Theo Báo cáo Chi phí sinh hoạt toàn cầu của Economist Intelligence Unit (EIU) mới công bố, Singapore tiếp tục là thành phố đắt đỏ nhất thế giới. Đây là năm thứ 5 liên tiếp dẫn quốc đảo Đông Nam Á đứng đầu danh sách này.
"Ở các hạng mục như chăm sóc cá nhân, hàng tiêu dùng gia đình, Singapore có giá thấp hơn đáng kể so với các thành phố khác, nhưng tiếp tục là nơi có chi phí mua và chạy ôtô đắt nhất thế giới. Giá cả quần áo tại Singapore cũng đắt thứ 3 thế giới", báo cáo của EIU cho biết.
Thống trị danh sách thành phố đắt đỏ nhất thế giới là khu vực châu Á - Thái Bình Dương và châu Âu.
Singapore lần thứ 5 liên tiếp giữ ngôi thành phố có chi phí sinh hoạt đắt nhất thế giới (Ảnh: Bloomberg)
Theo Bloomberg, hai thành phố của Nhật, Tokyo và Osaka, thường xếp thứ hạng cao thì năm nay lại vắng bóng khỏi top 10 nhờ tỷ lệ lạm phát thấp ở nước này. Tokyo là thành phố có chi phí sinh hoạt đắt nhất thế giới vào năm 2013, tuy nhiên đã tụt xuống vị trí thứ 11 trong danh sách năm nay. Trong khi đó, Hồng Kông tụt xuống xếp thứ 4 từ vị trí thành phố đắt đỏ thứ 2 thế giới.
Còn thành phố Sydney của Australia tăng 4 bậc lọt vào top 10 cùng với Oslo (Na Uy), Geneva (Thuỵ Sĩ), Zurich (Thuỵ Sĩ) và Copenhagen (Đan Mạch).
"Biến động của đồng nội tệ các nước tiếp tục là nguyên nhân chính của sự thay đổi trong thứ hạng các thành phố", EIU cho biết.
Theo EIU, đồng USD suy yếu là nguyên nhân không có thành phố nào của Mỹ có mặt trong top 10 thành phố đắt nhất bất chấp việc chi phí sinh hoạt tương đối tại quốc gia này có xu hướng tăng vài năm gần đây. Hai thành phố của Mỹ là New York và Los Angeles lần lượt giữ vị trí 13 và 14 trong danh sách, tụt từ vị trí 9 và 11 của năm ngoái.
Paris là thành phố duy nhất thuộc khối đồng tiền chung Euro có mặt trong top 10 bất chấp việc đồng Euro đã phục hồi. EIU cho biết thủ đô nước Pháp tiếp tục là nơi "vô cùng đắt đỏ".
Trong khi đó, Tel Aviv của Israel là thành phố duy nhất tại Trung Đông lọt vào top 10. Chi phí vận tải tại thành phố này đắt hơn tới 79% so với tại New York.
Sự thay đổi về thứ hạng so với năm ngoái của top 10 thành phố đắt đỏ nhất thế giới (Nguồn: EIU/Bloomberg)
Dù là khu vực có nhiều thành phố đắt đỏ nhất, châu Á cũng là nơi có nhóm thành phố có chi phí sinh hoạt rẻ nhất. Các thành phố Nam Á gồm Bangalore, Chennai, New Delhi của Ấn Độ và Karachi của Pakistan có giá cả hàng hoá, sinh hoạt thấp hơn đáng kể so với những nơi khác trên thế giới. Nơi có chi phí sinh hoạt rẻ nhất thế giới là thủ đô Damascus của Syria và Caracas của Venezuela.
Danh sách thành phố đắt đỏ nhất thế giới của EIU được đưa ra dựa trên khảo sát về chi phí của 160 mặt hàng tại 133 quốc gia trên thế giới.
Hoài Thu
(VnEconomy)
- Berlin hiện nay là thị trường nhà ở phát triển nhanh nhất thế giới
- Uber đẩy mạnh khai thác vận tải đô thị với nhiều ứng dụng
- Mercer: 20 thành phố có chất lượng sống nhất thế giới năm 2018
- Dubai xây dựng cơ sở biến rác thải thành năng lượng lớn nhất thế giới
- Hơn 100 thành phố trên thế giới chủ yếu sử dụng năng lượng tái tạo
- Ngành chia sẻ xe đạp Trung Quốc vừa có vụ rót vốn lớn kỷ lục
- Saudi Arabia sắp xây siêu thành phố 10 tỷ USD ở Ai Cập
- London: Dự báo thị trường bất động sản tăng trưởng nhờ một loạt công trình mới
- Google và BIG tiết lộ kế hoạch xây dựng khuôn viên công nghệ xanh
- Phát hiện hàng nghìn cấu trúc cổ của nền văn minh Maya tại Guatemala