Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tin tức Sự kiện Giới thiệu sách ảnh “Đà Nẵng: Thành phố BIỂN" (Đà Nẵng: COASTAL City) của Michael Waibel

Giới thiệu sách ảnh “Đà Nẵng: Thành phố BIỂN" (Đà Nẵng: COASTAL City) của Michael Waibel

Viết email In

Trải nghiệm những khía cạnh khác nhau chưa từng được giới thiệu của Đà Nẵng, Hội An và Huế với cuốn sách ảnh mới: “Đà Nẵng: Thành phố BIỂN“ của TS Michael Waibel.

Thành công của Đà Nẵng chính là câu chuyện phát triển một làng chài thành một thành phố sinh thái. Với hơn 600 bức ảnh, cuốn sách ảnh „Đà Nẵng: Thành phố BIỂN“ (Đà Nẵng: COASTAL City) của Michael Waibel minh họa những góc nhìn đa dạng về sự phát triển gần đây nhất của Đà Nẵng – từ những bức ảnh toàn cảnh tới khắc họa chân dung của cư dân. Thêm nữa là cuốn sách còn tập hợp những bài viết cảm tưởng của cư dân của Đà Nẵng, Hội An và Huế về thành phố yêu quý của mình. Cuốn sách ra đời là kết quả nghiên cứu khoa học nhiều năm tại Việt Nam của tác giả được sự hỗ trợ của Bộ Giáo dục và nghiên cứu Đức (BMBF) trong khuôn khổ sáng kiến „Nghiên cứu vì sự phát triển bền vững của các đại đô thị trong tương lai“ cũng như trên cơ sở kết quả nhiều hội thảo hợp tác cùng Viện Goethe.

Giới thiệu sách, trao đổi cùng chuyên gia: 

  • Thứ hai, 28/03/2016, 19 giờ tại Thư viện thành phố Đà Nẵng, 46 Bạch Đằng 
  • Thứ ba, 29/03/2016, 19 giờ tại Viện Goethe Hà Nội, 56-58 Nguyễn Thái Học, Hà Nội 

Chủ biên, TS. Michael Waibel nghiên cứu, giảng dạy và phụ trách nhiều dự án về phát triển đô thị tại Viện nghiên cứu Địa lý của Trường Đại học Hamburg. Năm 2014 ông đã cùng Henning Hilbert, giảng viên trường Đại học Việt –Đức (VGU) xuất bản cuốn sách ảnh “TP. Hồ Chí Minh: MEGA City“. Năm 2015 ông xuất bản tiếp cuốn thứ hai về Hà Nội: “Hà Nội: CAPITAL City”. Tháng 9 năm 2015, cuốn sách này đã được trao giải thưởng „Bùi xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội“ trong hạng mục „Tác phẩm hay nhất“. 

Với cuốn sách ảnh khổ lớn, đầy ấn tượng về Đà Nẵng bằng ba thứ tiếng (Đức, Anh và Việt), bộ ba cuốn về ba thành phố lớn của Việt Nam đã hoàn thành. 

Trong buổi giới thiệu sách, chủ biên, TS. Michael Waibel sẽ giới thiệu về cuốn sách ảnh “Đà Nẵng: Thành phố BIỂN“ và về ý tưởng làm sách. Thạc sỹ Cao Giang Nam, Giảng viên khoa Kiến trúc, Đại học Kiến trúc Đà Nẵng sẽ có báo cáo tham luận về những thách thức đối với công tác phát triển đô thị xanh tại Đà Nẵng. 

Cuốn sách được xuất bản với sự tài trợ độc quyền của AUDI Việt Nam và hợp tác cùng Viện Goethe Việt Nam.

Tại buổi giới thiệu sách, các bạn có thể mua cuốn sách ảnh “Đà Nẵng: Thành phố BIỂN“ với giá giảm đặc biệt là 700.000 VND. Bắt đầu từ tháng 4, cuốn sách được bán tại các hiệu sách với giá 900.000 VND và có thể mua được online trên mạng Amazon.com. Bạn có thể đăng kí mua ấn bản giảm giá trực tiếp với tác giả. 

Waibel, M. (ed.) (2016) Đà Nẵng: COASTAL City. Sách ảnh / Fotobuch / Photo Book. 1st edition. Book series PAZIFIK FORUM of the Association of Pacific Studies; Volume 16, Fine Art Publishing House, Hanoi / Vietnam, 304 pages. ISBN 978-604-78-4045-8.

Liên hệ:
Trần Thị Hòa Bình
Tel: (84 4) 3734 22 51/52/53 (Ext. 35)
Mobile: (84) 904 339 233
Email: Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó.
www.goethe.de/vietnam

Thông tin thêm: 

LỜI NÓI ĐẦU

MICHAEL WAIBEL

Với sự hợp tác của Viện Goethe Việt Nam, ấn phẩm này nhằm mục đích ghi nhận lại một cách trực quan những thay đổi đô thị gần đây của thành phố biển Đà Nẵng, một trung tâm kinh tế năng động nhất của miền Trung Việt Nam. Tác phẩm này cũng đem đến các góc nhìn khác nhau về những di sản văn hóa phong phú được khám phá ở các khu vực lân cận như Hội An, Huế, Ngũ Hành Sơn và Mỹ Sơn. Nội dung và hình thức của cuốn sách này được xây dựng dựa trên thành công của hai cuốn sách ảnh “Siêu đô thị Thành phố Hồ Chí Minh” (2014) và “Thành phố Thủ đô Hà Nội” (2015).

Qua năm chương sách, chúng tôi tiếp cận thành phố từ nhiều góc độ về những chủ đề khác nhau. Chương đầu tiên, chúng tôi cho bạn cái nhìn ngoạn mục từ trên cao xuống; ở một chương khác chúng tôi giới thiệu với bạn một số công dân thành phố Đà Nẵng, Hội An và Huế, cho bạn biết về môi trường sống riêng tư của họ, cũng như chia sẻ đôi nét cụ thể về cuộc sống của họ. Chương “Thay đổi theo Thời gian” minh họa những chuyển mình lớn lao của thành phố 25 năm qua. Với trên 600 hình ảnh, các bạn sẽ được khám phá nhiều góc cạnh khác nhau của toàn bộ miền Trung Việt Nam. Ngoài các hình ảnh minh họa trực quan, ấn phẩm này còn đăng một số bài tiểu luận của cư dân địa phương.

Tôi xin gửi lời cám ơn chân thành đến tất cả những người đã đóng góp hình ảnh, các bài tiểu luận, cũng như các dịch giả và các biên tập viên đã dành thời gian và công sức của họ cho ấn phẩm này. Tôi đặc biệt bày tỏ lòng biết ơn tới Thomas Weingärtner và Robert Kramreiter từ Hội An. Cả hai đều là nguồn thông tin vô giá, họ cho chúng tôi quyền truy cập vào mạng cá nhân của họ và đóng góp nhiều hình ảnh. Tôi cũng dành riêng lời cám ơn sâu sắc nhất tới Astrid Schulz, một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp từ London. Mùa hè năm 2015, với hơn năm tuần ở Việt Nam cô đã tạo nên những tác phẩm chân dung con người độc đáo. Đó là lần thứ ba Astrid làm điều này mà không đòi hỏi bất kỳ thù lao nào. Và cuối cùng tôi xin được cảm ơn Viện Goethe và AUDI Việt Nam vì đã hào phóng hỗ trợ cho sự phát triển thành công của ấn phẩm này.

NHÌN TỪ TRÊN CAO

Những năm gần đây, ngày càng có nhiều tòa nhà cao tầng mọc lên như nấm tại thành phố biển Đà Nẵng, góp phần điểm tô cho chân trời mới nổi nay. Tuy nhiên số lượng vẫn còn hạn chế so với các thành phố khác như thành phố Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội. Ở Hội An hay Huế hầu như chẳng nhìn thấy bất kỳ tòa nhà cao tầng nào. Đó là lý do tại sao phần lớn các bức ảnh trưng bày trong chương này được thực hiện bởi máy quay trên máy bay không người lái.

Những bức ảnh nhìn từ trên không về cảnh quan đô thị Đà Nẵng thực sự cho thấy rằng phần lớn không gian đô thị vẫn còn là một mê cung dường như vô tận của các tòa nhà thấp tầng. Tuy nhiên, vẫn có một vài địa điểm mang tính biểu tượng, nổi bật nhất trong số đó là Cầu Rồng và tòa nhà trung tâm hành chính thành phố. Vào ban đêm tất cả các cây cầu và các tòa nhà chính được chiếu sáng, biến Đà Nẵng thành một “thành phố của ánh sáng”.

Một điểm nhấn khác của thành phố Đà Nẵng chắc chắn là bức tượng Phật cao nhất Việt Nam. Đứng trên bán đảo Sơn Trà là bức tượng phật Quan Thế Âm Bồ Tát cao 67 mét, đường kính 17 mét và cao 17 tầng.

Nhiều hình ảnh từ trên cao cho thấy vẻ quyến rũ tự nhiên của dãy núi Ngũ Hành Sơn, một mốc địa hình tuyệt đẹp nằm ở phía nam của thành phố Đà Nẵng, và khu Bà Nà Hills thời thuộc Pháp ở độ cao 1000 mét trên mực nước biển duyên dáng nép mình sâu trong dãy núi cách phía tây Đà Nẵng khoảng 40km. Toàn bộ khu vực này đã được biến đổi thành một công viên giải trí và một điểm du lịch lớn những năm gần đây.

Những hình ảnh về Hội An mở ra vẻ đẹp vốn có của khu phố cổ. Thật là tuyệt vời khi được thấy vẻ đẹp đồng nhất của màu ngói đỏ và các tòa nhà cổ nói chung. Những hình ảnh này cũng cho thấy những nỗ lực thành công của các cơ quan quy hoạch đô thị trong việc bảo tồn tính độc đáo của di sản thế giới của UNESCO này. Ngoài ra, bạn có thể quan sát thấy các quy định về quy hoạch đô thị đang được áp dụng tại các khu vực tiếp giáp với phố cổ. Ví dụ, tại đảo sông An Hội bạn có thể thấy sự đồng nhất một loại mái nhà cũng như cấu trúc tòa nhà. Điều này chỉ ra rằng các lợi ích kinh tế từ du lịch có thể góp phần bảo tồn đô thị.

Những bức ảnh về Huế cho thấy cách bố trí tự nhiên ấn tượng của Hoàng thành và Cung điện Hoàng gia. Nhìn vào những tấm ảnh bạn vẫn có thể nhận ra phong cách kiến trúc của kỹ sư quân sự và pháo đài người Pháp Vauban. Những bức ảnh cũng cho thấy Huế là một thành phố xanh. Thành phố xanh là một đặc điểm độc đáo của Việt Nam, cần được bảo tồn bằng mọi cách. Những hình ảnh khác của Huế chỉ ra vẻ đẹp kiến trúc tôn giáo của Huế, ví dụ như chùa Thiên Mụ nổi tiếng với Tháp Phước Duyên cao bảy tầng hoặc nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp có lối kiến trúc hiển thị một sự kết hợp ảnh hưởng của châu Âu và châu Á.

MICHAEL WAIBEL

THAY ĐỔI QUA THỜI GIAN

Thành phố biển Đà Nẵng đã trải qua những thay đổi lớn lao trong 25 năm qua, từ một trạm trung chuyển trở thành một điểm đến của sự phát triển năng động vì lợi ích của chính thành phố này.

Những hình ảnh trong chương này không chỉ cho thấy sự phát triển hiện đại với số lượng ngày càng tăng của các tòa nhà cao tầng mới được xây dựng, mà còn cho thấy sự hiện đại hóa của các tòa nhà đã có. Một đặc trưng khác của phát triển đô thị gần đây là việc mở rộng không gian đô thị rộng lớn ra ngoại vi thành phố, mặc dù có đến nửa trong số nhiều khu đô thị mới xây dựng vẫn trống vắng người đến ở. Mật độ ngày càng tăng của các cấu trúc dân cư đô thị có thể được nhìn thấy hầu hết mọi nơi, ví dụ như tại vùng núi Ngũ Hành Sơn hoặc dọc theo dải bãi biển giữa Đà Nẵng và Hội An, nơi mà rất nhiều khách sạn mới được xây dựng. Đặc điểm nổi bật nhất của phát triển đô thị trong những năm gần đây hiển nhiên là sự phát triển của khu vực giữa sông Hàn và biển. Điều này đi cùng với việc xây dựng một số cầu hiện đại - trong đó có cầu Rồng. Cầu Rồng có thể đã trở thành một cột mốc mang tính biểu tượng nhất của thành phố Đà Nẵng, bên cạnh Tòa thị chính với hình dạng tròn vượt trội của mình và bức tượng Phật cao nhất Việt Nam trên bán đảo Sơn Trà.

Một chính sách phát triển đô thị đón đầu đã nâng cao đáng kể chất lượng cuộc sống cho đại đa số cư dân của thành phố biển này. Hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường thấp hơn đáng kể so với Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh. Đà Nẵng trở thành thành phố đứng đầu Việt Nam về quản l môi trường. Ùn tắc giao thông ít xảy ra vì thành phố đã sở hữu một cơ sở hạ tầng giao thông vận tải tuyệt vời với nhiều cây cầu mới xây và những đại lộ rộng rãi. Mỗi người dân Đà Nẵng hiện nay có hơn 6 mét vuông không gian xanh, hơn hẳn so với các thành phố khác của Việt Nam. Thành phố thường xuyên đứng đầu về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam (PCI). Hãng tin tài chính Bloomberg gần đây đã vẽ một bức tranh rất lạc quan về Đà Nẵng, thậm chí còn gọi thành phố này là Singapore của Việt Nam. Tóm lại, Đà Nẵng đã phát triển thành một thành phố rất đáng sống, hấp dẫn cho cả cư dân và khách du lịch.

Ngược lại, sự phát triển của Hội An dường như kém năng động nếu mới thoạt nhìn. Nhưng nhìn kỹ hơn một chút, Hội An cũng đã chuyển mình nhanh chóng. Điều này chủ yếu là do du lịch đang bùng nổ. Phố cổ Hội An được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản thế giới, đã trở thành một bảo tàng sống; các nhà ở của cư dân trước kia được bảo quản tốt đã chuyển đổi thành các cửa hàng và nhà hàng ăn uống hiện nay chỉ phục vụ cho nhu cầu của khách du lịch. Ở các khu vực bên ngoài phố cổ, rất nhiều công trình mới cũng như các khu dân cư dầy đặc đang được xây dựng.

MICHAEL WAIBEL

KIẾN TRÚC VÀ NHÀ CỬA

Cảnh quan đô thị của thành phố Đà Nẵng và các khu định cư xung quanh vẫn chủ yếu là các tòa nhà thấp tầng. Ở Việt Nam, loại nhà ở phổ biến nhất là nhà ống, thường được xây trên một mảnh đất bốn góc có hai hoặc năm tầng. Các cạnh hẹp hơn được hướng về phía đường phố và thường chỉ dài từ 3-5 mét. Ngược lại, chiều từ mặt trước về phía sau nhà có thể dài đến 15-25 mét. Nói chung, hai đến ba thế hệ của một gia đình sống trong những căn nhà như vậy. Rất nhiều nhà mở một cửa hàng bán lẻ ở tầng trệt. Tuy nhiên thành phố Đà Nẵng cũng có một số tòa nhà đẹp mang tính biểu tượng.

Đáng chú nhất là “Trung tâm Hành chính thành phố Đà Nẵng”, nơi làm việc của Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng, hay còn gọi là hội trường thành phố, và là tòa nhà cao nhất thành phố. Tòa nhà này cao gần 167 mét và có 34 tầng mới được khánh thành vào năm 2014, nhưng ngay lập tức đã trở thành một phần thiết yếu của bản sắc đô thị Đà Nẵng. Với phong cách của tương lai, tòa nhà có lẽ là bước ngoặt mang tính biểu tượng nhất của nền trời Đà Nẵng. Đó là l do tại sao chúng tôi đã chọn nó cho trang bìa của ấn phẩm này.

Dài 666 mét với sáu làn đường, Cầu Rồng bắc qua sông Hàn được thiết kế và xây dựng theo hình dáng của một con rồng. Nó nối liền thành phố với vùng bờ biển phía đông gần đó. Cây cầu có thể phun lửa hoặc phun nước, thường thì vào những ngày cuối tuần hoặc những dịp đặc biệt. Cầu Rồng được thông xe vào ngày 29 tháng 3 năm 2013, kỷ niệm lần thứ 38 ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng. So sánh với Trung tâm Hành chính thành phố Đà Nẵng, Cầu Rồng (cùng với các cây cầu mới khác) trở thành biểu tượng quan trọng của một Đà Nẵng hiện đại.

Một đặc điểm quan trọng trong chính sách đô thị Đà Nẵng là sự mở rộng không gian đô thị về phía biển. Một phần của điều này là sự phát triển của một đại lộ với hàng cây cọ dọc theo dải bờ biển Đà Nẵng tại Sơn Trà, quận Khuê Mỹ và xa hơn về phía Hội An. Ocean Drive nổi tiếng ở bãi biển Miami có thể coi như là một hình mẫu cho đại lộ này. Tuy nhiên, sự phát triển của các tòa nhà cao tầng dọc theo đại lộ còn cần rất nhiều thời gian để hoàn thành.

Cuối cùng, chương này giới thiệu một số công trình được đề cử cho giải thưởng Ashui 2015 Công trình của Năm. Trong số đó có công trình gọi là Nhà Mối, một cấu trúc gạch đỏ hấp dẫn với thiết kế tối giản từ các văn phòng kiến trúc không gian nhiệt đới; Nhà Cộng Đồng Cam Thanh nằm ở vùng nông thôn ngoại vi Hội An, được thiết kế bởi nhóm Kiến trúc sư 1 + 1> 2, và công trình giành giải thưởng Ashui 2015 Spa Tinh Khiết tại khu nghỉ dưỡng Naman Retreat Đà Nẵng do công ty MIA Design Studio thiết kế bao gồm việc bố trí các cây xanh một cách nghệ thuật vào trong thiết kế tòa nhà.

MICHAEL WAIBEL

DÂN CƯ TRONG ĐÔ THỊ

Các thành phố ven biển miền trung Việt Nam ở khá gần nhau, nhưng lại lại rất khác nhau. Có một Đà Nẵng với kiểu kiến trúc mới tráng lệ và những đại lộ thênh thang; nhưng chủ yếu vẫn trống vắng vì hầu hết những lô đất đã bán cho các chủ đầu tư. Rồi đến Hội An, tôi thấy một sự tương phản đáng ngạc nhiên giữa đổi mới sáng tạo và các nghi lễ cổ xưa. Nơi đây có lẽ còn là trung tâm mua sắm du lịch lớn nhất của Việt Nam. Và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là cố đô Huế, nơi toàn là các thành lũy nhưng vẫn giữ được truyền thống văn hóa và nghệ thuật - và những món ăn thật là ngon.

Câu hỏi đặt ra là - điều này ảnh hưởng thế nào tới người dân nơi đây? Họ cũng khác đi chứ? Tôi đã đi và khám phá hiện thực cuộc sống. Tôi đã tới thăm phòng khách của họ, nơi làm việc và cả sân vườn của họ. Nhưng trước hết tôi phải tìm ra bản thân những con người này. Tôi đã viết email cho những người lạ, gửi yêu cầu trên các trang web truyền thông xã hội và rất ngạc nhiên về số lượng trả lời tích cực. Một số người thậm chí giới thiệu bạn bè của họ và các thành viên gia đình họ và bỗng nhiên cuốn nhật k của tôi đã rất đầy đủ. Nó giống như một phép lạ; Tôi có ấn tượng rằng họ tự hào đại diện cho các thành phố của họ, và với sự chỉ dẫn của họ, tôi đã học được nhiều điều bất ngờ.

Cả ba thành phố đều có rất nhiều cư dân trẻ và hiện đại; họ nói nhiều ngôn ngữ và thực sự quan tâm đến việc thực hành tiếng Anh. Tôi được đưa đến một đám cưới, gặp một nhóm các nhà hoạt động môi trường. Tôi cũng được đưa đến xem việc đúc một bức tượng Đức Phật và thăm một nhà máy sản xuất mì ăn liền từ lúc 4 giờ sáng. Tôi đã nhận được nhiều cơ hội tuyệt vời đi du lịch thành phố và lái xe máy vào các làng mạc xung quanh. Tôi cũng đã gặp một số người lớn tuổi nói với tôi về tác động của cuộc chiến tranh chống Mỹ.

Điều đọng lại trong tôi là những khác biệt về văn hóa và truyền thống. Nhìn chung Việt Nam đang cố gắng gìn giữ giá trị truyền thống, nhưng nhiều người lại đang phá vỡ những giá trị này. Đà Nẵng là nơi cởi mở nhất, có lẽ vì sự thúc đẩy hiện tại của quá trình đô thị hóa, phát triển du lịch, và sự nhập cư đột ngột của dòng người đến từ trong nước cũng như ngoài nước. Thành phố đang phát triển nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác và đã trở thành một điểm nóng chảy. Ở Huế, hiện tượng văn hóa như ‘nhà tinh thần’, Khổng giáo và sự hiện diện của một bàn thờ tổ tiên ở trung tâm của ngôi nhà vẫn hiện hành rất rõ. Hội An đã làm tôi bất ngờ bởi đồng thời vừa mang vẻ truyền thống lại vừa mang vẻ mê tín dị đoan, nhưng cũng đã thu hút nhiều cá nhân sáng tạo, những doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ hoặc các cơ sở thực phẩm hữu cơ.

Tại cả ba thành phố, tôi thấy những người trẻ tuổi đang phải vật lộn với gánh nặng truyền thống. Họ trau dồi học vấn cao hơn bao giờ hết, họ phấn đấu để tiến về phía trước. Họ muốn nắm được vận mệnh của mình. Thật là đáng kinh ngạc với bao nhiêu người sử dụng điện thoại thông minh; chụp ảnh tự sướng và dùng Facebook phổ biến như ở phương Tây. Việt Nam đang toàn cầu hóa và con rồng vẫn đang phun lửa.

ASTRID SCHULZ

LINH HỒN CỦA ĐÔ THỊ

Linh hồn của thành phố Đà Nẵng là gì? Thật không dễ để trả lời câu hỏi này bởi vì bản sắc đô thị của thành phố vẫn còn đang được hình thành trong quá trình phát triển năng động đang tiếp diễn của cảnh quan đô thị cũng như lối sống của người dân đô thị. Ví dụ, Trung tâm Hành chính Đà Nẵng và Cầu Rồng là những dấu mốc kiến trúc mang tính biểu tượng được xây dựng gần đây đã tô đậm hơn bản sắc đô thị của Đà Nẵng. Mở rộng không gian về phía biển chắc chắn là dự án phát triển đô thị quan trọng nhất trong hai thập kỷ qua của thành phố. Bởi vì dự án đã biến Đà Nẵng trở thành một thành phố biển. Đà Nẵng trước kia chỉ là một khu định cư bên bờ biển, nhưng biển chỉ dành cho ngư dân và hầu như không có chức năng kết nối nào tới trung tâm thành phố. Bây giờ, nhiều người dân đô thị đã ra bãi biến vào các buổi sáng sớm để tập các môn thể thao. Du khách thì dành buổi chiều và buổi tối thư dãn dưới bóng lọng ngoài bãi biển hay trên nóc các khách sạn ven biển mọc lên như nấm nhấm nháp ly cocktail đắt tiền. Dọc đại lộ của những cây cọ ven biển Đà Nẵng, bạn sẽ dễ dàng tìm thấy một số trong những nhà hàng hải sản ngon nhất khu vực Đông Nam Á. Để tiếp thị thành phố hiện đang tích cực sử dụng biển và bãi biển để xây dựng thương hiệu đô thị ở cấp quốc gia và quốc tế. Chẳng có lý do gì để không ngưỡng mộ những tiến bộ to lớn mà Đà Nẵng đã tạo ra trong vòng một thời gian ngắn như vậy.

Nhìn chung, thành phố Đà Nẵng được sở hữu những tài sản có giá trị giải trí to lớn không chỉ là những dải bãi biển rộng lớn và sự sẵn có của nhiều khách sạn năm sao, mà còn do thành phố tiếp giáp với nhiều điểm văn hóa lớn như cố đô Huế, bảo tàng sống phố cổ Hội An, núi Ngũ Hành Sơn huyền thoại và thánh địa Mỹ Sơn, cố đô của đế chế người Chăm. Điều này đã biến Đà Nẵng trở thành một trung tâm du lịch hoàn hảo. Cuộc sống ở đây thoải mái hơn, và người dân được cho là thân thiện hơn so với thủ đô Hà Nội bận rộn hay siêu đô thị thành phố Hồ Chí Minh. Luôn luôn có một làn gió trong lành từ biển thổi vào làm giảm thiểu ô nhiễm không khí trong thành phố. Người dân nơi đây gọi Đà Nẵng là thành phố xanh hay thành phố đáng sống và dự đoán một tương lai tươi sáng về thành phố của mình. Tôi xin được chia sẻ niềm lạc quan của họ, nhưng cũng muốn chỉ ra sự gia tăng của các diễn biến thời tiết cực đoan liên quan đến biến đổi khí hậu toàn cầu, điều này có thể trở thành một mối đe dọa đối với thành phố. Nhiều khu đô thị mới được dựng lên ở vùng ngoại vi trước đây từng là khu vực phòng chống tự nhiên, sự mất đi của những không gian này có thể làm tăng nguy cơ lũ lụt đô thị trong tương lai. Đà Nẵng đã có nhiều quyết sách khôn ngoan về quản l môi trường đô thị trong quá khứ, nhưng vẫn còn tiềm năng để làm tốt hơn cho hôm nay, ví dụ như để cho xã hội dân sự tham gia nhiều hơn vào phát triển đô thị bền vững.

MICHAEL WAIBEL

Thông tin trích dẫn / Please cite this publication as
Waibel, M. (ed.) (2016) Đà Nẵng: COASTAL City. Sách ảnh / Fotobuch / Photo Book. 1st edition. Book series PAZIFIK FORUM of the Association of Pacific Studies; Volume 16, Fine Art Publishing House, Hanoi / Vietnam, 304 pages. ISBN 978-604-78-4045-8.

Chủ biên: 

MICHAEL WAIBEL 

Michael Waibel là Tiến sĩ chuyên ngành địa lý, nghiên cứu viên chính và trưởng nhóm dự án tại Khoa Địa lý, Đại học Hamburg, CHLB Đức. Ông cũng là Tổng Biên tập của tạp chí Địa Lý Thái Bình Dương chuyên về bình duyệt chuyên đề, kiêm Tổng Biên tập của loạt sách Diễn Đàn Thái Bình Dương. Kể từ năm 1996, ông đã có khoảng 70 chuyến đi đến Việt Nam. Năm 2001, ông hoàn thành luận án tiến sĩ chuyên ngành phát triển đô thị ở Hà Nội tại Đại học Goettingen, Đức. Các nghiên cứu của ông tập trung vào các chủ đề như đô thị hóa, các chính sách giảm thiểu hậu quả của biến đổi khí hậu, các chính sách về công trình sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm, những nếp sống chú trọng đến bảo vệ môi trường, các thói quen và hành vi của tầng lớp trung lưu đô thị, cũng như tăng trưởng xanh và quản lý đô thị xanh. Các khu vực nghiên cứu chính của ông gồm có Việt Nam và Trung Quốc.

Từ năm 2008 đến năm 2013, ông là Điều phối viên cho hợp phần “Nhà ở thích ứng với khí hậu và các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả ở Việt Nam” trong khuôn khổ dự án “Nghiên cứu sự phát triển bền vững của các siêu đô thị trong tương lai” do Bộ Giáo dục và Nghiên cứu CHLB Đức tài trợ thực hiện. Sản phẩm của dự án là các ấn bản Sổ tay Nhà ở xanh (2011) và Sổ tay Các sản phẩm và Dịch vụ xanh (2013). Trong thời gian soạn thảo và phổ biến các cuốn sổ tay này, Michael Waibel đã tiếp cận nhiều bên liên quan của trung ương và địa phương, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội nhằm tăng cường vai trò làm chủ, thúc đẩy sự phối hợp liên ngành. Trong giai đoạn 2007-2009, với vai trò chuyên gia tư vấn ngắn hạn, ông thay mặt cho Chương trình Quy hoạch Môi trường Đô thị do Liên minh Châu Âu tài trợ (chương trình UEPP-VN) tham gia một số hoạt động giảng dạy tại Khoa Quy hoạch đô thị, trường Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh. 

Năm 2015, ông thay mặt cho tổ chức Nghiên cứu, Đô thị hóa & Kiến trúc của Bỉ và Viện Quy hoạch Không gian miền Nam của Việt Nam đảm nhiệm vai trò tư vấn cho nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2030. Ông còn giữ vai trò điều phối viên khoa học cho nhiều hội nghị, hội thảo của Viện Goethe Việt Nam về các chủ đề như biến đổi khí hậu và phát triển đô thị bền vững (2010), nhà ở xanh (2012), tăng trưởng xanh (2013), và về sự sáng tạo và phát triển đô thị (2014, 2015). Năm 2013, ông tham gia giảng dạy tại một số trường đại học Việt Nam với sự hỗ trợ của Tổ chức Trao đổi Hàn lâm CHLB Đức DAAD. Cũng trong năm 2013, Michael Waibel biên tập và cho xuất bản một ấn phẩm về tình hình phát triển đô thị những năm gần đây của thành phố Hồ Chí Minh. Với gần 100 bức ảnh minh họa, ấn phẩm này còn là kết quả của sự đóng góp ý kiến khoa học và biên soạn của các tác giả từ nhiều chuyên ngành khác nhau. Đối với Michael Waibel, đây là bước khởi đầu để phản ánh một cách trực quan hơn quá trình phát triển đô thị gần đây của Việt Nam. Sau đó, ông tiếp tục xuất bản một ấn phẩm dày 300 trang “Thành phố Hồ Chí Minh MEGA CITY” cùng tác giả Henning Hilbert vào đầu năm 2014. Ấn phẩm này ra đời với sự hợp tác của Viện Goethe Việt Nam và tài trợ của nhiều doanh nghiệp. Cuốn sách khởi đầu này nhận được nhiều ý kiến phản hồi tích cực đã tạo đà cho sự ra đời ngay sau đó của cuốn sách thứ hai. Đó là cuốn “Hà Nội CAPITAL CITY” được xuất bản đầu năm 2015. Đến tháng 9 cùng năm, ấn phẩm thứ hai này đã được trao giải thưởng uy tín “Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội” trong hạng mục “Những tác phẩm hay nhất”. Ấn phẩm thứ ba của loạt tác phẩm này sắp ra đời sẽ giới thiệu về một trung tâm đô thị lớn của miền Trung Việt Nam đó là Đà Nẵng và các địa điểm văn hóa ở vùng xung quanh.

Để tìm hiểu thêm thông tin về ấn phẩm và hồ sơ dự án, mời truy cập địa chỉ web: www.michael-waibel.de


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo