Biểu tượng của nước Đức
Tháp Truyền hình Berlin cao gấp đôi so với “bản sao” của nó ở Tây Berlin. Hồi những năm 60, công trình này thể hiện sức mạnh của CHDC Đức và giờ đây nó là biểu tượng được yêu thích của thủ đô nước Đức thống nhất.
Mỗi năm, Tháp Truyền hình Berlin đón hơn một triệu du khách tới ngắm toàn bộ khung cảnh của thành phố. Các tòa nhà chọc trời tại khu Alexanderplatz bên cạnh nom chỉ như những “chú lùn” dưới chân tháp. Trong những ngày đẹp trời từ trên đỉnh tháp du khách có thể nhìn xa hơn 42 km. Còn khi thời tiết xấu và công trình cao ngất này chìm trong những đám mây nặng trĩu thì từ các cửa hàng trong thành phố bạn vẫn có thể nhìn thấy tháp Berlin mờ mờ ảo ảo.
Hùng vĩ, sáng sủa và mang phong cách của thập kỷ 60, Tháp Truyền hình Berlin làm du khách liên tưởng về những con tàu vệ tinh và thời đại vũ trụ huy hoàng của Liên bang Xô viết trước đây. Logo tháp truyền hình đã trở thành món đồ phổ biến trong các cửa hàng bán quần áo của giới trẻ ở trung tâm Berlin và các “ki-ốt” bán đồ lưu niệm dành cho khách du lịch. Kể từ khi nước Đức thống nhất (3/10/1990), các nhà điều hành quảng cáo cũng nhận ra giá trị tiềm năng của công trình này.
Khi diễn ra World Cup 2006, công ty viễn thông Đức Deutsche Telekom đã biến quả cầu của chiếc tháp thành một quả bóng đá màu hồng nhạt. Còn trong ngày Valentine năm nay, Telekom đã giăng nhiều biểu ngữ lớn chứa đựng những thông điệp đầy lãng mạn xung quanh biểu tượng này và coi đó là một phần trong chiến dịch quảng bá quy mô lớn của họ. Giờ đây, Tháp Truyền hình Berlin vẫn là nơi truyền sóng cho nhiều hãng truyền thông, nhưng nó còn là địa điểm lý tưởng để nhiều cặp đôi tới trao nhau lời thề ước.
Công trình cao thứ tư châu Âu
Quá trình xây dựng Tháp Truyền hình Berlin, từ năm 1965 đến năm 1969, đã gây nên nhiều vấn đề đau đầu cho các nhà lãnh đạo nước CHDC Đức thời đó, chẳng hạn như kinh phí xây dựng đã đội lên gấp sáu lần so với dự tính ban đầu và khi hoàn thành công trình này đã ngốn 200 triệu mark. Nhiều loại nguyên vật liệu phải nhập từ phương Tây, chẳng hạn cửa sổ cách điện mua của Bỉ, thang máy và điều hòa nhiệt độ của Thụy Điển, khung thép không gỉ của CHLB Đức...
Ban đầu tháp chỉ cao 365 m, nhưng sau khi lắp thêm dàn anten mới trong thập kỷ 90 thì chiều cao của tháp được nâng lên thành 368 m. Tháp Truyền hình Berlin là cấu trúc không có giá đỡ cao thứ tư ở châu Âu, sau Tháp Ostankino ở Moskva, Tháp Truyền hình Kiev (Ukraina) và Tháp Truyền hình - phát thanh Riga (Latvia). Nơi đây có một khu dành cho khách tham quan và một nhà hàng xoay ở giữa quả cầu trên độ cao 204 m. Ban đầu nhà hàng một tiếng mới xoay một lần, nhưng sau cuộc tu bổ vào cuối những năm 90 thì cứ sau 30 phút nhà hàng lại xoay để thực khách có thể ngắm thành phố từ 4 hướng. Nhà hàng xoay đã nhanh chóng trở thành một trong những điểm ăn tối nổi tiếng nhất ở Berlin. Tháp truyền hình có hai chiếc thang máy và chỉ trong 40 giây đã đưa du khách lên tới quả cầu.
Để kỷ niệm lần thứ 40 ngày khánh thành Tháp Truyền hình Berlin, nhà hàng trên tháp quyết định phục vụ du khách bằng những thực đơn từ năm 1969.
Lương Tuần Vĩ
Tin mới hơn:
- Liệu Tiwanaku có bị tước danh hiệu Di sản thế giới?
- Phát hiện kiệt tác bị thất lạc của Da Vinci?
- “Mê cung cổ đại” (Labyrinth) không nằm ở Knossos?
- Nô nức sắm nhà cao cấp ở Hồng Kông
- Na Uy - Nơi sống tốt nhất hành tinh
Tin cũ hơn:
- Tìm thấy phòng ăn của Hoàng đế La Mã Nero?
- Thị trường bất động sản Hồng Kông: Sôi động trong thời kỳ khủng hoảng
- Khu vực giàu có nhất của Mỹ từng có giá… 24 USD
- Thế giới hưởng ứng “Ngày không xe hơi”
- Rao bán 39 triệu USD một căn hộ ở Hồng Kông