Niềm vui của người dân Ba Lan về việc quần thể hồ Masurian lọt vào vòng chung kết cuộc bầu chọn 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới đang dâng trào thì bỗng như bị dội một gáo nước lạnh. Văn phòng Quỹ bảo vệ thiên nhiên hoang dã thế giới (WWF) tại Warsaw đã cảnh báo rằng, ứng cử viên của Ba Lan đang bị ô nhiễm nghiêm trọng và có khả năng sẽ biến thành “hố rác”.
Hòn ngọc có vết
Ở khu vực có cảnh đẹp hoang sơ này không hề tồn tại một cơ sở công nghiệp nào. Nhưng các hồ xanh trong như ngọc ở vùng Masurian lại đang bị nhiễm bẩn nặng do hàng nghìn người chơi thuyền buồm đêm ngày xả rác và chất thải xuống mặt nước, không tuân thủ những quy định sinh thái sơ đẳng nhất.
- Ảnh bên : Các du thuyền là nguyên nhân gây ô nhiễm nước hồ
Vào giữa tháng 7, kết quả vòng bán kết cuộc bầu chọn trên mạng để tìm ra 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới đã được công bố. Khu hồ Masurian của Ba Lan xếp thứ 11 trong số 28 ứng cử viên được lọt vào vòng chung kết. Các hồ nước này nằm ở vùng Đông Bắc Ba Lan, gần biên giới với Nga và Litva.
Nhật báo Dziennik (Ba Lan) vừa mới cho biết các nhân viên của WWF tính rằng hàng năm, trong 5 tháng mùa bơi thuyền có tới 18.000 chiếc thuyền buồm du ngoạn khắp các hồ lớn, nhỏ ở đây. Mỗi chiếc thuyền đều được trang bị buồn vệ sinh nhưng tại các bến đậu lại không có những thùng chứa đặc biệt để thu gom và xử lý chất thải sinh học. Do đó mà một số chủ thuyền đã cải tạo lại thiết bị vệ sinh để cho chất thải tuồn thẳng xuống nước. Một số khác dùng hóa chất để xử lý chất thải và sau đó đổ xuống hồ. Nhiều người chơi thuyền buồm cũng không ngại vứt rác thải sinh hoạt bừa bãi ở nơi đây. Trưởng văn phòng đại diện WWF tại Ba Lan Peter Neznanski nói mỉa mai với các nhà báo rằng, nếu tình trạng này kéo dài thì chỉ mấy năm nữa thôi, các hồ nước đẹp nhất vùng Trung Âu có thể ghi danh vào cuộc bình chọn “7 hố rác của thế giới”.
Nước đã… quá chân!
Các nhà môi trường đã gióng lên tiếng chuông khẩn thiết, đề nghị phải lập tức xây dựng hệ thống thu gom và xử lý rác ở khu bảo tồn Masurian. Họ nói rằng Ba Lan nên học tập Anh, nơi mà các bến cảng đều có hệ thống chuyên xử lý chất thải sinh học hết sức an toàn đối với môi trường và hoàn toàn miễn phí.
Chất thải được tuồn xuống khu hồ Masurian chứa nhiều phốt-pho và ni-tơ, tạo môi trường thuận lợi để vi sinh phát triển và hít hết ô-xy trong nước. Cá sẽ chết ngạt vì thiếu dưỡng khí.
Ông Peter Otavsky, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường Ba Lan, cho biết sắp tới bên bờ các hồ nước Masurian sẽ có những bến cảng “sạch”, dành cho du thuyền lớn, đáp ứng mọi tiêu chí về sinh thái, tiếp nhận chất thải do các con thuyền chở tới. Cảng đầu tiên sẽ được xây dựng vào năm 2010 ở một thị trấn ven hồ với số tiền đầu tư khoảng 5 triệu euro. Ba Lan còn có thể dùng quỹ của EU trong chương trình “Châu Âu sinh thái” để giữ sạch các hồ nước Masurian.
Nhìn chung, vấn đề bảo vệ môi trường ở Ba Lan đang được đặt ra gay gắt. Theo các nhà bảo vệ sinh thái, nước này là thủ phạm chính gây ô nhiễm cho biển Baltic. Hai năm trước, Ủy ban châu Âu đã buộc Ba Lan phải ngừng việc tuồn chất thải ra biển Baltic, hạn chót là năm 2010. Nếu không thực hiện cam kết thì sau mấy năm nữa, Ba Lan phải nộp một khoản tiền phạt rất lớn - 100.000 euro/ngày.
- Ảnh bên : Cảnh đẹp ở vùng hồ Masurian
Việc khu hồ Masurian lọt vào vòng chung kết cuộc bầu chọn 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới càng thu hút khách du lịch đến nơi này nhiều hơn. Làn sóng du khách mới sẽ bổ sung vào lực lượng hàng trăm nghìn người đến đây nghỉ ngơi, dạo chơi trên thuyền hàng năm. Do đó, Ba Lan không thể chần chừ trong việc xử lý chất thải bởi “nước đã... quá chân” rồi. Trong trường hợp ngược lại, khu bảo tồn nước ngọt của Ba Lan khó mà lọt vào danh sách cuối cùng của cuộc bầu chọn nói trên.
Ba Lan có hơn 9.300 hồ nước, Masurian là vùng hồ lớn nhất và được nhiều du khách đến tham quan nhất. Nơi đây có vẻ đẹp hoang sơ với những tàn tích của các khu rừng cổ đại, những ngôi nhà dân dã ẩn mình trong vòm cây và các nhà thờ cũ kỹ. Quần thể các hồ nước Masurian rộng 310km2 được những con kênh nhỏ gắn với nhau, rất tiện cho việc lưu thông của tàu có trọng tải vừa và nhỏ. Masurian đã qua mặt đối thủ khổng lồ từ nước Nga láng giềng là hồ Baikal trong cuộc bầu chọn 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới.
Trần Quang Vinh
- Istanbul: Những ngôi nhà gỗ lịch sử lâm nguy
- Đội binh mã đất nung ra đời trước thời Tần Thủy Hoàng
- Bảo tồn khu rừng cổ cuối cùng của châu Âu: Phép vua thua lệ làng?
- Thị trường châu Á: Giá thép cao nhất trong 10 tháng
- Thị trường bất động sản Trung Đông: báo động đỏ
- Sân vận động “Tổ chim” giành giải thưởng RIBA Lubetkin 2009
- Trung Quốc lo lắng về đập thủy điện ở Vân Nam
- Sơ đồ kinh đô đầu tiên của Thành Cát Tư Hãn
- 250 tỷ bảng Anh cho thị trường Bất động sản
- Australia là thị trường địa ốc lý tưởng nhất thế giới