Sau khi luồng Soài Rạp đã đón được tàu lớn, TPHCM sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng các tuyến đường nối vào các cảng ở khu công nghiệp Hiệp Phước nhằm tăng lượng hàng hóa ra, vào cảng.
Trong buổi làm việc với các sở, ngành về tiến độ thực hiện các dự án tại khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè ngày 24/5, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân thông báo như vậy.
Hôm 17/5, tàu 54.000 tấn đầu tiên cập cảng ở khu công nghiệp Hiệp Phước thông qua luồng Soài Rạp. (Ảnh: Anh Quân)
Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM, dự án nạo vét luồng Soài Rạp đã cơ bản hoàn thành và tàu trên 50.000 tấn đã ra vào được các cảng TPHCM qua luồng sông Soài Rạp. Điều này sẽ tạo rất nhiều thuận lợi cho các hãng tàu khi vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu vì giảm được thời gian và chi phí so với đi luồng sông Lòng Tàu.
Về hạ tầng giao thông kết nối vào các cảng ở khu công nghiệp Hiệp Phước, Sở GTVT TPHCM cho biết, một số tuyến đã hoàn thành đưa vào khai thác như đường trục Bắc-Nam (đường Nguyễn Hữu Thọ), một số đoạn của đường vành đai 2.
Hiện nay, việc vận chuyển hàng hóa tại các cảng biển TPHCM thông qua 2 trục xuyên tâm chính là Bắc - Nam và Đông –Tây. Các tuyến vành đai 2, 3, 4 sẽ có nhiệm vụ kết nối giao thông với các tỉnh lân cận.
Theo kế hoạch những năm tới TPHCM cùng với Bộ Giao thông Vận tải đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ tuyến vành đai 2 kết nối với cảng Hiệp Phước qua trục Bắc - Nam tại quận 7; tuyến vành đai 3 sẽ nối với tuyến cao tốc liên vùng phía Nam tạo thành một vành đai hoàn chỉnh củaTPHCM; tuyến vành đai 4, kết nối với Hiệp Phước từ phía hạ lưu theo trục Bắc - Nam.
Trong quy hoạch từ nay đến năm 2020, cũng sẽ xây dựng một tuyến đường sắt chuyên dụng ra cảng Hiệp Phước để vận chuyển hàng hóa. Tuyến đường sắt này có chiều dài 38 km được chia làm 2 đoạn. Đoạn 1 bắt đầu từ điểm kết nối với tuyến đường sắt TPHCM - Mỹ Tho - Cần Thơ tại ga Long Định (huyện Cần Đước, Long An). Đoạn 2 bắt đầu tại ga cảng Hiệp Phước, điểm cuối tại ga cảng Long An (huyện Cần Giuộc).
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân yêu cầu, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất TPHCM và các sở ngành kiên quyết không giao đất nhỏ lẻ dọc khu vực sông Soài Rạp mà chỉ bố trí các dự án có tiềm năng phát triển ngành cảng biển để khu công nghiệp Hiệp Phước trở thành đặc khu kinh tế về cảng.
Người đứng đầu TPHCM cho biết, thời gian tới thành phố tập trung kết nối hạ tầng giao thông như đường sắt, các tuyến đường vành đai, cao tốc… để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa ra vào các cảng. Mục tiêu, đến năm 2020 đạt 200 đến 250 triệu tấn hàng hóa thông qua các cảng ở khu công nghiệp Hiệp Phước.
Lê Anh (TBKTSG)
- Chính thức thí điểm dự án "Cải thiện giao thông đô thị TP Đà Nẵng"
- TP.HCM: Thay đổi thiết kế ban đầu dự án tàu điện ngầm số 2
- Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt
- TPHCM: Công bố đồ án thiết kế đô thị một số trục đường chính
- Anh và Hàn Quốc muốn hỗ trợ TP. HCM phát triển đường sắt đô thị
- Bổ sung dự án BT đầu tư vào khu đô thị mới Thủ Thiêm
- Hà Nội: Công bố điều chỉnh quy hoạch Khu trung tâm chính trị Ba Đình
- Bảo tàng Dân tộc học VN nhận chứng chỉ “Xuất sắc” năm 2014 của TripAdvisor
- Khánh thành đường vành đai phía Nam TP Đà Nẵng
- Cắm mốc thực địa cho các đồ án quy hoạch để dân giám sát