Chiều 29/3, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng và Đại sứ quán Hà Lan đã tổ chức hội thảo "Phát triển Đô thị thông minh tại Việt Nam hướng đến Tăng trưởng xanh và Phát triển bền vững".
Trong khuôn khổ chương trình, Cục Phát triển đô thị và Nhóm các đối tác về Đô thị thông minh Vương quốc Hà Lan đã kí kết Ý định thư về phát triển mối quan hệ hợp tác, tạo tiền đề cho những hoạt động tiếp theo giữa hai phía Việt Nam và Hà Lan trong lĩnh vực phát triển Đô thị thông minh.
Theo đó, Hà Lan sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển đô thị, tăng cường trao đổi thông tin, chuyển giao công nghệ, trao đổi chuyên gia, đặc biệt là chia sẻ kinh nghiệm về các ví dụ thành công trong các lĩnh vực: phát triển đô thị, đô thị thông minh, thành phố sân bay và môi trường sống.
Các bên sẽ cùng nghiên cứu và xác định khả năng hình thành và phát triển các dự án nghiên cứu, hoặc các doanh nghiệp khởi nghiệp, liên kết với các viện nghiên cứu, trường đại học và trung tâm nghiên cứu tại Hà Lan và Việt Nam. Trong khuôn khổ quyền hạn của cả hai bên, Cục Phát triển đô thị sẽ hỗ trợ Nhóm các đối tác về Đô thị thông minh Vương quốc Hà Lan liên hệ với các chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan và ngược lại để tham gia các dự án cố vấn thương mại.
Bà Nienke Trooster, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, bà Nienke Trooster Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam chia sẻ: "Chúng ta chưa biết chính xác các thành phố của tương lai sẽ ra sao, nhưng chắc chắn sẽ diễn ra nhiều sự thay đổi. Như việc chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo, hay việc ứng dụng xe hơi tự lái. Các đô thị cũng cần có khả năng thích ứng với những thách thức ngắn hạn như ngập lụt chẳng hạn. Đô thị thông minh là mô hình sẽ giúp quy hoạch phát triển đô thị nhằm nâng cao khả năng thích ứng với những thay đổi và phát triển trong tương lai."
Các đại biểu tham dự hội thảo đã tập trung trao đổi, thảo luận về các chủ đề: các vấn đề chính sách và khung pháp lý phát triển đô thị thông minh, những kinh nghiệm thực tế về quy hoạch đô thị, phát triển vùng đô thị và ứng dụng công nghệ trong phát triển đô thị thông minh trong điều kiện tại Việt Nam. Để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trong khi vẫn đảm bảo có thể đối phó với những thách thức trong tương lai, tạo không gian cho tăng trưởng cũng như đảm bảo đủ công ăn việc làm và trang bị những kỹ năng cần thiết cho lực lượng lao động, Việt Nam không chỉ cần có một kế hoạch dài hạn mà còn cần một kế hoạch thông minh. Điều đó nằm trong những hành động mà hai bên sẽ phối hợp triển khai trong thời gian tới.
(ảnh: Ashui.com)
Các xu hướng toàn cầu như đô thị hóa, số hóa, lưu động hóa, những thay đổi trong thị trường lao động cũng như quá trình biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên thiên nhiên đang tạo ra những ảnh hưởng rõ rệt lên xã hội chúng ta. Các đô thị đang đứng trước thách thức phải tìm ra giải pháp và các mô hình kinh tế mới để thích nghi.
Theo dự báo, đến năm 2050, 70% dân số thế giới sẽ sống ở các đô thị. Điều này sẽ tạo nên áp lực vô cùng lớn lên hệ thống công trình hạ tầng, cơ sở vật chất, quỹ đất, quỹ nhà và nguồn công ăn việc làm. Mặt khác, người dân thành phố cũng ngày càng có cơ hội tham gia nhiều hơn với chính quyền. Khi người dân được thông tin đầy đủ, có phương tiện để tiếp cận với chính quyền, họ sẽ góp phần giải quyết các vấn đề chung tại nơi mình sinh sống. Việc xây dựng mối quan hệ với mỗi người dân là điểm mấu chốt trong phát triển hệ sinh thái Thành phố thông minh, để từ đó tạo nên một Xã hội thông minh.
Các xu hướng toàn cầu này cũng hoàn toàn đúng tại Việt Nam và có thể dễ dàng quan sát được. Việt Nam có dân số tương đối lớn với 90 triệu người, có lực lượng lao động dồi dào và nền kinh tế đang phát triển với tốc độ nhanh. Việt Nam cũng là một trong những nước sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Vì vậy, để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trong khi vẫn đảm bảo Việt Nam có thể đối phó với những thách thức trong tương lai, tạo không gian cho tăng trưởng cũng như đảm bảo đủ công ăn việc làm và trang bị những kĩ năng cần thiết cho lực lượng lao động, Việt Nam không chỉ cần có một kế hoạch dài hạn mà còn cần một kế hoạch thông minh.
Hà Lan là một đất nước đã đô thị hóa ở mức cao và rất nhiều các thành phố đang ứng dụng mô hình Thành phố thông minh, tham vọng còn trở thành một Quốc gia thông minh. Hà Lan cũng đã thành công với mô hình liên kết các chính quyền thành phố, các doanh nghiệp, các cơ sở nghiên cứu và khối dân sự xã hội để cùng nhau bàn bạc, trao đổi góc nhìn và cùng đi đến thống nhất về chiến lược phát triển.
Trong chuyến thăm chính thức Hà Lan năm 2017 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, mô hình và chiến lược phát triển Thành phố thông minh của Hà Lan đã được trình bày với Thủ tướng. Sau chuyến thăm, Bộ Xây dựng đại diện bởi Cục Phát triển đô thị (UDA) đã được phân công làm việc với Nhóm các đối tác về Đô thị thông minh Vương quốc Hà Lan (SCNL). Hai bên sẽ cùng nhau hợp tác thúc đẩy quá trình phát triển đô thị, chia sẻ thông tin, kiến thức, kinh nghiệm trong các lĩnh vực: Phát triển đô thị, Đô thị thông minh, Thành phố sân bay và môi trường sống trên cơ sở tôn trọng, bình đẳng vì lợi ích chung.
Linh Anh
(Theo Trí thức trẻ)
- Hội thảo “Tiện nghi Âm thanh trong thiết kế Khách sạn và Chung cư cao tầng”
- Hội thảo “Giá nhà đất – Thực hay ảo? Giải pháp phát triển bất động sản cho nhu cầu thực”
- Lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành Xây dựng Việt Nam
- Triển lãm nghệ thuật cảnh quan “Mây Pha Lê” - La Pán Tẩn 2018
- Hội thảo "60 năm Ngành Xây dựng với sự nghiệp phát triển đô thị Việt Nam"
- Hội thảo cuối kỳ Dự án Hỗ trợ kỹ thuật quy hoạch Đô thị Xanh Việt Nam
- Hội thảo “Giải pháp tiết kiệm năng lượng nhằm nâng cao chất lượng không khí trong tòa nhà”
- Tọa đàm "Vai trò của các khu đô thị mới trong thị trường bất động sản và phát triển đô thị tại châu Á"
- "Đô thị và Ký ức" - Triển lãm cá nhân của họa sỹ Nguyễn Thế Sơn
- Chúc mừng năm mới 2018!