Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tin tức Việt Nam Hà Nội phát triển thời “hậu quy hoạch" ra sao?

Hà Nội phát triển thời “hậu quy hoạch" ra sao?

Viết email In

Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; nhưng tới đây, Hà Nội sẽ phát triển như thế nào với các quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết… và đặc biệt là kết quả của thời “hậu” quy hoạch?

Tất cả những vấn đề trên được bàn thảo và mổ xẻ trong buổi làm việc chiều ngày 20/9, giữa Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo và các sở, ngành của TP với Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam.



Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết: trong giai đoạn 10 năm qua, 2000 – 2010, Hà Nội có sự phát triển vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt trong đó có lĩnh vực kinh tế. GDP của Hà Nội góp phần vào 15% GDP của cả nước, thu nhập ngân sách tăng 20%, thu nội địa chiếm hơn 26% trong cơ cấu nền kinh tế. Trong những năm qua đô thị của Hà Nội cũng đã phát triển rất nhanh với những công trình mang dấu ấn như cầu Vĩnh Tuy, cầu Thanh Trì… Tuy nhiên, trong giai đoạn sắp tới, Hà Nội còn rất nhiều mục tiêu lớn phải thực hiện trong đó TP cũng đã phát triển theo sau sự phát triển kinh tế là phát triển đô thị, đặc biệt là theo định hướng quy hoạch Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt. Sự phát triển đô thị Hà Nội cần sự giúp đỡ của Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam.


KTS Trần Ngọc Chính phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội chiều 20/9/2011

KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - cũng bày tỏ sự quan tâm đến việc phát triển của Hà Nội sau thời “hậu quy hoạch”. Thực hiện quy hoạch, trong vài chục năm tới Hà Nội sẽ: xanh – văn hiến – văn minh – hiện đại như thế nào? Đô thị Hà Nội phải phát triển như thế nào để xứng tầm với Thủ đô của một đất nước anh hùng.

Ngoài ra, KTS Trần Ngọc Chính cũng góp ý, Hà Nội hiện vẫn còn rất bẩn do thi công, cắt đường, xẻ đường không đồng bộ. Chúng ta cần có quy chế, cách làm để giải quyết các vấn đề này. Ông Chính mong Hà Nội quan tâm đến trục Ba Vì - Hồ Tây vì đây là trục không gian rất quan trọng trong đồ án quy hoạch hiện nay (trục cảnh quan, thương mại, văn hóa, khoa học, lịch sử). Bên cạnh đó, trục Nhật Tân - Nội Bài, cũng cần lựa chọn phương án phát triển tốt, vì đây là trục rất quan trọng, cửa ngõ Thủ đô. Hai trục đặc biệt quan trọng cầu Long Biên là một trong những vấn đề mà Hà Nội cần quan tâm nằm trong trục từ cầu Long Biên đến hồ Hoàn Kiếm.

Mặt khác, ông Chính cũng đề nghị, TP quan tâm, làm rõ dự án sông Hồng. Trước đây, TP đã có đồ án chi tiết công bố cho dân xem. Bây giờ Hà Nội đã có quy hoạch chung, nên tất yếu phải điều chỉnh dự án sông Hồng.


Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị VN tặng Chủ tịch UBNDTP Hà Nội trọn bộ Tạp chí Quy hoạch Đô thị

Tại buổi họp, ông Đỗ Đình Đức - Hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc cũng chia sẻ mong muốn Hà Nội tập trung xây dựng nếp sống văn hóa đô thị, mọi người ứng xử tốt hơn, tôn trọng giao thông công cộng… Một đô thị có thể chưa giàu có nhưng có văn minh, văn hóa sẽ phát triển bền vững. “Tôi ao ước ở Hà Nội không có nơi thu vé những người ra vào vệ sinh công cộng, vì Hà Nội sẽ trả lương cho những người này, không đáng bao nhiêu nhưng Thủ đô sẽ văn minh. Các phương tiện công cộng không tuyên truyền cho “nét văn hóa” ở các quán xá ăn uống vỉa hè…” – ông Đức nói.

Bên cạnh đó, GS Hoàng Đạo Kính lại góp ý: Hà Nội có 2 mảng di sản văn hóa, mảng di sản vật chất quản lý rất tốt, nhưng với mảng di sản thứ hai là kiến trúc Pháp…với hàng trăm công trình kiến trúc, các biệt thự cũ nên quản lý thế nào vì không thể xếp hạng vào các công trình văn hóa để bảo tồn. Tuy nhiên, Hà Nội có thể lập quỹ kiến trúc đô thị và thống kê các công trình cần bảo vệ để có nguyên tắc ứng xử riêng.

Tại hội nghị, ông Đào Ngọc Nghiêm – một thành viên của Hội, nguyên là Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội mong sau quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, TP cần tập trung vào 4 vấn đề lớn: đổi mới cách làm quy hoạch và quản lý quy hoạch hiện nay; phải đổi mới phân công, phân cấp, cơ cấu tổ chức quản lý đô thị (Hà Nội phải là đô thị tiên phong); trong 20 – 30 năm nữa, quy hoạch quản lý giữa đô thị và nông thôn của Hà Nội cần phải quan tâm hơn nữa; bản sắc 1000 năm văn hiến Hà Nội và nhiều năm hơn nữa chưa rõ, cần nghiên cứu định hình rõ nét hơn bản sắc Thăng Long – Hà Nội. Ngoài ra ông Nghiêm kiến nghị, nên đặc ra cơ chế để UBND TP Hà Nội và các sở ngành làm việc với các hội để phát huy thêm kinh tế trí thức, chất xám.

PGS.TS Nguyễn Hồng Thục – một thành viên của Hội cũng chia sẻ, với tầm nhìn của Hà Nội muốn thành đô thị sinh thái nên có nhà máy đốt rác thành điện năng. Phía Malaysia áp dụng công nghệ của Đức về đốt rác đã áp dụng thành công, Hà Nội có thể kêu gọi đầu tư. Hơn nữa, Hà Nội khi triển khai đến quy hoạch phân khu, cần lưu ý hình thành mạng lưới trung tâm (trước đây đã không thiết lập nổi khu trung tâm từ các quận, huyện, vùng dân cư). Hà Nội yếu các trung tâm giao tiếp, dân sự (hội hè, hội thảo), các đất công cộng hiện nay đang bị chuyển đổi sang thành các công trình cao tầng, hỗn hợp. Khu Linh Đàm thiết kế cho 30.000 người ở, nhưng có thể tăng thêm 3000 người nữa ở vì diện tích đất công cộng bị biến thành nhà ở hỗn hợp.



Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Đăng Nam – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn nhà và phát triển đô thị (HUD) - đề nghị TP giao cho Tập đoàn triển khai 2 khu vệ tinh là Phú Xuyên và Sóc Sơn để phát triển khu dân cư, đô thị; Tập đoàn sẽ tập trung đầu tư hạ tầng chính, hạ tầng khung 2 khu vệ tinh trên. Bên cạnh đó với dự án Vân Canh giai đoạn 2, cần TP sớm có quy hoạch phân khu sau quy hoạch chung Thủ đô để Tập đoàn tiếp tục triển khai dự án.

Ông Nghiêm Sỹ Minh - Tổng giám đốc Tổng Cty Xây dựng Hà Nội cũng cho biết: Để tránh quy hoạch treo, TP phải chia quy hoạch ra thành những kế hoạch hàng năm, 5 năm và dài hơi hơn. Bên cạnh đó, về môi trường sống, bảo tồn, quản lý đô thị cần được quan tâm ngay. Hơn nữa, sau một thời gian dài kinh tế phát triển, xảy ra khủng hoảng kinh tế, người ta nhận thấy những vấn đề đô thị phát sinh, có khu đô thị không kết nối được hạ tầng xã hội (như ở Hà Nội khu Quang Minh trên đường ra sân bay Nội Bài bị bỏ hoang rất nhiều). Do đó, trong lĩnh vực đầu tư TP ưu tiên phát triển hạ tầng, kỹ thuật xã hội.

Sau khi nghe ý kiến đóng góp của các đại biểu, phát biểu kết luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo chân thành nói: “Mong các anh các chị với kinh nghiệm và trí tuệ đóng góp thêm nhiều ý kiến cho sự phát triển của Hà Nội. Với tư cách là Chủ tịch UBND TP Hà Nội tôi trực tiếp tiếp thu”.

Bên cạnh đó, Chủ tịch cũng cho biết, TP đang rất quan tâm tổ chức thực hiện quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, nên rất mong các chuyên gia, kiến trúc sư của Hội đóng góp bằng tâm huyết, trí tuệ để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trước hết, TP sẽ phải xây dựng các quy hoạch phân khu, quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch chi tiết trên cơ sở quy hoạch chung. Đây là khối lượng công việc rất lớn và mang tính cấp bách. Do đó, sự giúp đỡ của Hội là cực kỳ cần thiết. TP cũng nhận thức rằng, phải tăng cường đổi mới công tác quy hoạch, trong đó trước hết phải là đổi mới tư duy. Hiện nay, tư duy làm quy hoạch rất lạc hậu, máy móc, nên đô thị cũng hạn chế. Tới đây, TP sẽ nghiên cứu sâu về vấn đề đổi mới tư duy, nghiên cứu sâu để giải quyết các vấn đề đô thị, ứng xử thực tế để thực hiện đúng quy hoạch chung.

Mặt khác, Chủ tịch cũng chia sẻ việc thực hiện bài toán đô thị của Hà Nội rất khó khăn, như xây dựng lại khu Nguyễn Công Trứ bảo đảm tái định cư tại chỗ cho 9000 người dân; xây dựng mới nhưng vẫn bảo đảm cấu trúc đô thị là vấn đề khó khăn. TP đã tổ chức 18 cuộc họp để bàn giải pháp nhưng hiện vẫn chưa ra được lời giải với khu Nguyễn Công Trứ. Để xây dựng bảo đảm quy hoạch, kiến trúc khu này, TP phải hỗ trợ thêm 1.800 tỷ đồng, đủ để xây một khu đô thị mới, nên khó có thể thực hiện được. Hay như, quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội có định hướng rất hay là đô thị đặc trưng, xanh-văn hiến, văn minh, hiện đại… nhưng thể hiện cụ thể như thế nào thì cần nghiên cứu chuyên sâu.

Chủ tịch cũng nhấn mạnh: Để thực hiện tốt quy hoạch chung Hà Nội, cơ chế phối hợp để TP và các Hội trong đó có Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cần phải hiệu quả để giúp thêm cho TP lời giải với các vấn đề quy hoạch, kiến trúc, quản lý quy hoạch đa hệ hiện còn nhiều vấn đề vướng mắc, khó khăn cần giải quyết.

Lan Hương

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo