Tính từ đầu năm đến nay, lượng vốn mạo hiểm đổ vào các startup phát triển các công nghệ chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu đã đạt mức kỷ lục, 32 tỉ đô la Mỹ, vượt qua con số mà lĩnh vực này huy động được trong cả năm 2020.
Vốn đầu tư tăng 4 lần chỉ trong 4 năm
Theo báo cáo công bố vào tuần trước của Công ty phân tích vốn mạo hiểm Dealroom (Hà Lan) và Công ty quảng bá và xúc tiến đầu tư London & Partner (Anh), con số trên đã tăng gấp 4 lần kể từ năm 2016 khi giới đầu tư mới chỉ rót 6,6 tỉ đô la vào các startup công nghệ chống biến đổi khí hậu.
Báo cáo của Công ty phân tích vốn mạo hiểm Dealroom (Hà Lan) và Công ty quảng bá và xúc tiến đầu tư London & Partner (Anh) cho biết trong 9 tháng đầu năm, các startup công nghệ khí hậu toàn cầu đón nhận số vốn đầu tư cao kỷ lục, 32 tỉ đô la. (Ảnh: Dealroom)
Laura Citron, Giám đốc điều hành London & Partners, nói: “Ngành công nghệ đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ thúc đẩy sáng tạo trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu”. Theo báo cáo, trong giai đoạn 2016-2021, các startup công nghệ biến đổi khí hậu ở Mỹ huy động được số vốn lớn nhất, tiếp theo là các đối thủ ở Trung Quốc, Thụy Điển và Anh.
Tuy nhiên, châu Âu đang là khu vực chứng kiến tốc độ huy động vốn khởi nghiệp nhanh nhất trong lĩnh vực này. Vốn mạo hiểm ở châu Âu đổ vào các startup công nghệ biến đổi khí hậu đã tăng gấp 7 lần kể từ năm 2016, từ 1,1 tỉ đô la lên 8 tỉ đô la.
London là nơi quy tụ các startup công nghệ chống biến đổi khí hậu đông đảo nhất ở châu Âu và chỉ đứng sau Thung lũng Silicon ở bang California, Mỹ nếu xét trên trên bình diện toàn cầu.
Kể từ khi Thỏa thuận khí hậu Paris được ký kết vào năm 2015, có 416 startup công nghệ khí hậu được thành lập ở London. Trong năm qua, mức định giá của các startup này ở thủ đô nước Anh đã tăng gấp 3 lần, lên mức 28 tỉ đô la. Kể từ năm 2016, họ huy động được 3,3 tỉ đô la, chiếm 16% tổng vốn huy động của toàn châu Âu.
Giá trị các thương vụ đầu tư mà họ huy động được ngày càng tăng và đã vượt con số 1 tỉ đô la trong 9 tháng đầu năm nay. Các nhà lãnh đạo thế giới và doanh nghiệp trên thế giới đang đối mặt áp lực cắt giảm khí thải nhà kính ngày càng gia tăng khi giới khoa học cảnh báo Trái đất đang hướng đến thảm họa khí hậu nếu nhiệt độ tiếp tục tăng vượt tầm kiểm soát.
Sẽ xuất hiện nhiều “Microsoft trong lĩnh vực khí hậu”
Một số nhà đầu tư hàng đầu trên thế giới đang ca ngợi tiềm năng của các startup tập trung vào các công nghệ giúp chống ô nhiễm môi trường. Tuần trước, phát biểu tại Hội nghị thượng định Sáng kiến xanh Trung Đông, tổ chức ở Riyadh, Saudi Arabia, ông Larry Fink, Giám đốc điều hành Blackrock, công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới, đang nắm giữ số tài sản trị giá hơn 9,4 ngàn tỉ đô la, nói rằng ông kỳ vọng 1.000 startup kỳ lân (có mức định giá từ 1 tỉ đô la trở lên) tiếp theo sẽ là những công ty hoạt động trong các lĩnh vực có liên quan đến công nghệ chống biến đổi khí hậu.
Ông nói: “Tôi tin rằng 1.000 kỳ lân khởi nghiệp tiếp theo sẽ không phải là những công ty liên quan đến cỗ máy tìm kiếm hay truyền thông xã hội, mà chúng sẽ những công ty phát triển hydrogen xanh, nông nghiệp xanh, thép xanh và xi măng xanh”.
Ông cho rằng nếu thế giới hướng đến mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, điều này đòi hỏi phải đầu tư rất lớn cho sáng tạo để dẫn đến một cuộc cách mạng thực sự trong hoạt động sản xuất mọi thứ, từ nhiên liệu, thực phẩm cho đến vật liệu xây dựng.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn gần đây, tỉ phú Bill Gates, người đồng sáng lập Microsoft, tin rằng lượng vốn sẵn sàng đầu tư cho công nghệ biến đổi khí hậu sẽ rất lớn. Ông dự báo trong tương lai sẽ xuất hiện những công ty tầm cỡ trong lĩnh vực này, có quy mô như Tesla, Google, Amazon và Microsoft. Tỉ phú Bill Gates đang đầu tư cho các công nghệ sạch thông qua Quỹ đầu tư Breakthrough Energy Ventures của ông.
Tuần trước, Công ty tìm kiếm Ecosia (Đức), đối thủ của Google, thông báo thành lập quỹ trị giá 350 triệu euro để đầu tư vào các startup công nghệ khí hậu ở châu Âu. Công ty này được thành lập vào năm 2009 và cam kết hiến tặng 80% lợi nhuận cho các tổ chức tái tạo rừng.
“Mục tiêu thành lập quỹ này là giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Tại Ecosia, chúng tôi đã làm điều đó từ lâu thông qua các dự án trồng cây nhưng như vậy là chưa đủ”, Christian Kroll, Giám đốc điều hành Ecosia, nói. Cho đến nay, Ecosia đã tài trợ để trồng 136 triệu cây xanh trên toàn cầu, giúp loại bỏ gần 2.000 tấn CO2 mỗi ngày.
Khánh Lan
(KTSG Online /Theo CNBC)
- Thành phố của Trung Quốc phát triển vũ trụ ảo
- Pháp sẽ sử dụng taxi bay để đưa đón du khách trong thế vận hội Olympic 2024
- Sự hồi sinh của ngôi chợ biểu tượng ở Thái Lan
- Buenos Aires giành giải "Thành phố thông minh" của thế giới năm 2021
- Thủ đô New Delhi của Ấn Độ chìm trong màn khói độc hại
- Các nhà đầu tư cam kết gần 10 tỷ bảng vào tăng trưởng xanh tại Anh
- Văn phòng “xanh” ở London hút khách dù giá thuê cao
- Hong Kong chi kỷ lục cho giảm thiểu biến đổi khí hậu
- Indonesia lập bảo tàng bằng rác thải nhựa phía Đông đảo Java
- Nhà thờ Đức Bà Paris lên kế hoạch đón khách trở lại năm 2024