Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tin tức Thế giới Phát hiện hầm mộ cổ của một hoàng hậu Ai Cập

Phát hiện hầm mộ cổ của một hoàng hậu Ai Cập

Viết email In

Một đội khảo cổ Pháp vừa thông báo việc phát hiện hầm mộ của một hoàng hậu Ai Cập sống cách nay hơn 4.000 năm. Điều đặc biệt nằm ở chỗ đây là hầm mộ thứ hai của một hoàng hậu có những văn kiện khắc trên vách đá kim tự tháp (pyramid text).

Hầm mộ không nguyên vẹn

  • Ảnh bên : Chiếc quách đá của Hoàng hậu Behenu

Nghĩa địa Saqqara nằm cách thủ đô Cairo của Ai Cập 30km là địa chỉ vàng mới đối với giới khảo cổ. 10 đội khảo cổ quốc tế làm việc liên tục tại đây đã tìm thấy hàng loạt cổ vật. Trong đó, đáng chú ý nhất là kết quả tìm kiếm của nhóm khảo cổ Pháp do Philippe Collombert đứng đầu. Họ đã phát hiện ra hầm mộ của Hoàng hậu Behenu, sống trong giai đoạn từ Triều đại thứ 5 tới thứ 6 của Ai Cập. Triều đại thứ 5 được cho là tồn tại từ năm 2465 tới 2323 trước Công nguyên (CN), trong khi Triều đại thứ 6 tồn tại từ năm 2323 tới 2150 trước CN.

Dường như Collombert và cộng sự rất có duyên với việc tìm kiếm lăng mộ các hoàng hậu. Kể từ khi tới Ai Cập năm 1988, họ đã phát hiện 7 hầm mộ các hoàng hậu thuộc về Triều đại thứ 6, ngoài Behenu còn có Inenek, Nubunet, Meretites II, Ankhesenpepi II, Miha và một người chưa rõ danh tính.

Giống như nhiều kim tự tháp khác thuộc nghĩa địa Saqqara, hầm mộ của Hoàng hậu Behenu không còn nguyên vẹn. “Hầm mộ mà chúng tôi vừa phát hiện, giống như nhiều cái tương tự tai khu vực này, đang ở trong điều kiện rất tồi do bị tàn phá dưới thời Mamluk, vốn kết thúc cách đây khoảng 500 năm. Những người thợ đá, do muốn tìm những hòn đá vôi có chất lượng tốt, đã bóc đi hết lớp vỏ của các kim tự tháp. Có lẽ họ còn chui vào bên trong các phòng mai táng để lấy đi nhiều thứ” - Collombert nói.

Do lăng mộ bị hư hại, xác ướp của Hoàng hậu Behenu cũng không còn. Người ta chỉ tìm thấy một số mảnh vải lanh dùng cho việc ướp xác, chiếc quách đá lớn của bà và các bức tường có pyramid text. “Chúng tôi rất phấn khích bởi những chữ tượng hình được bảo quản rất tốt” - Collombert nói với hãng tin AP, sau khi thông báo thêm rằng tên tuổi và danh hiệu của Hoàng hậu được ghi rất rõ trên các bức tường đá với kích cỡ dài 10m, rộng 5m đặt trong hầm mộ này.

Những bùa chú linh thiêng

Không phải hầm mộ nào cũng có pyramid text. Ngoài Behenu, chỉ mộ Hoàng hậu Ankhesenpepi II có những chữ như thế. Pyramid text là những văn kiện mang tính tín ngưỡng, thường được tạo nên từ nhiều loại bùa với mục tiêu bảo vệ thi hài của các bậc vua chúa Ai Cập sau khi họ qua đời. Theo tín ngưỡng thời đó, bùa chú sẽ giúp thi hài sống dậy sau khi chết và lên thiên đàng. Nội dung pyramid text có mô tả cặn kẽ những phương thức mà người ta có thể dùng để đi tới kiếp sau, gồm sử dụng các con dốc, bậc thang và cả bay lượn. Bùa chú có thể được dùng để kêu gọi Thượng đế cứu giúp hoặc đe dọa nếu đấng tối cao không nghe theo lời cầu khẩn.

  • Ảnh bên : Một bức tường đầy pyramid text trong hầm mộ

Cho tới nay mới chỉ 11 hầm mộ được tìm thấy có pyramid text và tất cả đều không còn nguyên vẹn. Những pyramid text sớm nhất được phát hiện là dưới thời Unas, vị vua cuối cùng của Triều đại thứ 5.

Ngoài ý nghĩa tín ngưỡng, pyramid text còn được xem là nền móng cho hoạt động viết hiện đại. “Pyramid text đóng vai trò kim chỉ nam của hoạt động viết trong lịch sử thế giới” - Collombert nói - “Đây là lần đầu tiên người ta tập hợp số lượng lớn chữ vào một chỗ. Đó là lý do vì sao việc tìm được pyramid text có ý nghĩa vô cùng quan trọng”.

Vẫn còn bí ẩn

Cho tới nay, người ta chưa rõ Behenu là vợ của vua Pepi I hay Pepi II. Bản thân Collombert cho rằng bà này là vợ của Pepi II do ở thời Pepi I, người ta thường không viết pyramid text trong mộ các hoàng hậu. Tuy nhiên các nhà khảo cổ khác không chắc chắn 100% rằng Behenu là vợ Pepi II do mộ của bà không có thông tin cụ thể liên quan tới chồng. Nguyên nhân vì sao Behenu được khắc pyramid text trong mộ cũng chưa có lời giải.

Bản thân chiếc quách của bà cũng gây nghi vấn. Theo Gala Mujawwad , một chuyên gia về cổ vật làm việc cùng đội tìm kiếm của Pháp, thì chiếc quách này thuộc loại cực hiếm. “Nó hiếm ở chỗ phần thân chính làm từ đá granite màu hồng trong khi phần nắp lại làm bằng đá bazan đen” - ông nói. Tuy nhiên sau đó, chính Mujawwad và một số nhà nghiên cứu khác đã tỏ ý nghi ngờ phần nắp có thể đã được đưa từ một cái quách khác sang.

Mặc dù vậy, việc tìm thấy hầm mộ của Behenu vẫn được xem là dấu mốc quan trọng trong hoạt động bảo tồn văn hóa Ai Cập. Nó diễn ra khi nước này mới nhận lại 25.000 cổ vật được chuyển sang từ London, Anh. Một số cổ vật đã được trưng bày trong các bảo tàng Anh suốt hơn một thế kỷ qua. Hiện chưa rõ phía Anh có trao trả vĩnh viễn những cổ vật đó hay chỉ chuyển tới cho các bảo tàng Ai Cập mượn để trưng bày.

Tường Linh

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo