Chỉ mục bài viết |
---|
Về những người đặc biệt trong một gia đình họ Mai |
Phần 2 |
Tất cả các trang |
Năm 2003, tôi đến Na Uy lần đầu tiên. Lý do mà tôi có chuyến đi này thật đơn giản nhưng cũng là một bất ngờ thú vị. Một phụ nữ Nauy biết tiếng Việt đã đọc được truyện ngắn "Tiếng đập cánh của chim thần" của tôi ở trên một trang báo điện tử nào đó. Chị ứa nước mắt khi đọc truyện ngắn này. Thế rồi chị dịch truyện ngắn đó và in trong một tuyển tập.
Đó là tuyển truyện ngắn bằng tiếng Na Uy bao gồm tác phẩm của các tác giả ở những nước có người định cư ở Na Uy. Và người ta quyết định mời một số tác giả có tác phẩm trong tuyển tập đến Na Uy trong ngày khai trương tuyển tập để giao lưu với độc giả. Có 12 tác giả trong tuyển tập. Sau khi tìm hiểu thì Ban tổ chức nhận ra rằng 10 tác giả đã mất. Chỉ hai tác giả còn sống. Một tác giả là người Iran và một là người Việt Nam. Người Việt Nam đó là tôi. Vậy là họ mời cả hai người còn sống. Chuyện chỉ đơn giản là thế và cũng bất ngờ là thế. Chẳng có gì to tát cả.
Bà Vương Thị Lai
Trong chuyến đi lần thứ hai đến Na Uy năm 2004, tôi đã được tiếp kiến Đức Vua và Hoàng hậu Na Uy tại Hoàng cung. Tôi đã ký tặng Đức Vua và Hoàng hậu tập tuyển truyện ngắn bằng tiếng Na Uy và nói Đức Vua và Hoàng hậu nên đọc truyện ngắn của tôi trước khi đến Việt Nam. Bởi trong câu chuyện tôi kể về những người Việt Nam bình dị và vô danh ở một làng quê nhỏ bé và nghèo nàn đã hiện lên giấc mơ lớn về Tự do từ trong máu và nước mắt của một dân tộc. Hoàng hậu hứa là sẽ đọc. Và tôi tin bà đã đọc câu chuyện nhỏ bé ấy trước khi Đức Vua và Hoàng hậu Na Uy sang thăm Việt Nam năm 2004.
Tôi đến Oslo, thủ đô Na Uy, với một trong những mong muốn là được gặp người đã đọc và dịch truyện ngắn của mình. Qua trao đổi thư từ, tôi được biết tên chị là Mai Thị Minh Khai, quốc tịch Na Uy, năm nay chị 30 tuổi. Nhưng khi gặp chị tôi hoàn toàn bất ngờ. Một người phụ nữ đầy dáng vẻ Châu Âu rất đẹp hiện ra trước mắt tôi. Sau này nhìn kỹ, tôi mới nhận ra những nét Á Đông ẩn chứa dịu dàng trên gương mặt chị. Cho đến lúc đó tôi mới biết rằng cha chị là một người Việt và mẹ chị là người Na Uy. Cha chị là ông Mai Thế Nguyên. Ông là người Việt Nam thứ hai định cư ở Na Uy từ nửa thế kỷ trước. Ông sẽ là một trong những nhân vật chính trong bài viết này của tôi. Còn cụ bà thân sinh ra ông Mai Thế Nguyên là một người phụ nữ Việt Nam đặc biệt. Nhưng trước khi kể cho bạn đọc nghe câu chuyện về gia đình đặc biệt này, tôi xin nói thêm một chút về người đã dịch truyện ngắn của tôi - cô con gái của gia đình họ Mai ở Hà Nội.
Trong những ngày ở Oslo, tôi đã ở trong nhà của vợ chồng chị. Lúc đó họ mới có một cháu gái. Mới đây họ có thêm một bé trai. Ngày tôi đến Oslo, chồng chị, anh Trần Quang Đông, đã ra sân bay đón tôi. Hồi bé, chị đã được cha mẹ dạy vẽ. Ông Mai Thế Nguyên và người vợ Na Uy đều là kiến trúc sư. Rất nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng ở thủ đô Oslo có sự tham gia của ông. Một trong những công trình đó là khu bếp, phòng trà và phòng ăn của Đức Vua và Hoàng hậu Na Uy trong Hoàng cung. Tôi đã được xem một vài bức ký họa của Mai Thị Minh Khai khi chị lên tám tuổi. Thật xuất sắc và rung động. Nhưng sau một thời gian học hội họa, chị đã giã từ nó. Chị nói rằng chị biết khả năng của chị đến đâu và hơn nữa trước mặt chị có biết bao họa sỹ Na Uy danh tiếng. Chị tin rằng chị sẽ không bao giờ có thể đứng bên cạnh họ được.
Chính thế mà chị không tiếp tục theo học hội họa. Chị học châm cứu. Chị trở về Việt Nam học tiếng Việt và học châm cứu. Trong những ngày học ở Việt Nam, chị trọ trong một căn phòng nhỏ ở tầng trên của hiệu phở gà Đỗ Hành. Và ở Hà Nội, chị đã gặp anh Đông. Hai người yêu nhau và đi đến hôn nhân. Anh Đông theo vợ sang sinh sống và làm việc ở Oslo. Bây giờ chị là chuyên gia châm cứu ở một Trung tâm y tế ở Oslo.
Chị Mai Thị Minh Khai và gia đình ở Oslo
Một ngày nghỉ, vợ chồng chị đưa tôi đến thăm cha mẹ chị. Ông Mai Thế Nguyên đã nấu phở bò để đãi khách. Vợ chồng ông sống căn hộ xinh xắn trong một chung cư ở thủ đô Oslo. Căn hộ có rất nhiều tranh Phái. Đã có những người sưu tập và buôn tranh hỏi mua nhiều lần. Nhưng ông bà không bao giờ bán những bức tranh đó. Những bức tranh đó luôn luôn gợi lên trong ông Mai Thế Nguyên những ký ức về Hà Nội xưa và những lần ông gặp họa sỹ Bùi Xuân Phái. Trong căn hộ của họ có hai chiếc ban thờ. Một chiếc thờ cha mẹ và một chiếc thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Nguyên nói: “Trừ tôi ra còn tất cả những người trong gia đình tôi đều đã gặp Cụ Hồ”.
Tôi đã hỏi ông Mai Thế Nguyên việc ông đặt tên con gái ông có liên quan chút gì với nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai không? Ông trả lời đó là lý do chính. Ông muốn con gái mình lớn lên phải có một khát vọng sống mạnh mẽ và biết hy sinh cho lý tưởng mà mình chọn lựa. Ông cũng muốn các con ông dù sống xa Tổ quốc nhưng phải gắn bó một điều gì đó với mảnh đất mà cha chúng đã sinh ra và lớn lên. Khi cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng sang thăm Na Uy, Mai Thị Minh Khai đã được bế ra sân bay đón cố Thủ tướng. Năm đó, Mai Thị Minh Khai mới hơn một tuổi.
Ông Mai Thế Nguyên rời Hà Nội sang Pháp năm 1953 cùng với một người anh trai. Khi ấy ông 14 tuổi và anh trai ông 16. Mẹ ông sợ hai anh em ông bị Pháp bắt đi lính lên đã gửi cả hai sang Pháp học. Lúc đó, người anh cả của ông đang học ở Paris. Đó là Tiến sỹ, Giáo sư bác sỹ Mai Thế Trạch. Sau này, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Mai Thế Trạch đã trở về giúp Tổ quốc như bao trí thức người Việt yêu nước khác.
Ông Mai Thế Nguyên mồ côi cha từ năm một tuổi. Ông kể với tôi rằng trong ký ức ông hình ảnh rõ nhất và cũng buồn đau nhất về người cha là một cái hộp sọ có một chiếc răng vàng. Đó là ngày gia đình ông thay áo cho cha ông. Mẹ ông, cụ bà Vương Thị Lai, góa chồng từ năm 28 tuổi. Từ ngày đó, một mình cụ phải nuôi năm đứa con ăn học. Cụ có một cửa hàng bán tơ lụa tên là Lợi Quyền ở 27 phố Hàng Ngang. Năm 1945, Chính phủ lâm thời kêu gọi toàn dân quyên góp tài chính ủng hộ Quỹ Độc lập. Cụ Vương Thị Lai là một trong những người đầu tiên đã mang tài sản mà cụ đã lao động với mồ hôi, nước mắt để ủng hộ Cách mạng. Bởi ngày ấy, ai cũng khát khao Tổ quốc được độc lập tự do. Và họ đã làm tất cả cho khát vọng lớn lao nhất ấy. Và cũng từ sau ngày đó, anh em ông Mai Thế Nguyên không còn nhận được tiền của mẹ gửi sang Pháp để ăn học nữa. Họ vừa học vừa phải đi làm thuê để sống.
Ông Mai Thế Nguyên
Ngày 10 tháng 11 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gắn chiếc huy hiệu hình ngôi sao bằng vàng cho cụ Vương Thị Lai vì những đóng góp của cụ trong Tuần lễ vàng đầu tiên ở Hà Nội. Cụ đã hiến cho Cách mạng 109 lạng vàng. Trong một bài báo viết về cụ Vương Thị Lai in trên Báo Sài Gòn Giải Phóng năm 1991, tác giả Phạm Việt Anh (Viện Hồ Chí Minh) viết:
“Đó là tấm huy chương đầu tiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cho một công dân của nước Việt Nam mới, một phụ nữ ái quốc. Đó cũng là tấm huy chương độc nhất vô nhị, vì lẽ tấm huy chương đó là món quà của một Việt kiều yêu nước ở Trung Quốc gửi về biếu Bác. Người nói: Với tấm huy chương này, bà Vương Thị Lai là đại biểu cho lòng hăng hái và hy sinh cho phụ nữ Việt Nam.
Bà Vương Thị Lai đã xứng đáng với tấm huy chương quí và lời khen ngợi của Bác Hồ. Bà đã lặng lẽ tiếp tục đem vàng, tiền mua thóc ủng hộ quỹ cứu đói, ủng hộ bộ đội, giúp tự về thành trong những ngày khó khăn cuối năm 1946. Sau này, bà tiếp tục ủng hộ tiền xây dựng Nhà máy Da Thụy Khê, Nhà máy dệt khăn mặt. Bà tham gia Hội đồng nhân dân thành phố, là ủy viên Hội đồng Hoà bình Thế giới của Việt Nam và là ủy viên Ban chấp hành Hội Phụ nữ Việt Nam”.
Sau này, cụ Vương Thị Lai còn ủng hộ Cách mạng một khối tài sản khổng lồ. Đó là hai ngôi nhà 156A và 156B, phố Quán Thánh, Hà Nội (tổng cộng diện tích hai ngôi nhà này là 1.105 m2), rồi đến ngôi nhà số 1, phố Lê Hồng Phong, Hà Nội (1.108 m2) và hai lô đất ở bến xe Kim Liên là 1.035 m2.
Viết đến đây, tôi cảm thấy như có ai đó giật mạnh tay mình. Từ đâu đó có một lời nhắc tôi hãy nhớ lại những vụ tham nhũng của những người đội danh Cách mạng trong thời kỳ đất nước đổi mới. Có bao nhiêu người dân đã hiến tiền, hiến vàng, hiến nhà cửa đất đai mà họ có được bằng mồ hôi nước mắt và hiến cả máu xương của họ và của những người thân cho Cách mạng. Và cũng có những cán bộ Cách mạng đã và đang lấy của công để gửi vào tài khoản cá nhân họ, để mua hết nhà này đất khác, để mua sắm những chiếc xe bằng tiền bán hàng trăm con trâu, để chơi bạc cả triệu đô la… Những sự thật ấy đã một phần được đưa ra công luận. và lúc này đây, một cảm giác xấu hổ và bị phản bội xâm chiếm lòng tôi. Chúng ta sẽ phải trả lời trước hương hồn của cụ Vương Thị Lai và hương hồn của hàng triệu người Việt Nam đã hy sinh cho Tổ quốc này như thế nào bây giờ???