Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tin tức Việt Nam Hà Nội duyệt quy hoạch ô đất giãn dân phố cổ

Hà Nội duyệt quy hoạch ô đất giãn dân phố cổ

Viết email In

UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch các ô đất trong khu đô thị mới Việt Hưng, quận Long Biên nhằm phục vụ giãn dân phố cổ quận Hoàn Kiếm.
 
Sau điều chỉnh, quy mô dân số các ô đất là 7.900 dân, tăng 3.159 người so với trước đó.


Cuộc sống thường ngày tại phố cổ
 
Đề án giãn dân phố cổ Hà Nội nghiên cứu và đề xuất những giải pháp thực hiện nhằm giảm mật độ dân cư khu vực phố cổ từ mật độ 823 người/ha năm 2010 xuống còn 500 người/ha vào năm 2020, tương ứng phải di chuyển khoảng 6.550 hộ dân với khoảng  26.200 người.
 
Đề án chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn I (2011-2015), giãn khoảng 1.800 hộ dân sang khu đô thị mới Việt Hưng, trong đó có 780 hộ sống trong các khu đất công cộng, dự kiến sẽ di chuyển ngay từ đầu 2012. Sang năm 2013 di chuyển tiếp 1.020 hộ. Ước tính nhu cầu đất giãn dân cho toàn bộ đề án là hơn 40 ha.
 
Dự kiến năm 2015 hoàn thành giai đoạn I và tiếp tục giai đoạn II (2015-2020). Theo tính toán, nhu cầu giãn dân của khu phố cổ lên trên 26.000 người, tương đương 6.550 hộ dân. Tổng vốn đầu tư giai đoạn I khoảng 4.300 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách hơn 400 tỷ đồng, còn lại là vốn huy động và kêu gọi đầu tư.
 
Trúc Linh (DĐDN)

 

Giãn dân phố cổ: Ai ở, ai đi 

Chủ trương giãn dân phố cổ đã được Hà Nội ấp ủ từ nhiều năm nay, song sau rất nhiều lần các kế hoạch đều chưa được thực hiện. Mới đây các cơ quan chức năng đã đề xuất nhiều cơ chế chính sách đặc thù để thực hiện tốt đề án giãn dân phố cổ, trong đó việc ai đi, ai ở cũng được đề cập cụ thể.

Ở lại khổ, đi cũng khó

Giãn dân phố cổ không chỉ với mục tiêu cải thiện môi trường sống đô thị trong khu vực phố cổ, mà còn tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện việc bảo tồn tôn tạo các di tích và các công trình kiến trúc cổ có giá trị. Tuy nhiên, khi được hỏi về kế hoạch di dời, nhiều hộ dân ở phố cổ cho biết ở thì khổ nhưng đi thì khó. “Qua báo chí, chúng tôi được biết thành phố đang có chủ trương di dân phố cổ sang đô thị Việt Hưng. Dù biết cuộc sống hiện tại chật chội khó khăn, ra đi sẽ nhận được nhiều hỗ trợ của thành phố nhưng nói thật gia đình không mặn mà lắm”- Ông Hoàng Tâm, một người dân ở phố Hàng Thùng nói.

Chính vì dân cư tập trung quá đông, nên bộ mặt của phố cổ hiện nay với vô vàn bức xúc dân sinh. Đáng nói là tuy nhà cửa xuống cấp, dột nát, hệ thống hạ tầng cũ nát, nhưng các hộ dân phía trong lại không được phép cải tạo, sửa chữa. Cuộc sống của nhiều hộ dân ở các tuyến phố cổ đang phải chịu điều kiện sống hết sức khó khăn như, việc chung bếp, chung nhà vệ sinh. Nhiều thế hệ trong gia đình phải sống chung ở những ngôi nhà chật chội, tối tăm.

Nhưng thực tế, vì lợi ích kinh tế khi một quán nước giải khát hay một cửa hàng nhỏ chỉ vài mét vuông có thể nuôi sống cả gia đình nên nhiều người vẫn muốn bám trụ. Cho dù tạo các chính sách điều kiện tốt hơn như đền bù cao, xây dựng các khu mới để di dời nhưng nhiều người dân vẫn không muốn đi vì tính hấp dẫn của phố cổ, từ giá trị kinh tế, đến tinh thần, giá trị truyền thống rất lớn. “Ngoài lo ngại điều kiện sống, chỗ ở mới liệu có đảm bảo như hiện tại không, vấn đề mà chúng tôi quan tâm nhất là việc chuyển đến nơi ở mới sẽ làm gì, kinh doanh gì để mà nuôi sống gia đình. Trong khi thói quen, điều kiện buôn bán ở các phố trung tâm rất dễ dàng thuận lợi. Người dân phố cổ chúng tôi từ lâu làm nghề truyền thống, kinh doanh nhiều năm nay nên thay đổi nghề mới là khó” - Bà Tâm nhà ở phố Thuốc Bắc, tâm sự.

Ai đi, ai ở?

Theo UBND quận Hoàn Kiếm, quận này đang cùng với các cơ quan chuyên môn gấp rút hoàn thiện đề án giãn dân phố cổ để trình thành phố phê duyệt. Nói về đề án này, ông Vũ Văn Viện- Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, đề án giãn dân phố cổ nghiên cứu và đề xuất những giải pháp thực hiện nhằm giảm mật độ dân cư khu vực phố cổ từ mật độ 823 người/ha năm 2010 xuống còn 500 người/ha vào năm 2020 (tương ứng phải di chuyển khoảng 6.550 hộ dân với khoảng 26.200 người).

Tuy nhiên, đề án được chia làm nhiều giai đoạn, trong đó giai đoạn I sẽ di chuyển khoảng 1.800 hộ dân với khoảng 7.200 nhân khẩu. Về nguồn vốn đầu tư cho toàn bộ dự án giai đoạn I khoảng 6.225 tỷ đồng. Trong đó, vốn Nhà nước khoảng 537 tỷ đồng, vốn kêu gọi doanh nghiệp đầu tư khoảng 5.688 tỷ đồng. Cụ thể, trong giai đoạn này, sẽ di chuyển các hộ đang sống trong các di tích, trường học, công sở, số nhà đông hộ và các hộ dân tự nguyện di chuyển sang khu tái định cư. Nói về khu đô thị mà người dân phố cổ sẽ di chuyển tới sinh sống, ông Viện cho biết: “Tại đây sẽ hình thành một khu ở đồng bộ về kỹ thuật, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đảm bảo cuộc sống cho người dân. Đáp ứng đủ quỹ nhà phục vụ giãn dân giai đoạn 1 và đảm bảo có đủ chỗ kinh doanh cho khoảng 39,1% số hộ dân phố cổ đến định cư”.

Ngoài ra, quận Hoàn Kiếm cũng đã đề xuất các cơ chế chính sách đặc thù, chính sách ưu đãi về nhà ở, về giá bán nhà, cơ chế kiểm soát và ngăn ngừa khả năng tăng dân số trở lại, cũng như cơ chế ưu đãi với các nhà đầu tư. Theo đó, về cơ chế chính sách đối với các hộ sẽ di dời dự kiến chia làm ba đối tượng: Thứ nhất là diện thuộc giải phóng bằng, đó là các hộ dân sống trong các di tích (562 hộ), công sở (148 hộ), trường học (39 hộ); Thứ hai, là các hộ thuộc đối tượng vận động giãn dân. Đó là các hộ dân sống trong những ngôi nhà cổ có giá trị đặc biệt cần bảo tồn, các hộ dân sống trong những ngôi nhà xuống cấp, nguy hiểm và nhà đông các hộ mà diện tích bình quân ở dưới 5m2/người; Thứ ba, là các hộ tự nguyện di chuyển, đây là diện đông nhất (khoảng 1.200 hộ/1.800 hộ di chuyển giai đoạn 1). Cơ chế đền bù, hỗ trợ và giá mua nhà cũng như diện tích được mua, được thuê ở khu giãn dân với ba đối tượng này cũng khác nhau. Ngoài ra, có chính sách ưu đãi phân phối diện tích kinh doanh, dịch vụ tại tầng 1 với việc bán hoặc cho thuê.

Trả lời câu hỏi, trường hợp người dân không đồng ý di dời liệu có phải tiến hành cưỡng chế? Lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cho biết, việc giãn dân trên cơ sở vận động, thuyết phục với việc tạo điều kiện cho người dân di chuyển đến nơi ở mới để có cuộc sống tốt hơn, chứ không phải nhằm mục đích lấy đất, nên không cưỡng chế. 

Tú Anh (Tiền Phong

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo