Hội nghị Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu ở Copenhagen, Đan Mạch đang bước vào giai đoạn cuối. Lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ các nước tham gia đã khai mạc Hội nghị cấp cao để chuẩn bị cho phiên họp thông qua thỏa thuận mới vào ngày 18/12 tới.
Nước chủ nhà Đan Mạch nhận định cơ hội đạt được thỏa thuận mới là 50/50, sau khi các nước công khai bày tỏ quan điểm về một thỏa thuận mới thay thế Nghị định thư Kyoto giai đoạn I, nhưng những vấn đề mấu chốt liên quan đến nội dung thỏa thuận vẫn chưa được giải quyết.
Đại diện của 192 quốc gia tham gia các vòng đàm phán theo chương trình của Liên hợp quốc, nhằm tiến tới thỏa thuận chung về việc cùng ngăn chặn sự ấm lên trên toàn cầu. (Ảnh: AFP/Vietnam+)
Theo đại diện Đan Mạch, nước chủ nhà hội nghị, bà Connie Hedegaard, hội nghị có thể thành công, nhưng cũng có thể thất bại ngoài ý muốn của các nước tham gia, đơn giản chỉ vì họ mất quá nhiều thời gian vào việc phô trương thanh thế, nhắc lại lập trường hay những việc làm mang tính nghi thức.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cũng bày tỏ lạc quan về triển vọng đạt thỏa thuận mới, nhưng tỏ ý thất vọng với tiến độ quá chậm chạp trong các phiên đàm phán. Ông kêu gọi tất cả các nước hành động tích cực hơn nhằm mang lại kết quả khả quan cho hội nghị.
Thông báo của Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Mỹ Barack Obama tin tưởng vào thành công của hội nghị. Ông Obama đã xem xét các nỗ lực chống biến đổi khí hậu của Mỹ, nhắc lại cam kết quyết tâm đạt được "thỏa thuận hành động minh bạch" tại hội nghị.
Theo thông báo, ông Obama đã có các cuộc trao đổi về vấn đề này trước khi đến Copenhaghen với những người đồng cấp Anh, Pháp và Đức, những nước đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Nguồn tin giấu tên của Mỹ cho biết Ngoại trưởng nước này Hillary Clinton ngày 17/12 sẽ đến Copenhaghen thảo luận riêng với đoàn Mỹ, trước khi ông Obama có bài phát biểu vào ngày kết thúc hội nghị (18/12).
Sau 10 ngày đàm phán, hội nghị đã gần đi đến thỏa thuận về bảo vệ rừng, bao gồm các mục tiêu giảm nạn phá rừng và lập quỹ bảo tồn rừng. Theo văn bản hội nghị mới nhất mà hãng tin AP có được, chương trình này, mang tên Giảm khí thải do nạn phá rừng và suy thoái gây ra (REDD), sẽ được tài trợ bằng tiền thuế ở các nước giàu hoặc thông qua cơ chế trao đổi hạn ngạch khí thải.
Tuy nhiên, văn bản không đề cập các mục tiêu cắt giảm khí thải dài hạn, cũng như số tiền tài trợ giúp các nước nghèo đối phó với biến đổi khí hậu. Đây là dấu hiệu cho thấy vẫn tồn tại bất đồng giữa các nước phát triển và đang phát triển về 2 vấn đề mấu chốt trong thỏa thuận mới.
Hội nghị thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới truyền thông quốc tế. (Ảnh: AFP/Vietnam+)
Ngoài 2 vấn đề tồn đọng nói trên, hội nghị đang lún sâu vào bế tắc do bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc, hai nước chiếm lượng khí thải lớn nhất thế giới, về vấn đề kiểm chứng các cam kết cắt giảm khí thải của các nước mới nổi.
Theo một nhà ngoại giao châu Á giấu tên có liên hệ chặt chẽ với đoàn Mỹ và Trung Quốc, Trưởng đoàn Mỹ Todd Stern hoan nghênh tuyên bố tháng trước của Bắc Kinh tình nguyện cắt giảm từ 40% đến 45% lượng khí thải của nước này tính theo một đơn vị Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong thập kỷ tới, nhưng đề nghị "cam kết cắt giảm khí thải của Trung Quốc phải được gắn với một hiệp ước quốc tế và phải được các tổ chức quốc tế hữu quan kiểm chứng".
Trong khi đó, một đại diện Trung Quốc khẳng định, Bắc Kinh cam kết cắt giảm khí thải vô điều kiện, nhưng "không muốn đưa vấn đề này ra bàn thảo tại một diễn đàn quốc tế". Quan chức này còn bác bỏ bất kỳ yêu cầu kiểm chứng nào vượt quá những thỏa thuận trước đó, bao gồm việc cho phép Ngân hàng Thế giới kiểm tra các số liệu thống kê về kinh tế của Trung Quốc và cho phép Cơ quan Năng lượng Quốc tế giám sát sản lượng năng lượng của nước này. Đề nghị cắt giảm khí thải của Trung Quốc chủ yếu liên quan đến việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và chuyển sang sử dụng năng lượng sạch hơn.
Phản ứng trước lập trường của Trung Quốc, Thủ tướng nước chủ nhà Lars Lokke Rasmussen hoan nghênh Bắc Kinh đưa ra mục tiêu cắt giảm khí thải tầm quốc gia, nhưng kêu gọi Trung Quốc ký vào một thỏa thuận nhiều tham vọng. Ông Rasmussen nhấn mạnh vấn đề hội nghị cần giải quyết trong những ngày cuối là "chuyển các mục tiêu của từng quốc gia thành tiếng nói chung của quốc tế".
Nhằm phá vỡ bế tắc trong các phiên đàm phán, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon hối thúc các nhà lãnh đạo thế giới đặt lợi ích quốc gia sang một bên để giải quyết thách thức từ biến đổi khí hậu. Chủ tọa hội nghị Hedegaard kêu gọi các nước tôn trọng tinh thần thỏa hiệp.
- Ảnh bên : Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon tham dự và bày tỏ lạc quan về triển vọng đạt thỏa thuận mới. (Ảnh: AP)
Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) Herman Van Rompuy kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới thực hiện những nỗ lực tương tự như EU, hàm ý việc tổ chức này cam kết hỗ trợ 10,6 tỷ USD trong 3 năm tới giúp các nước nghèo đối phó với biến đổi khí hậu, dù các nước nghèo khẳng định vấn đề biến đổi khí hậu không chỉ được giải quyết trong ngắn hạn.
Thủ tướng Anh Gordon Brown cảnh báo thất bại tại Hội nghị Copenhaghen có thể gây ra một thảm họa kinh tế có sức tàn phá tương đương những tác động từ 2 cuộc đại chiến thế giới và cuộc Đại suy thoái kinh tế trong thế kỷ trước gộp lại.
Trong khi đó, bên ngoài trung tâm hội nghị Bella ở Copenhaghen diễn ra một cuộc biểu tình lớn trong ngày khai mạc hội nghị cấp cao nhằm kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hành động tích cực để chấm dứt 15 năm đàm phán thất bại về vấn đề chống biến đổi khí hậu./.
>>
- Israel: Phát hiện dấu tích ngôi nhà từ thời Chúa Jesus
- Phát hiện vết tích thành phố Atlantis dưới đáy biển
- COP15: Cần 400 tỷ USD cho Quỹ chống biến đổi khí hậu
- COP15: Đan Mạch "tháo ngòi" căng thẳng tại Copenhagen
- “Kim tự tháp phô trương” sẽ mọc lên ở Paris?
- Trung Quốc khởi công cây cầu biển dài nhất thế giới
- Năm 2015: Thượng Hải có thể chìm trong nước biển
- Giải mã “bí ẩn đốm nâu” trong mộ Vua Tutankhamun
- Ritz-Carlton Hong Kong: Khách sạn cao nhất thế giới
- Công trình City Palace được xúc tiến theo kế hoạch