Đó là trường hợp của khu tổ hợp cao cấp Wangjing Soho gồm 3 tòa nhà do "siêu sao" làng kiến trúc Zaha Hadid đang xây dựng ở Bắc Kinh. Nữ kiến trúc sư đón nhận tin này với thái độ bình thản bởi đã… quá quen.
Trung Quốc nổi tiếng với các công trình kiến trúc mô phỏng các thắng cảnh nổi tiếng thế giới như tháp Eiffel ở Hàng Châu, Nhà Trắng ở Bắc Kinh, cầu tháp London ở Tô Châu, các ngôi làng châu Âu ở nhiều tỉnh khác…
Công trình nhái chạy đua với "công trình gốc"
Nhưng lần này, trình độ sao chép đã đạt một tầm cao mới khi một công trình kiến trúc bị xây nhái ngay trước khi hoàn thành. Và hiện tại, cả công trình gốc lẫn công trình nhái đều đang chạy đua xem cái nào sẽ… hoàn thành trước.
Công trình Wangjing Soho ở Bắc Kinh (trái) / Công trình Meiquan 22nd Century ở Trùng Khánh (phải)
Khu tổ hợp cao cấp Wangjing Soho gồm 3 tòa nhà của nữ kiến trúc sư Zaha Hadid đang xây dựng ở Bắc Kinh. Hadid công bố bản thiết kế vào tháng 8/2011 và dự định hoàn thành vào năm sau, 2014.
Trong khi đó, một công trình tương tự mang tên Meiquan 22nd Century đang được thi công ở Trùng Khánh. Các chuyên gia kiến trúc (và bất cứ người nào có mắt) đều có thể nhìn thấy sự giống nhau như thể sinh đôi giữa hai công trình. Thậm chí, các tòa nhà ở Trùng Khánh còn được xây dựng với tốc độ nhanh hơn so với công trình ở Bắc Kinh.
"Có thể những kẻ ăn cắp ở Trùng Khánh đã có được các file thiết kế hoặc có bản kế hoạch chi tiết dự án", ông Satoshi Ohashi, Giám đốc dự án của hãng Zaha Hadid Architects nói với trang báo mạng Der Spiegel (Đức). "Từ đó họ sẽ có thể xây dựng một công trình trông giống hệt, khi họ có đủ khả năng kỹ thuật. Còn công trình này có vẻ như chỉ giống về mặt kiến trúc mà thôi".
Mặc dù vậy, các nhà xây dựng Wangjing Soho không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tăng tiến độ để hoàn thành trước Meiquan 22nd Century.
Wangjing Soho
Meiquan 22nd Century
Quyền tác giả kiến trúc ở đâu?
Vậy luật pháp đứng ở đâu trong chuyện này? Tạp chí Sở hữu Trí tuệ (China Intellectual Property) của Trung Quốc cho biết: "Cho đến nay, chưa có một điều luật nào trong luật pháp Trung Quốc có những quy định cụ thể về quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến kiến trúc".
Tạp chí này còn dự đoán rằng nếu đưa vụ việc ra tòa, nhiều khả năng bên sao chép sẽ chỉ phải nộp phạt cho hãng kiến trúc của Zaha Hadid chứ không phải hủy cả công trình đang xây dở kia. Mặc dù vậy, nữ kiến trúc sư này rất tự tin về thiết kế của mình, bà tiết lộ rằng khi hoàn thành công trình này sẽ mang những nét đổi mới rất thú vị mà những tay nghề kém hơn có thể không làm được.
Hadid thực sự là ngôi sao trong lĩnh vực này, ở Trung Quốc bà rất được hâm mộ. Có đến 15.000 người hâm mộ đã đến nghe bà diễn thuyết về khu tổ hợp đang xây này - tác phẩm mới nhất của bà. Hiện bà đang thực hiện đến 11 dự án ở Trung Quốc chứ không riêng gì khu tổ hợp cao cấp Wangjing Soho.
Công trình gây tiếng vang lớn gần đây của Hadid là Trung tâm thể thao dưới nước Aquatics Centre ở Anh dành cho Olympics London 2012. Còn một công trình khác rất được ca ngợi do bà mới xây ở Bắc Kinh là tòa nhà Galaxy Soho rộng 47.000m2, lấy cảm hứng từ Vạn Lý Trường Thành. Tòa nhà này là một bước ngoặt lớn về kiến trúc ở thủ đô của Trung Quốc, theo China Daily.
Theo Der Spiegel, không chỉ bị bắt chước y nguyên mẫu thiết kế, Zaha Hadid còn thể hiện ảnh hưởng sâu rộng đối với nền kiến trúc Trung Quốc khi có nhiều kiến trúc sư ở đây thần tượng bà và chịu ảnh hưởng bởi phong cách của bà. Không chỉ bắt chước, trong tương lai sẽ có nhiều tòa nhà do Trung Quốc thiết kế nhưng trông na ná kiến trúc của Zaha Hadid, theo nhận định của ông Satoshi Ohashi.
"Có thể sao chép mọi thứ"
Zaha Hadid sinh năm 1950, là một kiến trúc sư nổi tiếng thế giới người Anh gốc Iraq. Năm 2004, bà trở thành nữ kiến trúc sư đầu tiên nhận giải Pritzker, giải thưởng được xem là Nobel của ngành kiến trúc. |
Thái độ bình thản của Zaha Hadid trước việc bị ăn cắp ý tưởng thiết kế cho thấy bà đã quá quen với các hoạt động sao chép ở Trung Quốc. Nhưng vụ việc này cũng khiến báo chí phương Tây có những bài viết thể hiện sự phản đối. Các báo đều nhắc đến việc Trung Quốc sành sỏi trong việc sao chép iPod, iPhone và iPad đến mức nào.
"Mọi người đều biết Trung Quốc sao chép rất giỏi", ông Zhang Xin, một tỷ phú và cũng là nhà phát triển bất động sản của công trình Wangjing Soho nói, "và ở đây người ta có thể sao chép mọi thứ".
"Tôi chắc chắn, hiện tại đang có những người làm việc để cho ra phiên bản mới của Nhà hát Opera Quảng Châu (cũng là một công trình của Hadid)", Ohashi nói.
Huyền Mi (theo Der Spiegel)
- Sắp mở cửa tòa nhà cao nhất châu Âu - The Shard
- New Zealand: Quy hoạch và phát triển khu vực Avon Precinct ở Christchurch
- Công bố các đề cử cho giải thưởng "Designs of the Year 2013"
- Philippines xây dựng tổ hợp Trump Tower Manila
- ArchDaily: 10 công trình được quan tâm nhất năm 2012
- Mông Cổ chọn 2013 là năm giáo dục về môi trường
- Mỹ: Quy hoạch mới tại Chula Vista Bayfront, California
- Adrian Smith+Gordon Gill chiến thắng cuộc thi xây dựng trung tâm Quitai tại Vũ Hán, Trung Quốc
- New York: Đạo luật mới giúp các tuyến phố thân thiện hơn
- Brazil: Tư nhân hóa sân bay thành phố tổ chức World Cup 2014
Lời bình
ở VN nếu xảy ra tình huống tương tự thì người ta xử lý thế nào nhỉ?
tin bình luận RSS của chủ đề này