Để cải thiện tình hình giao thông trên một số tuyến đường tại Đà Nẵng đồng thời hỗ trợ cho Đà Nẵng trong việc xây dựng một đô thị phát triển bền vững, Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế Nhật Bản (JICA) đã chính thức tài trợ cho Đà Nẵng Dự án “Cải thiện giao thông đô thị TP Đà Nẵng” (DTRIP).
Tổng kinh phí dự kiến của dự án là 2,2 triệu USD, trong đó vốn đối ứng là 200.000 USD; vốn ODA do Chính phủ Nhật tài trợ dự kiến khoảng 2 triệu USD. Dự án chính thức triển khai các mô hình thí điểm từ 28/5 vừa qua.
Triển khai thi công dự án Cải thiện giao thông đô thị.
Sử dụng camera cảm biến phát hiện vi phạm giao thông
Dự án DTRIP bắt đầu khởi động từ tháng 4/2013 và sau giai đoạn điều tra, khảo sát, Đoàn Chuyên gia Dự án JICA-DTRIP đã đi đến lựa chọn và triển khai 2 dự án thí điểm. Theo đó Tổ chức JICA sẽ thực hiện thí điểm gồm Quản lý hành lang giao thông đường Lê Duẩn đoạn tuyến thí điểm từ nút giao Lê Duẩn – Trần Phú đến nút giao Lê Duẩn – Nguyễn Thị Minh Khai dài gần 600m gồm 5 nút giao.
Đây là trục hành lang giao thông chính của thành phố với lưu lượng giao thông rất cao nhưng hệ thống đèn tín hiệu không hoạt động hiệu quả gây nên tình trạng ách tắc giao thông trong giờ cao điểm. Mặc khác trong thời gian tới tình hình giao thông tại khu vực này sẽ bị tác động lớn khi Trung tâm hành chính của thành phố đi vào hoạt động.
Dự án thí điểm 2 được triển khai đó là Quản lý đậu đỗ xe trên vỉa hè đường Nguyễn Văn Linh đoạn từ nút giao với đường Nguyễn Tri Phương đến nút giao đường Bạch Đằng. Quy mô giai đoạn thí điểm dài gần 2km với ý tưởng xây dựng mô hình thí điểm về quản lý đậu đỗ xe máy trên vỉa hè nhằm tạo không gian thông thoáng cho người đi bộ và cảnh quan đô thị.
Dự án sẽ triển khai lắp đặt 16 camera cảm biến có khả năng phân biệt phương tiện giao thông hỗn hợp từ nút Nguyễn Thị Minh Khai-Lê Duẩn đến Trần Phú-Lê Duẩn. Hệ thống camera cảm ứng nhiệt được nhập khẩu từ EU có công nghệ cấu hình tích hợp với hệ thống đèn tín hiệu hiện có cho phép tự động điều chỉnh hoạt động pha đèn tín hiệu theo lưu lượng giao thông thực tế do chính Cty TNHH Kỹ Thuật Sao Mới (NOVAS) là nhà thầu thực hiện.
Công nghệ camera cảm ứng nhiệt có thể phân biệt phương tiện ô-tô và xe máy từ đó tự động điều chỉnh pha đèn theo lưu lượng giao thông thực tế, phân luồng linh hoạt. Được biết, giá 1 camera và thiết bị đi kèm bao gồm card điều khiền và cấu hình phần mềm, khoảng 100 triệu/camera.
Theo Bà Phạm Thị Thủy, Điều phối viên DTRIP cho biết: Camera cảnh báo phát hiện phương tiện giao thông vi phạm đã được lắp đặt khá nhiều tại các đô thị lớn và đường quốc lộ, cao tốc tại Việt Nam.
Tuy nhiên loại camera phát hiện phương tiện và có chức năng cảnh báo vi phạm tự động trên vỉa hè như mô hình thí điểm của JICA ở tuyến đường Nguyễn Văn Linh đoạn từ nút giao với đường Nguyễn Tri Phương đến nút giao đường Bạch Đằng, thành phố Đà Nẵng thì đây là loại camera lần đầu tiên lắp đặt tại Việt Nam.
Cơ chế cảnh báo tự động của loại camera này rất thông minh. Khi phát hiện vi phạm, camera ghi nhận và tự động gửi hình ảnh vi phạm về Trung tâm đồng thời cảnh báo ngay tại chỗ bằng loa và bảng điện tử. Giám sát quản lý thực hiện thông qua hệ thống camera quan sát và camera cảnh báo tự động.
Hướng đến một hệ thống giao thông thông minh
Theo định hướng chiến lược phát triển của thành phố Đà Nẵng sẽ phát triển hệ thống giao thông đô thị trở thành một hệ thống giai thông thông minh. Với việc triển khai dự án DTRIP sẽ là tiền đề cho những bước phát triển tiếp theo về giao thông của Đà Nẵng. Tiến tới việc cải thiện chất lượng hệ thống giao thông đô thị, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân, cho du khách.
Bà Phạm Thị Thủy, Điều phối viên DTRIP chia sẻ: Đà Nẵng là thành phố đầu tiên tại Việt Nam lắp đặt các camera giao thông thông minh tích hợp với hệ thống đèn tín hiệu hiện hữu. Công nghệ camera cảm ứng nhiệt có thể phân biệt phương tiện ôtô và xe máy từ đó tự động điều chỉnh pha đèn theo lưu lượng giao thông thực tế, phân luồng linh hoạt.
Và đặc biệt hơn, hệ thống kiểm soát giao thông sử dụng thiết bị camera cảm ứng nhiệt có khả năng tự động điều chỉnh pha đèn tín hiệu này sẽ là thử nghiệm đầu tiên tại Việt Nam và các quốc qia Đông Nam Á
Trưởng đoàn chuyên gia dự án JICA-DTRIP, ông Masujima Tetsuji cho biết: Về mặt kỹ thuật sẽ thực hiện cải thiện hình học nút giao thông và cải thiện hệ thống đèn tín hiệu giao thông thông qua việc lắp đặt camera cảm biến có khả năng phân biệt phương tiện giao thông hỗn hợp để từ đó có thể tự động điều chỉnh pha đèn tín hiệu dựa trên lưu lượng giao thông thực tại nút.
Đồng thời, qua đó sẽ thực hiện tối ưu hóa pha đèn tín hiệu giao thông và phối hợp hoạt động đèn tín hiệu giao thông giữa các nút giao nhằm đảm bảo khả năng thông hành tốt nhất cho toàn đoạn tuyến.
Dự án DTRIP dự kiến sẽ kết thúc toàn bộ vào tháng 3/2016. Các vị trí thí điểm của dự án DTRIP trong tương lai sẽ được quy hoạch là tuyến chính của xe buýt nhanh BRT với hệ thống nhà ga, trạm dừng xe buýt, vì thế việc tạo ra một môi trường đi bộ thoải mái và thuận tiện để tiếp cận dịch vụ xe buýt nhanh và các loại hình giao thông công cộng khối lượng lớn trong tương lai là yêu cầu cấp bách cần được triển khai và nhân rộng.
Nguyễn Nam (Báo Xây dựng)
- Bộ Xây dựng trình phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch xây dựng Vùng TP.HCM
- TP.HCM: Xây 4 tuyến đường chính Khu đô thị mới Thủ Thiêm
- Bổ sung Quy hoạch phát triển khu công nghiệp của Thái Nguyên
- Trụ sở bộ, ngành sẽ tập trung tại Mễ Trì và Tây Hồ Tây
- Hà Nội phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch khu chức năng đô thị Tây Tựu
- TP.HCM: Thay đổi thiết kế ban đầu dự án tàu điện ngầm số 2
- Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt
- TPHCM: Công bố đồ án thiết kế đô thị một số trục đường chính
- Anh và Hàn Quốc muốn hỗ trợ TP. HCM phát triển đường sắt đô thị
- TPHCM đầu tư hạ tầng kết nối các cảng ở Hiệp Phước