Sáng sớm ngày 18/12, các nhà lãnh đạo và bộ trưởng môi trường của gần 30 nước đã đưa ra được một thỏa thuận dự thảo vạch ra phương hướng chống sự biến đổi khí hậu và giúp các nước nghèo đối phó với những tác động của hiện tượng này.
Thỏa thuận dự thảo được đưa ra tại phiên họp kéo dài suốt 3 giờ, kết thúc vào lúc 2 giờ 30 phút sáng 18/12, vài giờ trước khi các nhà lãnh đạo của 130 nước bước vào ngày họp cuối cùng của Hội nghị Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu (COP 15), đang diễn ra tại Copenhagen, Đan Mạch.
Thủ tướng Thụy Điển, nước đang đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU), ông Fredrik Reinfeldt khẳng định các nước đã rất cố gắng để tìm ra một thỏa thuận chính trị khung, trong đó đặc biệt bám vào một số điểm chính để từ đó các nhà lãnh đạo có thể tập trung thảo luận trong cuộc họp cuối cùng.
Ông Reinfeldt thừa nhận đã có cuộc đối thoại mang tính xây dựng mặc dù chưa đạt được kết quả trong tất cả các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu.
Trong một diễn biến khác vượt ngoài dự đoán của nhiều người, chiều 17/12, các đại biểu dự COP 15 đã nhất trí tiến hành hai cuộc họp riêng rẽ về Nghị định thư Kyoto và Kế hoạch hợp tác dài hạn (LCA) theo đề nghị của Nhóm G77 + Trung Quốc để tạo cơ sở tiến hành thêm những cuộc thảo luận cần thiết chuẩn bị cho nội dung dự thảo cuối cùng, dự kiến sẽ trình các nhà lãnh đạo ký vào ngày 18/12.
Chủ tịch hội nghị, Thủ tướng nước chủ nhà Đan Mạch, ông Lars Lokke Rasmussen, công bố quyết định trên sau khi tiến hành những cuộc tham vấn riêng rẽ với các đại biểu từ chiều 16/12 trong nỗ lực tháo gỡ bế tắc cho hội nghị. Quyết định này đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các nước đang phát triển.
Ngoài ra, các đại biểu cũng nhất trí thành lập nhóm công tác chịu trách nhiệm điều hành hai cuộc họp trên và đặt dưới sự điều hành của Bộ trưởng Môi trường Đan Mạch, bà Connie Hedegaard.
Theo kế hoạch, hai cuộc họp trên được tiến hành ngay trong chiều 17/12 theo trình tự yêu cầu của các nước đang phát triển là họp về Nghị định thư Kyoto trước khi tiến hành phiên họp về Kế hoạch hợp tác dài hạn.
Trước đó, các nước đang phát triển cáo buộc các nước phát triển tìm cách “khai tử Nghị định thư Kyoto” bằng cách hợp nhất hai cuộc họp.
Một trong những động thái tích cực khác được coi là mang hy vọng tới Hội nghị Copenhagen là ngày 17/12, Mỹ đề xuất lập quỹ chống biến đổi khí hậu chung trị giá 100 tỷ USD để giúp các nước nghèo thực hiện mục tiêu này.
Các nước đang phát triển cho rằng đây là một "tín hiệu tốt" song vẫn chưa đủ.
Phát biểu với báo giới, ông Lumumba Stanislas Dia-ping người Sudan, đại diện Nhóm G-77 và Trung Quốc - khối của 130 nước nghèo, thừa nhận đây là một tín hiệu tốt song công bằng mà nói thì nó vẫn chưa đủ.
Theo ông, đề xuất của Mỹ là đáng hoan nghênh, song cần phải xem xét lại vì con số 100 tỷ USD là quá khiêm tốn so với mức 400 tỷ USD, mức mà G-77 cho rằng cần phải có mới có thể thực hiện mục tiêu ngắn hạn về chống biến đổi khí hậu.
Cũng theo ông Dia-ping, vấn đề quan trọng khác nữa là ai sẽ quản lý số tiền này.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho biết Washington sẽ đóng góp vào một quỹ trị giá 100 tỷ USD cho đến năm 2020 để giúp các nước nghèo đối phó với biến đổi khí hậu. Con số này đã được kết hợp với dự thảo một quỹ dài hạn mà Liên minh châu Âu (EU) đưa ra./.
>>
- Mỹ áp thuế mới với ống thép Trung Quốc
- Anh: Học sinh tự thiết kế phòng học bằng 3D
- Năm 2010, 85 tỷ USD "đổ" vào bất động sản châu Á - Thái Bình Dương?
- Israel: Phát hiện dấu tích ngôi nhà từ thời Chúa Jesus
- Phát hiện vết tích thành phố Atlantis dưới đáy biển
- COP15: Đan Mạch "tháo ngòi" căng thẳng tại Copenhagen
- “Kim tự tháp phô trương” sẽ mọc lên ở Paris?
- COP15: Đan Mạch nhận định 50/50 cơ hội đạt thỏa thuận
- Trung Quốc khởi công cây cầu biển dài nhất thế giới
- Năm 2015: Thượng Hải có thể chìm trong nước biển