Ashui.com

Saturday
Apr 20th
Home Tương tác Góc nhìn Đô thị hóa đất đai & thành thị hóa dân cư

Đô thị hóa đất đai & thành thị hóa dân cư

Viết email In

Trong công cuộc đô thị hoá, hiện đại hoá, thành thị hoá, có 2 cục diện rất bản chất, diễn ra xuyên suốt và song song, nhưng cũng hàm chứa mâu thuẫn và thách thức, đó là : đô thị hoá đất đai và thành thị hoá dân cư.

Các nhà quy hoạch của ta và nước ngoài hoạch định: đến năm 2030, đất đô thị Hà Nội sẽ là 880km2, trên tổng diện tích 3340km2. Cho đến 1/8/2008, Hà Nội cũ chỉ có trên dưới 100km2 đô thị hoá, bằng 1/9 lãnh thổ. Sau mở rộng địa giới hành chính, tỷ lệ ấy là 1/33. Ấy thế mà đến 2030, tỷ lệ đô thị hoá sẽ là 1/4. Ai đó phân vân: ngàn năm vun đắp và hơn một trăm năm đô thị hoá theo khái niệm hiện đại, Hà Nội mới chỉ đô thị hoá 100km2, nay chỉ cần 20 năm đã có 880km2, tăng thêm 8 lần. Ai đó e ngại, sự chiếm dụng đất đai nhanh và gấp như vậy sẽ dẫn đến những lãng phí tài nguyên đất, huỷ hoại môi trường tự nhiên, nạn xây dựng đô thị nham nhở, khó bề tạo dựng một đô thị phát triển bền vững và thực sự hiện đại.

Về thành thị hoá dân cư, xin dẫn vài dữ liệu: năm 1954, số người nội thành là 400.000, người ngoại thành 130.000. Năm 2002, người nội thành 2.875.000, người ngoại thành 1.339.000. Năm 2008, sau mở rộng địa giới hành chính, người nội thành 2.474.000, người ngoại thành 3.684.600. Dễ dàng nhận ra, tỉ lệ dân cư ngoại thành so với dân cư nội thành ngày càng lớn, trước 1/8/2008 là 46%, nay 149%. Thành thị hoá dân cư đặt ra những vấn đề nan giải gấp bội, so với việc mở rộng địa giới và đô thị hoá đất đai. Mọi cấu trúc quần cư chỉ trở thành thành phố đích thực, có sức hút và sức toả, tính tiêu biểu, sức cạnh tranh và có thương hiệu, khi dân cư đã thành thị hoá và tạo lập cho thành phố mình những giá trị và đặc trưng văn hoá.

Trong phát triển thủ đô hơn nửa thế kỉ qua đã có những biến động lớn về dân cư. Năm 1954, sau giải phóng, hàng vạn bộ đội – nông dân và cán bộ chuyển về Hà Nội, hàng vạn người Hà Nội gốc di cư hoặc xây dựng các vùng kinh tế mới. Một mặt, dân cư Hà Thành đổi máu và tiếp thu đời sống mới. Mặt khác, yếu tố thành thị và văn hoá thành thị đặc trưng bị vơi hụt đi. Thêm vào đó, hàng chục thôn làng hoà nhập vào cơ thể nội thị, xoá mờ những giới hạn mỏng manh giữa thành thị và thôn quê.

Sau mở rộng địa giới, về phương diện thành thị hoá dân cư, hình thành chuỗi: dân cư nội thành - dân cư ngoại thành- dân cư nông thôn. Trong đó, dân cư nội thành chưa đạt độ thành thị hoá cao. Dân cư ngoại thành trong quá độ thành thị hoá. Dân cư nông thôn chắc phải có thời gian dài để trở thành người thành phố. Mở rộng lãnh thổ, mở rộng địa hạt đô thị hoá, ở mức độ nào đó, tỉ lệ nghịch với thành thị hoá dân cư, kéo dài thời kỳ quá độ của công cuộc hiện đại hoá thủ đô.

1000 năm trước, đức vua Lý Thái Tổ hạ chiếu dời đô, đứng trước nhiều tham vong và những trăn trở. 1000 năm sau, thế hệ chúng ta quyết chí xây dựng thủ đô rộng lớn và đồ sộ gấp trăm lần. Tham vọng và trăn trở tăng lên gấp bội phần.

Hà Nội, đi vào thiên nhiên kỷ thứ hai, cần tầm nhìn và tư duy thực tế!

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính

>> GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính: Nhìn về Hà Nội năm 2050 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo