Công ty khởi nghiệp (start-up) về chia sẻ xe đạp Trung Quốc Ofo cho biết vừa huy động được 866 triệu USD từ một nhóm nhà đầu tư dẫn đầu bởi "đế chế" thương mại điện tử Alibaba.
Vụ rót vốn này có thể giúp Ofo dập tắt những đồn đoán về sáp nhập với Mobike - đối thủ có sự hậu thuẫn của hãng công nghệ khổng lồ Tencent.
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) cho biết đây là vụ rót vốn lớn nhất từ trước đến nay vào ngành chia sẻ xe đạp Trung Quốc - một lĩnh vực có sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt.
Lĩnh vực chia sẻ xe đạp ở Trung Quốc đang có sự cạnh tranh rất khốc liệt (Ảnh: SCMP)
Tháng 7 năm ngoái, Ofo đã huy động được 700 triệu USD từ một nhóm nhà đầu tư cũng do Alibaba dẫn đầu. Trước đó, vào tháng 6, Mobike được một nhóm nhà đầu tư dẫn đầu bởi Tencent rót 600 triệu USD.
"Với tư cách là công ty đi đầu thế giới trong lĩnh vực chia sẻ xe đạp, Ofo đã bước từ giai đoạn tăng trưởng nhanh sang giai đoạn phát triển chất lượng cao", ông Dai Wei, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của Ofo, phát biểu.
Vụ rót vốn diễn ra trong bối cảnh thị trường chia sẻ xe đạp Trung Quốc trải qua một cuộc điều chỉnh mạnh mẽ, với hơn 20 start-up phải đóng cửa tính đến tháng 2 vừa qua - theo Bộ Giao thông nước này. Ofo và Mobike chiếm tổng cộng 90% thị trường chia sẻ xe đạp Trung Quốc - theo công ty nghiên cứu thị trường Cheetah Global Think Tank.
Ofo, công ty ra đời năm 2014, cho biết đã có khoảng 200 triệu người dùng ở Trung Quốc và đã có mặt tại 20 quốc gia khác bao gồm Mỹ.
Các công ty chia sẻ xe đạp cho phép người dùng điện thoại thông minh (smartphone) để mở khóa xe đạp, sử dụng xe, và cuối cùng trả xe tại điểm đến. Mô hình này phát huy tác dụng, nhưng ngành công nghiệp chia sẻ xe đạp tại Trung Quốc đã phát triển quá lớn và quá nhanh, mà bằng chứng là một số lượng lớn những chiếc xe đạp được sử dụng ít chất đống phơi mưa nắng trên các hè phố nước này.
Tháng 11/2017, Bộ Giao thông Trung Quốc tuyên bố sẽ siết chặt quản lý đối với các công ty chia sẻ xe đạp để "bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng và đưa ngành này phát triển theo hướng lành mạnh, trật tự".
Cách đây khoảng 1 năm rưỡi, lĩnh vực chia sẻ xe đạp ở Trung Quốc có chừng 60 công ty khởi nghiệp (start-up). Nhưng theo dự báo, trong năm nay, sẽ chỉ còn chưa đầy 10 công ty trong số này có thể tiếp tục tồn tại.
Một số công ty đang cố gắng tìm đến với những mô hình kinh doanh mà họ cho là bền vững hơn. Chẳng hạn, công ty có tên Hellobike nhảy vào lĩnh vực chia sẻ xe đạp điện, triển khai 60.000 xe loại này, nhằm giảm sự phụ thuộc vào xe đạp.
Hellobike và Mobike cũng đang cân nhắc áp dụng mô hình chia sẻ xe hơi, trong khi Ofo từng tuyên bố rằng đến năm 2020 có thể họ không còn là một công ty chia sẻ xe đạp nữa.
Thăng Điệp
(VnEconomy)
- Uber đẩy mạnh khai thác vận tải đô thị với nhiều ứng dụng
- Mercer: 20 thành phố có chất lượng sống nhất thế giới năm 2018
- Dubai xây dựng cơ sở biến rác thải thành năng lượng lớn nhất thế giới
- Hơn 100 thành phố trên thế giới chủ yếu sử dụng năng lượng tái tạo
- Singapore là thành phố đắt đỏ nhất thế giới 5 năm liền
- Saudi Arabia sắp xây siêu thành phố 10 tỷ USD ở Ai Cập
- London: Dự báo thị trường bất động sản tăng trưởng nhờ một loạt công trình mới
- Google và BIG tiết lộ kế hoạch xây dựng khuôn viên công nghệ xanh
- Phát hiện hàng nghìn cấu trúc cổ của nền văn minh Maya tại Guatemala
- New York xem xét tăng thuế bất động sản gần ga tàu điện ngầm