Dòng tiền đầu tư hạ tầng trên toàn cầu đang hồi sinh sau một năm ảm đạm khi các quỹ trong lĩnh vực này chật vật gọi vốn trong bối cảnh lãi suất và lạm phát tăng cao. Nhiều quỹ hạ tầng mới ra mắt để tìm kiếm lợi nhuận từ làn sóng chuyển đổi sang năng lượng sạch cũng như xu hướng di dời chuỗi cung ứng về gần thị trường tiêu dùng.
Làn sóng chuyển đổi sang năng lượng sạch đang thúc đẩy nhu cầu đầu tư vào hạ tầng năng lượng. (Ảnh: moei.gov.ae)
Cuối tháng 11, Công ty quản lý tài sản Brookfield Asset Management của Canada hoàn tất gọi vốn 28 tỉ đô la Mỹ cho quỹ hạ tầng Brookfield Infrastructure Partners. Khoảng 200 nhà đầu tư tổ chức chẳng hạn các quỹ hưu trí, quỹ đầu tư chủ quyền góp 21 tỉ đô la vào quỹ này. Brookfield đầu tư 7 tỉ đô la còn lại thông qua nguồn tiền có sẵn và phát hành cổ phần mới.
Brookfield Infrastructure Partners là quỹ hạ tầng lớn nhất từ trước đến nay trên toàn cầu để đầu tư vào các tài sản như sân bay, đường thu phí, đường ống dẫn dầu, nhà máy xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng…. Đây cũng là quỹ lớn nhất từng được đơn vị này huy động. Brookfield đang quản lý 850 tỉ đô la trong nhiều lĩnh vực bao gồm bất động sản, tín dụng, bảo hiểm, năng lượng tái tạo và thâu tóm doanh nghiệp.
Trong khi đó, các công ty quản lý tài sản lớn khác gồm Blackstone, KKR, cũng như các nhà đầu tư cơ sở hạ tầng chuyên nghiệp như Global Infrastructure Partners (GIP), I Squared Capital, Stonepeak gần đây cũng huy động được nguồn vốn mới đáng kể hoặc đang đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng cho các quỹ hạ tầng mới. GIP, có trụ sở ở New York (Mỹ), đang nhắm mục tiêu huy động 25 tỉ đô la ch quỹ hạ tầng mới nhất, và Blackstone đặt mục tiêu quản lý hơn 100 tỉ đô la vốn đầu tư hạ tầng.
“Chúng tôi thực sự phấn khích về những gì đang chờ đợi chúng tôi trong hai đến ba năm nữa vì xu hướng khử carbon, số hóa và phi toàn cầu hóa sắp tới”, Sikander Rashid, Giám đốc đầu tư của bộ phận hạ tầng của Brookfield, người giám sát quỹ mới huy động được 28 tỉ đô la, cho biết.
Ngày nay, đầu tư hạ tầng ngày nay trải dài trong nhiều lĩnh vực từ đường thu phí đến tài sản năng lượng và nhà máy chip. Theo dữ liệu Preqin, hoạt động huy động vốn cho các quỹ hạ tầng giảm mạnh trong phần lớn năm 2023, với số tiền huy động gần đây của Brookfield chiếm gần 2/3 trong số 45 tỉ đô la Mỹ mà tất cả các quỹ hạ tầng thu về trong năm nay.
Năm 2022, hơn 175 tỉ đô la được rót vào hơn 156 quỹ hạ tầng trên toàn cầu, khi các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận tách biệt với các tài sản sản truyền thống như cổ phiếu, trái phiếu và dòng tiền ổn định gắn liền với lĩnh vực này.
Trong những tuần gần đây khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) báo hiệu rằng chiến dịch tăng lãi suất đã lên mức đỉnh điểm và có thể đảo ngược, dòng vốn chảy vào các quỹ hạ tầng bắt đầu tăng tốc. Preqin dự báo, các quỹ hạ tầng trên toàn cầu sẽ huy động thành công 84 tỉ đô la trong năm 2024, gần gấp đôi con số của năm nay.
Sadek Wahba, đối tác quản lý của I Squared Capital, có trụ sở ở bang Florida (Mỹ), lưu ý, các khoản đầu tư vào tài sản hạ tầng có lợi nhuận bị kiểm soát, chẳng hạn như lĩnh vực hạ tầng cấp nước ở Anh, bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi lãi suất tăng vì không thể chuyển chi phí tăng thêm do lạm phát sang khách hàng.
Nhưng Wahba và các nhà đầu tư khác cho rằng, các sáng kiến năng lượng xanh, cũng như căng thẳng địa chính trị gia tăng khiến các công ty tập trung vào nỗ lực củng cố chuỗi cung ứng trong nước. Điều này đang thúc đẩy nhu cầu đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng.
Các luật khuyến khích ngành công nghiệp trong nước và công nghệ sạch, như Đạo luật Giảm lạm phát và Đạo luật CHIPS và khoa học của Mỹ, đã thúc đẩy đầu tư và đẩy tăng nhu cầu xây dựng hạ tầng giao thông, năng lượng và xử lý rác thải trên khắp nước Mỹ.
“Cơ sở hạ tầng là hạng mục tài sản sẽ thu hút phần lớn nguồn vốn huy động cho quá trình chuyển đổi năng lượng”, Alex Murray, nhà nghiên cứu của Preqin, nhận định.
Trao đổi với Financial Times, Sam Pollock, CEO ở bộ phận hạ tầng của Brookfield, nói ông tin rằng, một thế giới “phi toàn cầu hóa”, nơi các công ty lớn đang đưa hoạt động sản xuất đến gần quê nhà hơn và tìm nguồn cung ứng nhu cầu năng lượng từ các đồng minh địa chính trị, đã giúp mở rộng đáng kể nhu cầu đầu tư hạ tầng tiềm năng,
Pollock cho rằng, việc đưa các ngành công nghiệp quan trọng như năng lượng và bán dẫn về Mỹ “cần rất nhiều vốn mới để củng cố chuỗi cung ứng và hạ tầng năng lượng”.
Ông cũng ước tính, cần đầu tư 1 nghìn tỉ đô la để tái thiết lập tất cả cơ sở hạ tầng kỹ thuật số trên toàn thế giới, với các trung tâm dữ liệu, mạng truyền thông cáp quang và tháp di động mới.
Trong năm nay, Brookfield đã cam kết 15 tỉ đô la Mỹ để tài trợ cho hoạt động sản xuất của Intel tại một nhà máy chip trị giá 30 tỉ đô la ở bang Arizona. Brookfield cũng nằm trong nhóm nhà đầu tư đã mua phần lớn cổ phần ở mảng kinh doanh tháp di động của hãng viễn thông Deutsche Telekom (Đức) với giá 17,5 tỉ euro.
Brookfield, Blackstone, Global Opportunity Partners và I Squared Capital cũng đã đầu tư vào các dự án xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng ở Mỹ, một lĩnh vực kinh doanh đang bùng nổ khi các nền kinh tế Tây Âu tìm cách thoát khỏi khí đốt của Nga.
Scott Nuttall, đồng CEO của KKR, gần đây nhấn mạnh rằng, mảng kinh doanh hạ tầng bao gồm các quỹ mới dành riêng cho quá trình chuyển đổi năng lượng, sẽ là nguồn tăng trưởng chính của KKR.
EQT, một nhà đầu tư cơ sở hạ tầng và vốn cổ phần tư nhân, có trụ sở tại Stockholm (Thụy Điển), đang đầu tư vào tính bền vững của hoạt động sản xuất công nghiệp ở Mỹ để tận dụng nhu cầu quản lý chất thải phát sinh từ các nhà máy chip và sản xuất vật liệu năng lượng tái tạo. EQT gần đây đạt được thỏa thuận mua lại phần lớn cổ phấn của Heritage Environmental Services (Mỹ), một công ty dịch vụ môi trường chuyên xử lý chất thải và phế phẩm công nghiệp từ nhà máy hóa chất, đường ống, sản xuất đất hiếm và bán dẫn.
JD Vargas, một đối tác của EQT, dự báo, việc các công ty như Tesla, Albermarle, Eli Lilly, Chevron và BASF dự kiến mở các nhà máy lớn sẽ làm tăng thêm nhu cầu về hạ tầng xử lý rác thải. Khoản đầu tư vào Heritage Environmental Services là sự đặt cược vào cả quy mô chuyển dịch hoạt động sản xuất công nghiệp về Mỹ và sự tập trung vào tính bền vững.
“Nhu cầu về nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực xử lý chất thải công nghiệp không hề giảm đi, mà ngày càng tăng lên”, Vargas nói.
Chánh Tài
(KTSG Online /Theo Financial Times)
- Dấu chấm hết cho hy vọng hồi sinh Evergrande
- Ngày càng có nhiều nhà đầu tư muốn bán bất động sản ở châu Á
- Thủ tướng Modi khánh thành cây cầu vượt biển dài nhất Ấn Độ
- Samsung C&T hoàn thành tòa nhà cao thứ 2 thế giới tại Malaysia
- Bỉ xây dựng “tuyến đường nước cao tốc” giúp các đô thị đối phó với khô hạn
- COP28 nhất trí chuyển tiếp khỏi nhiên liệu hóa thạch
- Hội nghị COP28: Các bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung
- Ấn Độ hướng đến xây dựng một trung tâm dịch vụ tài chính quốc tế
- Nhà đầu tư Nhật Bản tận dụng khủng hoảng để thâu tóm bất động sản trên toàn cầu
- COP28: Cảnh báo cam kết "suông" trong mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0