Dự án đầu tư xây dựng cầu Nguyễn Trãi và chỉnh trang đô thị vùng phụ cận có tổng mức đầu tư hơn 6.235 tỷ đồng nối đô thị truyền thống của Hải Phòng với khu vực đô thị mới Thuỷ Nguyên dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027…
Ngày 18/12, UBND TP. Hải Phòng đã tổ chức khởi công dự án đầu tư xây dựng cầu Nguyễn Trãi và chỉnh trang đô thị vùng phụ cận, dự án trọng điểm năm 2024 của thành phố cảng. Cầu Nguyễn Trãi là cây cầu thứ 6 bắc qua sông Cấm nối quận Ngô Quyền với huyện Thủy Nguyên (sẽ trở thành thành phố trực thuộc thành phố từ 1/1/2025).
Phối cảnh cầu Nguyễn Trãi nối đô thị hiện hữu của Hải Phòng thành phố tương lai Thuỷ Nguyên
Cây cầu thứ 6 bắc qua sông Cấm
Dự án cầu Nguyễn Trãi và chỉnh trang đô thị vùng phụ cận do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư 6.235 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố Hải Phòng và Trung ương. Dự án bao gồm 2 dự án thành phần, trong đó, dự án thành phần 1 là xây dựng công trình với tổng mức đầu tư 4.416 tỷ đồng, dự án thành phần 2 là thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng với tổng mức đầu tư 1.819 tỷ đồng.
Dự án có quy mô xây dựng mới cầu Nguyễn Trãi kết cấu vĩnh cửu vượt sông Cấm với chiều dài cầu chính khoảng 1.476m, trong đó, phần cầu chính dài 550m (là cầu dây văng, nhịp chính bố trí 1 mặt phẳng dây, nhịp biên bố trí 2 mặt phẳng dây). Chiều dài cầu dẫn phía Thủy Nguyên 459m, chiều dài cầu dẫn phía quận Ngô Quyền hơn 466m. Bề rộng cầu chính 26,5m, bề mặt cầu dẫn 23,5m, gồm 4 làn xe cơ giới và 2 lề đường (được sử dụng như làn hỗn hợp cho xe máy và xe thô sơ). Vận tốc thiết kế cầu chính 80km/h, tĩnh không thông thuyền khoảng 165m x 25m.
Hạng mục thứ hai của dự án là xây dựng nút giao kết nối cầu chính với đường Lê Thánh Tông với các nhánh kết nối dạng vòng tròn, gồm 2 nhánh vòng tròn (tổ chức giao thông một chiều), nhánh phải dài 675m, nhánh trái dài hơn 447m, bề rộng mỗi nhánh là 10m.
Hạng mục thứ ba là mở rộng đường Nguyễn Trãi đoạn tuyến hiện tại có bề rộng 18m lên thành (43,50-50,5m), kết nối với đoạn tuyến hiện tại khu vực nút giao với đường Lê Hồng Phong có bề rộng 50,5m.
Hạng mục thứ tư là xây dựng đường ven sông Cấm kết nối giữa đường Ngô Quyền với đường ven sông khu vực cầu Hoàng Văn Thụ (chiều dài khoảng 2,27km) bề rộng nền (28 và 40m) và các tuyến đường kết nối đường ven sông Cấm thuộc dự án với đường Hoàng Diệu với bề rộng nền (20 và 21m).
Cùng với việc xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước, lắp đặt hệ thống chiếu sáng, báo hiệu theo quy chuẩn hiện hành, dự án còn thực hiện di dời giải phóng mặt bằng khu vực cảng Hoàng Diệu, khu vực ga đường sắt tiền cảng, giải phóng mặt bằng khu vực đường Nguyễn Trãi (từ nút ngã 6 tới đường Lê Thánh Tông), đường ven sông cùng phần cầu và đường dẫn phía Thủy Nguyên.
Cầu Nguyễn Trãi là cây cầu thứ 6 của Hải Phòng bắc qua sông Cấm (sau cầu Kiền, cầu Bính, cầu Hoàng Văn Thụ, cầu Máy Chai và cầu Bạch Đằng) dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng vào năm 2027.
Kết nối khu vực đô thị hiện hữu và đô thị mới
UBND TP. Hải Phòng cho rằng khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ giúp thành phố cảng có được trục kết nối khu đô thị hiện hữu với khu đô thị mới phía Bắc sông Cấm cùng các khu công nghiệp VSIP, Tam Hưng – Ngũ Lão, Thủy Nguyên. Dự án cũng góp phần liên kết Cảng hàng không quốc tế Cát Bi với cực phát triển phía Bắc của thành phố tại khu vực Bắc sông Cấm, đáp ứng tốt cho nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho thu hút FDI. Đồng thời, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội không chỉ của thành phố Thuỷ Nguyên nói riêng, thành phố Hải Phòng nói chung mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh lân cận.
Theo Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 thì năm 2025, Hải Phòng sẽ hoàn thành di chuyển trung tâm hành chính sang phía Bắc sông Cấm. Do đó, dự án đầu tư xây dựng cầu Nguyễn Trãi và chỉnh trang đô thị vùng phụ cận có ý nghĩa rất quan trọng nhằm hiện thực hóa mục tiêu trên, đồng thời, góp phần kết nối hạ tầng giao thông, mở rộng không gian đô thị của Hải Phòng, khai thác hiệu quả các quỹ có giá trị hai bên bờ sông Cấm.
Phát biểu tại lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng cầu Nguyễn Trãi và chỉnh trang đô thị vùng phụ cận, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng, cho biết Hải Phòng đã đầu tư dự án Hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Bắc sông Cấm 324ha cùng các dự án Trung tâm Chính trị - Hành chính, Trung tâm Hội nghị - Biểu diễn thành phố đến tháng 5/2025 sẽ di chuyển trung tâm hành chính sang khu vực này.
Tại khu vực Bắc sông Cấm nhiều nhà đầu tư đang đầu tư xây dựng các khu đô thị mới. Hơn nữa, từ đầu năm 2025, Thuỷ Nguyên sẽ trở thành thành phố trực thuộc thành phố Hải Phòng nên nơi đây sẽ trở thành khu vực đô thị mới có lượng dân cư rất lớn. Việc đầu tư xây dựng cầu Nguyễn Trãi bắc qua sông Cấm nhằm đảm bảo nhu cầu đi lại giữa đô thị hiện hữu và đô thị mới được thuận tiện và thông thoáng hơn.
Để dự án được thực hiện đúng tiến độ và có hiệu quả, ông Tùng đề nghị nhà thầu thi công cần tập trung nhân lực và vật lực để xây dựng công trình đảm bảo về kỹ thuật và mỹ thuật, phấn đấu hoàn thành dự án trong năm 2027. Ông Tùng yêu cầu các sở ngành của thành phố tạo điều kiện, giải quyết ngay những khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình thi công dự án.
Đỗ Hoàng
(VnEconomy)
- Đẩy mạnh tập huấn Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn
- Phú Yên phát triển chuỗi đô thị ven biển
- Ashui Awards 2024 công bố các đề cử chính thức
- Bộ Xây dựng hướng dẫn áp dụng Bộ tiêu chí đô thị thông minh bền vững
- Ninh Thuận: Đứng top 10 cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài
- Năm 2025, cả nước dự kiến hoàn thành trên 100.000 căn nhà ở xã hội
- Bình Phước công bố quy hoạch: Hướng tới cực tăng trưởng Đông Nam Bộ
- Tổng Công ty 319 sắp khởi công dự án nhà ở xã hội tại Đông Anh, Hà Nội