Vào hồi 17 giờ chiều 29/11 (0 giờ sáng 30/11 giờ Việt Nam), Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) đã bắt đầu khai mạc tại thủ đô Paris của Pháp. Hội nghị COP21 thu hút sự tham gia của 1.300 đại biểu, trong đó có 150 nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ các quốc gia và lãnh đạo các tổ chức quốc tế đại diện cho 196 thành viên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu.
Khu trung tâm Hội nghị COP21 ở Le Bourget, thủ đô Paris ngày 29/11. (Ảnh: cop21.gouv.fr)
Trước khi tham dự Hội nghị COP21, Việt Nam là một trong 150 nước đã chủ động đưa ra mức cam kết quốc gia để cùng cộng đồng quốc tế nỗ lực giảm phát thải nhà kính nhằm đảm bảo mục tiêu giữ nhiệt độ trái đất vào năm 2100 tăng không quá 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. |
Hội nghị đã dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ những nạn nhân trong các vụ tấn công khủng bố ở Paris hôm 13/11 vừa qua. Tiếp đó, các cuộc thảo luận đã bắt đầu với bài phát biểu của Bộ trưởng Môi trường Peru Manuel Pulgar-Vidal, người điều hành các phiên thảo luận của hội nghị hồi năm 2014, trong đó nhấn mạnh rằng một thỏa thuận về khí hậu là phương thức tốt nhất để vượt qua nỗi kinh hoàng sau các vụ tấn công khủng bố vừa qua.
Còn Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, Chủ tịch của hội nghị COP21, cho rằng mục tiêu của hội nghị là nhằm đạt được một thỏa thuận đầy tham vọng mà tất cả các quốc gia đều nhất trí.
Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cũng nhấn mạnh thông điệp "Thành công tại COP21 Paris phụ thuộc vào các nhà lãnh đạo của các quốc gia thế giới...Người dân trên thế giới và các thế hệ sau này trông chờ vào tầm nhìn và lòng dũng cảm của các nhà lãnh đạo trên thế giới trong việc nắm lấy thời cơ lịch sử này".
Mục tiêu chính của COP 21 là thông qua một khuôn khổ pháp lý toàn cầu mới về biến đổi khí hậu cho giai đoạn sau năm 2020, gọi là Thỏa thuận Paris 2015 với sự cam kết của các nước cắt giảm lượng khí thải nhằm hạn chế tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức dưới 2 độ C vào cuối thế kỷ XXI so với thời kỳ tiền công nghiệp 1850-1990. Nếu Thỏa thuận Paris 2015 được thông qua, đây sẽ là lần đầu tiên trong suốt hơn 20 năm đàm phán về khí hậu trong khuôn khổ LHQ, cộng đồng quốc tế mới đạt được một thỏa thuận mang tính ràng buộc với sự tham gia của tất cả các quốc gia thải lượng khí gây hiệu ứng nhà kính lớn, kể cả các nước phát triển và đang phát triển. Nếu các nước không nỗ lực cắt giảm phát thải thì nhiệt độ Trái Đất có thể tăng lên 4,8 độ C vào cuối thế kỷ này và đây sẽ làm thảm họa đối với nhân loại, nhất là mức nước biển có thể dâng cao đến 2 mét, nhấn chìm nhiều quốc gia đảo nhỏ và các vùng cửa sông, ven biển và đồng bằng trù phú trên trái đất, trong đó Việt Nam là một trong những nước dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu.
Theo chương trình Hội nghị COP21, cùng với các bài phát biểu của Tổng thống Mỹ, Tổng thống Nga, Chủ tịch Trung Quốc, Thủ tướng các nước như Anh, Ấn Độ, Đức, Nhật Bản… vào đêm nay theo giờ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có bài phát biểu quan trọng tại phiên họp cấp cao của COP21, khẳng định với thế giới cam kết chính trị mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam đã, đang và tiếp tục chủ động, có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế chung tay nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu bằng những hành động cụ thể cả ở tầm quốc gia và quốc tế.
(TTXVN / Báo Tin Tức)
- Công bố kết quả Ashui Awards 2015
- 10 sự kiện nổi bật ngành Xây dựng, Quy hoạch, Kiến trúc Việt Nam năm 2015
- Lễ trao Giải thưởng Loa Thành 2015
- Triển lãm "Think Global, Build Social! Xây dựng vì một thế giới tốt đẹp hơn"
- Tọa đàm “Mô hình nào cho nhà ở xã hội tại đô thị?”
- Hội thảo "Công trình xanh và mặt đứng tiết kiệm năng lượng"
- Hội chợ đồ gỗ và trang trí nội thất Việt Nam - VIFA Home 2015
- Giải thưởng FuturArc Prize 2016 và FuturArc Green Leadership Award 2016
- Triển lãm Vietbuild Hà Nội 2015 lần thứ II
- Hội thảo khoa học "Quản lý Quy hoạch - Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh"