Ủy ban châu Âu (EC) vừa thông qua dự án Shift2Rail, một quan hệ đối tác công-tư mới với vốn đầu tư khoảng 1 tỷ euro nhằm nghiên cứu và đổi mới để tăng số lượng hành khách và vận tải hàng hóa đường sắt trên các tuyến của châu Âu.
Đường sắt là một trong số các hình thức vận tải hiệu quả và thân thiện. Tuy nhiên, vận chuyển đường sắt trên toàn EU mới chỉ đạt khoảng 10% số lượng hàng hóa và 6% lượng hành khách mỗi năm.
Một ga tàu điện ở Brussels. (Ảnh: Hương Giang /Vietnam+)
Theo Phó Chủ tịch EC phụ trách về Giao thông vận tải Siim Kallas, nếu muốn tăng số lượng hành khách và hàng hóa bằng đường sắt thì cần phải đổi mới hệ thống này.
Hợp tác công-tư trong lĩnh vực đường sắt là một bước đột phá lớn nhằm giảm chi phí dịch vụ đồng thời nâng cao năng lực cũng như tăng cường sự phục vụ thường xuyên và tin cậy hơn cho khách hàng.
Với Shift2Rail, EC đã tăng gấp ba ngân sách cho nghiên cứu đổi mới hệ thống đường sắt với số vốn đầu tư lên đến 450 triệu euro cho giai đoạn 2014-2020 so với 155 triệu euro cho giai đoạn trước.
Việc nghiên cứu và đổi mới sẽ tập trung vào năm lĩnh vực chính là phát triển một thế hệ mới tàu công suất lớn; nâng cao năng lực cũng như số lượng tàu chạy trên cùng 1 đường ray; phát triển hệ thống điều hành và kiểm soát giao thông thông minh; tích hợp việc bán vé và hành trình lập kế hoạch bằng việc áp dụng công nghệ thông tin; phát triển dịch vụ hậu cần và các giải pháp vận chuyển hàng hóa đa phương để đường sắt kết nối tốt hơn với các hình thức vận tải khác.
Dự án sẽ tập hợp tất cả các nhà cung cấp thiết bị đường sắt như Alstom, Ansaldo STS, Bombardier, Siemens, Thales và CAF, cũng như các nhà quản lý cơ sở hạ tầng Trafikverket và mạng đường sắt Network Rail, với mức đóng góp cam kết là 270 triệu euro.
Châu Âu đang đối mặt với những thách thức lớn về ùn tắc, gia tăng nhu cầu giao thông và sự cần thiết phải xây dựng các kết nối giao thông vận tải bền vững để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
58% dân châu Âu hài lòng với giao thông đường sắt
Theo kết quả điều tra do Cơ quan thống kê châu Âu công bố, 58% người dân châu Âu cảm thấy hài lòng với dịch vụ đường sắt. Tuy nhiên, tại một số nước thành viên EU, rất ít người chọn phương tiện đi lại bằng tàu vì việc mua vé rườm rà. Có tới 19% không đi tàu vì cho rằng không tiện lợi.
Ngay cả những người được hưởng giá vé ưu đãi cũng ngại ngần khi sử dụng giao thông đường sắt vì việc vào bến và lên toa khó khăn cũng như thiếu thông tin để lên kế hoạch du lịch bằng tàu hỏa.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch EC Siim Kallas nhấn mạnh: “Chỉ 1/4 người dân EU sử dụng tàu hỏa thường xuyên là quá ít. Chúng ta cần phải làm cho phương tiện giao thông này trở nên hấp dẫn hơn. Không thể chấp nhận được khi tại một số quốc gia, việc mua vé tàu lại vô cùng phức tạp. Làm sao để việc sử dụng tàu phải nhanh và dễ dàng hơn việc đưa xe ôtô ra khỏi gara.”
Tại châu Âu hiện nay, ôtô vẫn là phương tiện đi lại phổ biến. Tuy nhiên, việc sử dụng ôtô cũng giảm hơn so với trước. Năm 2010, mỗi người dân châu Âu trung bình đi khoảng 9.500km bằng ôtô, giảm khoảng 100km so với năm 2004./.
Hương Giang (Vietnam+)
- Ngành xây dựng Singapore tiếp tục phát triển mạnh
- Tòa tháp siêu xa xỉ của Porsche gây sốt giới tỉ phú
- Riga thành Thủ đô văn hóa châu Âu 2014: Latvia sẽ làm kinh ngạc cả dân bản địa
- Trung Quốc: Tỷ lệ đô thị hóa dự kiến đạt 60% vào năm 2018
- Cuba xây thêm nhiều công viên năng lượng Mặt Trời
- Thị trường nhà đất Canada bị định giá cao nhất thế giới
- Hội nghị - triển lãm "Kiến trúc xanh cho Tương lai" (Bắc Kinh, Trung Quốc)
- Kim tự tháp quang điện được đề cử giải thưởng Năng Lượng Mặt Trời
- Thủ đô của Venezuela “đoạt ngôi” thành phố đắt đỏ nhất hành tinh
- Hội nghị COP 19 nhất trí về một số nguyên tắc chính