Thủ tướng Boris Johnson khẳng định khoản đầu tư mới trị giá 9,7 tỷ bảng Anh sẽ thúc đẩy phục hồi kinh tế, tạo ra hàng nghìn việc làm và giúp nâng cấp các vùng trên khắp nước Anh.
Các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đã cam kết gần 10 tỷ bảng Anh (khoảng 13 tỷ USD) vào cơ sở hạ tầng, công nghệ và năng lượng tại Anh trong một nỗ lực toàn cầu nhằm thúc đẩy “tăng trưởng xanh” của nền kinh tế này.
(Ảnh minh họa: wobo-un.org)
Theo phóng viên TTXVN tại London, các cam kết đầu tư với tổng giá trị 9,7 tỷ bảng đã được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh đầu tư toàn cầu tại London ngày 19/10.
Hội nghị quy tụ hơn 200 nhà tài chính và giám đốc điều hành trên thế giới nhằm xem xét vai trò của khu vực tư nhân trong việc đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 trên toàn cầu và giới thiệu các cơ hội đầu tư tại Anh trong các ngành công nghiệp bền vững tương lai.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Boris Johnson cho biết các nhà đầu tư hàng đầu trên thế giới đã nhìn thấy tiềm năng tăng trưởng và đổi mới các ngành công nghiệp tương lai tại Anh.
Ông khẳng định khoản đầu tư mới trị giá 9,7 tỷ bảng Anh sẽ thúc đẩy phục hồi kinh tế, tạo ra hàng nghìn việc làm và giúp nâng cấp các vùng trên khắp nước Anh.
Trong số các khoản đầu tư, tập đoàn điện lực Iberdrola (Tây Ban Nha) cam kết 6 tỷ bảng thông qua công ty con ScottishPower tại Anh để phát triển điện gió ngoài khơi bờ biển Đông Anglia, dự kiến sẽ tạo ra 7.000 việc làm.
Chủ tịch Iberdrola Ignacio Galán cho biết đây sẽ là một “bước tiến quan trọng” để cung cấp năng lượng cho mọi gia đình ở Vương quốc Anh vào năm 2030.
Công ty đầu tư bất động sản Prologis (Mỹ) dự kiến chi 1,5 tỷ bảng để phát triển hệ thống kho hàng phát thải ròng bằng 0 tại Anh trong 3 năm tới, tạo ra khoảng 14.000 việc làm, trong khi tập đoàn năng lượng tái tạo và tái chế Viridor thuộc công ty KKR (Mỹ) có kế hoạch đầu tư 1 tỷ bảng vào công nghệ khử carbon nhằm trở thành công ty đầu tiên về rác thải đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2030.
Công ty Eren Paper, thuộc tập đoàn Eren Holding (Thổ Nhĩ Kỳ), đầu tư 500 triệu bảng Anh để mua lại một nhà máy ở Shotton, North Wales, để chuyển sang sản xuất bìa carton từ phế liệu giấy.
Các cam kết khác gồm 220 triệu bảng của công ty tài chính cho vay ngang hàng (peer-to-peer lending) Zopa (Anh) để phát triển các dịch vụ cho vay bền vững ở Anh và hơn 100 triệu bảng của công ty dịch vụ năng lượng Budweiser và Protium (Anh), để triển khai hydro xanh tại nhà máy bia ở Nam Wales.
EDP, công ty năng lượng của Bồ Đào Nha, dự kiến cũng sẽ công bố đầu tư 13 tỷ bảng vào năm 2030 cho các dự án điện mặt trời và điện gió trên bờ và ngoài khơi.
Diễn ra trong bối cảnh Chính phủ Anh muốn sử dụng đầu tư nước ngoài để thúc đẩy phục hồi kinh tế, hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng và phát triển các công nghệ xanh, Hội nghị thượng đỉnh đầu tư toàn cầu bao gồm hơn 100 cuộc gặp mặt giữa các nhà đầu tư và các bộ trưởng của Anh.
Trong số đại biểu tham dự có cựu Giám đốc Microsoft Bill Gates; ông chủ công ty quản lý đầu tư BlackRock (Mỹ), Larry Fink; Chủ tịch tập đoàn Blackstone (Mỹ) Stephen Schwarzman; và Giám đốc điều hành các công ty đa quốc gia như Amazon, Heinz và Disney. Hầu hết các nhà đầu tư đến từ nước ngoài, 1/3 trong số này đến từ Mỹ.
Trong tuần này, Chính phủ Anh dự kiến sẽ công bố chiến lược phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, gồm các biện pháp để xây dựng ngành năng lượng sạch an toàn tại Anh, hỗ trợ các doanh nghiệp và người tiêu dùng để chuyển đổi sang nguồn điện sạch, tạo ra hàng nghìn việc làm lương cao và thu hút đầu tư./.
Minh Hợp
(TTXVN / Vietnam+)
- Pháp sẽ sử dụng taxi bay để đưa đón du khách trong thế vận hội Olympic 2024
- Sự hồi sinh của ngôi chợ biểu tượng ở Thái Lan
- Buenos Aires giành giải "Thành phố thông minh" của thế giới năm 2021
- Thủ đô New Delhi của Ấn Độ chìm trong màn khói độc hại
- Vốn chảy vào các startup công nghệ chống biến đổi khí hậu đạt kỷ lục
- Văn phòng “xanh” ở London hút khách dù giá thuê cao
- Hong Kong chi kỷ lục cho giảm thiểu biến đổi khí hậu
- Indonesia lập bảo tàng bằng rác thải nhựa phía Đông đảo Java
- Nhà thờ Đức Bà Paris lên kế hoạch đón khách trở lại năm 2024
- Khải Hoàn Môn của Pháp trở thành tác phẩm nghệ thuật về môi trường