bình Triệu; quy hoạch mở rộng đường Nguyễn Kiệm… là tình trạng quy hoạch “treo”, dự án “treo” đang gây bức xúc nhất trong xã hội, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân ở nhiều nơi và gây lãng phí đất đai.
Phải có quy trình xoá “treo”
Khi mạnh ai nấy làm dự án Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Hoà, viện trưởng viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, nguyên giám đốc sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM, để xoá quy hoạch “treo”, thành phố cần có chiến lược phát triển đô thị toàn diện. TP.HCM đang tồn tại rất nhiều dự án “treo” là vì trước đây, thành phố như một công trường xây dựng: thành phố làm dự án, quận huyện làm dự án, tư nhân làm dự án; đất đai được giao tràn lan… đến khi khủng hoảng kinh tế, nhà đầu tư không có vốn để thực hiện, nên dự án này phải “treo”. Do vậy, tầm nhìn và một kế hoạch phát triển toàn diện, bền vững là cái mà thành phố cần để giải bài toán đô thị nói chung và quy hoạch “treo” nói riêng. |
Theo ông Thông, điều 29 luật Đất đai và điều 29 nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004, quy định rằng, diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất đã được công bố phải thu hồi để thực hiện dự án, công trình, hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất mà sau ba năm không thực hiện theo kế hoạch, thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt kế hoạch sử dụng đất phải điều chỉnh, hoặc huỷ bỏ công bố. Trong thực tế, có rất nhiều dự án quy hoạch không thể thực hiện được, vì lý do tài chính, nên kéo dài hàng chục năm, nhưng không được huỷ bỏ theo đúng quy định.
Luật Đất đai và luật Quy hoạch đô thị năm 2009 quy định rất rõ về quy trình lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch đô thị, nhưng lại chưa quy định một quy chế rõ ràng về thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến quy hoạch bị huỷ bỏ. Mặt khác, việc công nhận huỷ bỏ một quy hoạch sẽ gắn liền với việc giải quyết các hậu quả có liên quan đến quy hoạch bị huỷ bỏ. Bên cạnh đó, là quy trình lập, thẩm định và phê duyệt rất chặt chẽ và liên quan tới nhiều cơ quan chức năng có thẩm quyền. Do đó, nếu chính các cơ quan này huỷ bỏ quy hoạch đó, thì đồng nghĩa với việc họ công nhận sự sai lầm và thiếu tầm nhìn của mình trong quy hoạch. Vì lẽ này, mà trong thực tế có rất nhiều các dự án quy hoạch “treo” bị huỷ bỏ. Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, ông Thông kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần sớm xây dựng và ban hành những quy phạm pháp luật rõ ràng và khả thi cho việc huỷ bỏ những quy hoạch không phù hợp với điều kiện kinh tế và xã hội qua từng thời kỳ.
Tùng Quang – Bảo Chương
- Thành phố kiểu mẫu - từ Singapore đến Đà Nẵng
- Dự án chuyển đổi khu vực nhà ga Voorburg (Hà Lan)
- Các thành phố lớn: Căng mình với đô thị hóa
- TP HCM nghiên cứu thiết kế đô thị các trục đường quan trọng
- Đô thị phát triển
- Dự án Quy hoạch các Tiểu khu tại thành phố Kigali, Rwanda
- Hà Nội: Đề xuất xây 6 đường trên cao
- Thay đổi truyền thống và tính hiện đại đô thị
- Hà Nội: Làm đường trên cao để giảm kẹt xe
- Giải thưởng Quy hoạch Hoa Kì - APA 2011
Lời bình
tin bình luận RSS của chủ đề này