Nhật Bản hôm nay (12/4) đã nâng mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng hạt nhân lên mức 7 - mức cao nhất, ngang bằng với thảm họa hạt nhân Chernobyl năm 1986. Bức xạ rò rỉ đã gây ô nhiễm không khí, nguồn nước, rau quả và đại dương.
Trước đó, sự cố hạt nhân ở Nhật sau thảm họa động đất, sóng thần được xếp ở mức thứ 5 theo thang điểm khủng hoảng hạt nhân của Tổ chức năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA. Tuy nhiên, những quan ngại về "hiệu ứng môi trường và mối đe dọa sức khỏe lan rộng" đã khiến sự cố hạt nhân ở Fukushima được nâng lên ngang bằng với thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trong thời bình diễn ra 25 năm trước đây ở Chernobyl, Ukraina.
Việc đánh giá lại mức độ nghiêm trọng của sự cố hạt nhân Nhật Bản được đưa ra sau khi Nhật tiếp tục hứng chịu những dư chấn cường độ mạnh, với cơn dư chấn 6.3 độ richter rung chuyển tỉnh Fukushima vào đầu giờ sáng nay.
- Ảnh bên : Chuyên gia của NISA, ông Nishiyama Hidehiko (bên trái) tuyên bố nâng cấp sự cố hạt nhân lên cấp độ 7.
Cơ quan An toàn hạt nhân Nhật Bản (NISA) cho hay, mức phát thải phóng xạ từ nhà máy Fukushima I, nơi hệ thống làm lạnh bị đánh sập bởi trận sóng thần tháng trước, bằng 10% của thảm họa Chernobyl. Tuy nhiên, quan chức của Cơ quan này nói rằng, 2 thảm họa có hoàn toàn khác nhau.
"Ở Chernobyl, đã có sự tiếp xúc với bức xạ mức độ cao khiến 29 người chết. Ở Fukushima không như vậy. Ngoài ra, trong khi lò phản ứng ở Chernobyl tự phát nổ, thì ở Fukushima các lò phản ứng vẫn trong tình trạng nguyên vẹn, mặc dù có một số rò rỉ" - quan chức có tên Hidehiko Nishiyama nói.
Hôm qua, chính phủ Nhật Bản cho biết sẽ yêu cầu người dân rời khỏi một số khu vực nhất định bên ngoài vùng sơ tán do lo ngại về tác động tiếp xúc lâu dài với phóng xạ.
Các đội cứu hộ khẩn cấp ở nhà máy vẫn tiếp tục làm việc ngày đêm để chiến đấu với sự cố. Hôm qua, chính phủ cho hay, mức nguy hiểm rò rỉ lượng lớn phóng xạ đang ngày càng "được thu hẹp đang kể".
Trong khi đó, theo IAEA, cấp độ 7 của sự cố hạt nhân liên quan tới "việc phát tán phóng xạ ở mức độ lớn, đe dọa tới môi trường, sức khỏe con người, đòi hỏi phải tiến hành các biện pháp đối phó có kế hoạch và mở rộng". Trước đó, sự cố hạt nhân ở Fukushima được xếp ở thang điểm 5. Mỗi một thang điểm nâng lên chỉ sự gia tăng mức độ nghiêm trọng lên gấp khoảng 10 lần.
25 năm trước, sự cố tan chảy lò phản ứng ở Chernobyl đã gây rò rỉ bức xạ độc hại với khối lượng lớn, làm nhiễm độc cả một khu vực đất đai rộng và ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng ngàn người. Theo một ước tính của LHQ năm 2005, tổng số người chết do ảnh hưởng lâu dài từ thảm họa hạt nhân này vào khoảng 4.000 đến 10.000 hoặc thậm chí hàng trăm nghìn người theo con số của các nhóm phi chính phủ.
Sau trận siêu động đất hôm 11/3, tính đến nay Nhật Bản tiếp tục hứng chịu hơn 400 dư chấn trên 5 độ richter.
Trong một diễn biến khác, sáng nay, một đám cháy đã bùng phát bên ngoài tòa nhà chứa lò phản ứng số 4, nhưng sau đó được nhanh chóng dập tắt và không lây lan ra các khu vực khác. Tuy nhiên, các quan chức Công ty Điện lực Tokyo cho hay, vụ cháy không liên quan đến dư chấn nói trên.
Vân Anh (Theo AFP)
- Bong bóng bất động sản Trung Quốc ngày càng lớn
- Lào hoãn xây đập thủy điện Xayaburi trên sông Mekong
- Buenos Aires - Thủ đô sách thế giới năm 2011
- Thành phố Tlemcen là thủ đô văn hóa Hồi giáo 2011
- Ả Rập Xê-út xây tòa tháp cao nhất thế giới
- Thượng Hải xây công viên Disneyland gần 4 tỷ USD
- ASEAN lập quỹ phát triển cơ sở hạ tầng khu vực
- Thành phố nào là nạn nhân tiếp theo của “siêu động đất”?
- Nghĩ lại về điện hạt nhân
- Tinh thần Nhật Bản: Sửa đường trong 6 ngày