Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tin tức Sự kiện Huế 15 năm di sản văn hóa thế giới

Huế 15 năm di sản văn hóa thế giới

Viết email In

Sáng 11/12/2008 tại sân Đại triều (Đại Nội Huế) UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 15 năm Huế được vinh danh, với sự hiện diện của lãnh đạo Bộ VHTT&DL, đại diện UNESCO tại Việt Nam.

Được biết, chỉ tính riêng trong 2 năm 2006-2007 giá trị các dự án hợp tác quốc tế đầu tư cho công cuộc bảo tồn DSVH Huế đã lớn hơn tổng toàn bộ giá trị các dự án của tất cả các năm trước đó.

Điều quan trọng hơn thế nữa là bạn bè trên thế giới đã xem DSVH Huế là tài sản chung của nhân loại, có giá trị toàn cầu và cộng đồng trách nhiệm trong công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị của nó.

Cũng từ sự kiện này Huế xây dựng được một chiến lược phù hợp để bảo tồn và phát huy các giá trị DSVH đã được thừa nhận bằng Dự án “Quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị di tích cố đô Huế, giai đoạn 1996-2010”. Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bằng Quyết định 105/TTg ngày 12-2-1996, với tổng mức đầu tư là 720 tỉ đồng, chia làm 3 giai đoạn.

Mục tiêu cơ bản và dài hạn của Dự án thể hiện trên hai phương diện: Bảo tồn DSVH Huế; Phát huy mọi giá trị của DSVH Huế bao gồm giá trị DSVH vật chất, giá trị DSVH tinh thần và giá trị DSVH môi trường cảnh quan đô thị và thiên nhiên trong việc giáo dục giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hoá dân tộc và nâng cao mức hưởng thụ văn hoá của nhân dân.



Nhờ những nỗ lực phục hồi các các giá trị văn hoá phi vật thể, tháng 11-2003, UNESCO tiếp tục công nhận Nhã nhạc Cung đình Huế là Kiệt tác Di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.

Trong các kỳ Festival một số lễ hội cung đình quan trọng nhất của triều Nguyễn như lễ Tế Nam giao, lễ tế Xã Tắc, lễ Truyền Lô-Vinh quy bái tổ, lễ hội thi Tiến sĩ Võ... được phục dựng.

Các loại hình nghệ thuật Cung đình, bao gồm cả lễ hội, âm nhạc, nghệ thuật thư pháp, nghệ thuật ẩm thực, trò chơi… đã đóng vai trò là giai điệu chủ lực, hạt nhân kết dính các chương trình, lễ hội, đại diện tiêu biểu cho văn hóa Huế trong đối thoại, giao lưu với các nền văn hoá các vùng miền trong nước và quốc tế.

Với Huế văn hoá đã thực sự được xem “vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển”. Phát huy vai trò trung tâm văn hoá và các giá trị DSVH, thành phố Huế được chọn đăng cai tổ chức Festival văn hoá-nghệ thuật quốc gia-quốc tế 2 năm một lần (vào năm chẵn), Festival nghề truyền thống 2 năm một lần (vào năm lẻ).


Lễ hội áo dài tại festival Huế 2008 

Những thách thức mới

Bà Vibeke Jensen, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội đánh giá: Huế là một trong số ít địa danh trên Thế giới có cả Di sản vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận giá trị toàn cầu. UNESCO đã xem Huế là một ví dụ điển hình trong việc bảo tồn và tôn tạo di tích. Từ khi Huế được ghi danh vào danh sách di sản Thế giới, tỉnh Thừa Thiên- Huế đã có rất nhiều cố gắng để đưa di sản Huế từ "tình trạng cứu nguy khẩn cấp" sang giai đoạn "phát triển bền vững".

Tiêu biểu là việc bảo tồn và tu sửa khu vực bên trong Hoàng thành, các di tích quan trọng như chùa Thiên Mụ, các lăng Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và Đồng Khánh; cũng như nhiều nỗ lực trong việc khôi phục Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Việt Nam.

Dịp này, bên cạnh kêu gọi tỉnh Thừa Thiên- Huế tiếp tục tăng cường các biện pháp quản lý và bảo vệ di sản, UNESCO cũng nêu khuyến nghị địa phương cần nới rộng phạm vi các khu vực cần được bảo vệ và phạm vi vùng đệm, đồng thời sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ chính quyền địa phương và đơn vị quản lý di tích bảo tồn những giá trị vật thể và phi vật thể của di sản Huế...

(Theo TTXVN)
Tuy nhiên, cùng với sự hội nhập ngày càng toàn diện và mạnh mẽ, sự nghiệp bảo tồn DSVH Huế cũng đang đứng trước những thách thức mới. Đó là khả năng đầu tư tương xứng để bảo tồn di sản Huế với một quần thể di tích đồ sộ, với những DSVH phi vật thể phong phú và với một môi trường cảnh quan rộng lớn gắn bó hữu cơ với đô thị Huế.

Huế chưa làm được gì đáng kể để tạo ra được những nguồn vốn đầu tư rất lớn ấy mà chủ yếu là vẫn phải dựa vào nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước với những thủ tục hành chính và cơ chế xin-cho còn rất nặng nề. Các Khu kinh tế, các thành phố động lực đang đòi hỏi một cơ chế đặc thù để chủ động và đẩy nhanh tốc độ phát triển, là Trung tâm văn hoá, bảo tồn và phát huy giá trị di sản rất lớn Huế cũng rất cần có một cơ chế đặc thù.

Đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn tham gia công tác bảo tồn di tích trong nhiều năm qua được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng theo hướng vừa chuyên sâu vừa đa ngành đáp ứng được khá tốt công tác bảo tồn tu bổ d tích Huế; lực lượng tư vấn lập dự án, giám sát và thi công ngày càng phát triển. Nhưng nguồn nhân lực này hiện vẫn còn rất mỏng so với nhu cầu.

Thách thức lớn nhất đối với công cuộc bảo tồn DSVH Huế trong bối cảnh hiện tại là mâu thuẫn trong nhận thức của các cơ quan chức năng, và của chính quyền, về bảo tồn và phát triển.

Hiện nay vẫn còn khá nhiều di tích nằm ngoài sự quản lý của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế. Do thiếu quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết nên dẫn đến tình trạng xây dựng tùy tiện, xâm hại các khu vực bảo tồn, ảnh hưởng mỹ quan các di tích.

Đây cũng là vấn đề mà UNESCO đã nhiều lần khuyến cáo Huế qua báo cáo của các tổ công tác tại thực địa và qua kết luận tại một số kỳ họp của Uỷ ban di sản.


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo