Các nhà khảo cổ học phát hiện 30 tấm thẻ ở đáy một chiếc giếng cổ đại, trên mặt mỗi tấm thẻ đều khắc lời nguyền dùng để ám hại người nhận.
Những tấm thẻ khắc lời nguyền được chôn dưới miệng giếng 2.500 năm tuổi ở nghĩa trang cổ đại Kerameikos tại Athens, Hy Lạp. Nhóm nghiên cứu chưa rõ ai là người tạo ra lời nguyền bởi tên họ không xuất hiện trên tấm thẻ. Các tấm thẻ có nhiều đoạn cầu xin thần linh ở thế giới bên kia phù hộ.
Nghĩa trang Kerameikos ở Athens. (Ảnh: Fox News)
Khắc lời nguyền trên tấm thẻ làm từ chì, sáp và đá là tập tục không hiếm gặp dưới thời Hy Lạp và La Mã, nơi không có sự phân biệt rõ ràng giữa phép thuật và tôn giáo. Theo Christopher A. Faraone, giáo sư cổ điển ở Đại học Chicago tại Illinois, phần lớn lời nguyền được tạo ra để mưu hại kẻ thù. Người xưa cũng có thể đặt lời nguyền trong mộ với hy vọng thần linh có thể giúp thực hiện những thỉnh cầu của họ.
Jutta Stroszeck, nhà nghiên cứu ở Viện Khảo cổ học Đức, cho biết các tấm thẻ có niên đại từ thế kỷ 4 trước Công nguyên. Ở thời kỳ này, vua Demetrius, người trị vì Athens từ năm 317 đến 307 trước Công nguyên ban luật cấm chôn thẻ khắc lời nguyền trong mộ, buộc cư dân địa phương phải tìm cách khác để giấu lời nguyền như thả xuống giếng nước.
"Nước, đặc biệt là nước uống, rất thiêng liêng", Stroszeck giải thích. "Người xưa quan niệm giếng nước là con đường dẫn tới thế giới bên kia do các vị thần canh giữ, do đó họ thường bỏ các bình vại và tế phẩm xuống giếng".
Ngoài thẻ khác lời nguyền, nhóm nghiên cứu còn tìm thấy đồ gốm, sản phẩm bằng gỗ, vật dụng nấu nướng, đèn đất sét và tiền xu bằng đồng. Theo Bộ Văn hóa và Thể thao Hy Lạp, nghĩa trang Kerameikos được gọi theo tên cộng đồng thợ gốm từng sinh sống ở đó. Do nằm gần sông và thường xuyên ngập lụt, khu vực này rất khó định cư và dần được sử dụng làm nơi chôn cất.
An Khang
(VnExpress /Theo Newsweek)
- Salone del Mobile.Milano chính thức hoãn sang 2021
- Thế giới chi gần 124 tỷ USD cho đô thị thông minh trong năm 2020
- Ohmyhome sẽ mở rộng địa bàn hoạt động tại thị trường thứ ba ở khu vực Đông Nam Á
- Ai Cập mở cửa trở lại kim tự tháp cổ nhất thế giới sau 14 năm trùng tu
- Italy có còn là điểm đến an toàn sau đại dịch toàn cầu Covid-19?
- Hình ảnh Vũ Hán trước và sau khi trở thành "thành phố ma"
- Trung Quốc: Vũ Hán xây dựng thần tốc 2 bệnh viện để đối phó virus corona
- Thái Lan cân nhắc cấm ôtô cá nhân nhằm giảm ô nhiễm không khí
- Thái Lan: Người dân không hài lòng về xử lý khủng hoảng bụi mịn
- Pháp: Nhiều kiến trúc sư đề xuất xây phần mái của Nhà thờ Đức Bà bằng gỗ