Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Tin tức Việt Nam 4 năm nữa người dân TPHCM mới được đi xe buýt nhanh (BRT)

4 năm nữa người dân TPHCM mới được đi xe buýt nhanh (BRT)

Viết email In

Cuối năm 2018 người dân TPHCM mới được đi tuyến xe buýt nhanh (Bus Rapid Transit - BRT) đầu tiên từ An Lạc, quận Bình Chánh chạy dọc đại lộ Võ Văn Kiệt (trước đây là đại lộ Đông – Tây) đến ngã 3 Cát Lái, quận 2. 

Tại hội thảo dự án giao thông xanh TPHCM diễn ra ngày 9/9, Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TPHCM cho biết, theo thiết kế tuyến xe buýt nhanh đầu tiên của TPHCM có điểm đầu tại nút giao vòng xoay An Lạc, điểm cuối tại ngã 3 Cát Lái. Dự án có chiều dài 23,5 km đi qua huyện Bình Chánh, quận Bình Tân, quận 6, 5, 1 và quận 2.  

Tổng số vốn để xây dựng tuyến BRT này khoảng 155 triệu đô la Mỹ (tương đương 3.247 tỉ đồng), trong đó vốn vay ODA là 142,2 triệu đô la, vốn đối ứng là 13,6 triệu đô la Mỹ. 


Phối cảnh nhà chờ xe buýt nhanh tuyến An Lạc - Ngã 3 Cát Lái
(Ảnh chụp lại: Anh Quân) 

Tuyến xe buýt này sẽ được sử dụng loại xe 80 chỗ và chạy trên một làn đường riêng, một số đoạn đường hẹp hay khi đi vào hầm Thủ Thiêm sẽ đi chung với các loại xe khác. 

BRT là hình thức sử dụng xe khách loại lớn, có sức chở cao gấp 2 - 3 lần xe buýt thường (tùy vào số lượng toa xe) và được chạy trên một làn đường dành riêng hoặc ưu tiên để đảm bảo đúng thời gian hành trình. Do chạy trên một làn đường riêng nên xe buýt BRT không bị ùn tắc như xe buýt thường. 

Theo tính toán của đơn vị thiết kế với thời gian giãn cách 5 đến 10 phút/chuyến, năm 2018, khi đưa vào khai thác sẽ chở được 31.600 hành khách/ngày (con số này được tính toán dựa vào số lượng người đi xe buýt số 39 từ Bến Thành đến bến xe miền Tây hiện nay).

Nhà chờ của xe buýt nhanh sẽ được thiết kế với nhiều mảng xanh xung quanh để tạo bóng mát cho hành khách.

Ông Lương Minh Phúc, Trưởng ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TPHCM cho biết, dự án hiện nay đang trong quá trình lập nghiên cứu khả thi; đến đầu năm 2016 sẽ tiến hành khởi công và cuối năm 2018 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Góp ý cho dự án nhiều chuyên gia cho rằng cần xây dựng thêm các cầu đi bộ và làm bãi giữ xe hướng từ các quận 4, quận 8 để người dân dễ dàng tiếp cận khi muốn đi xe buýt vì hiện nay 2 quận này bị ngăn cách với đại lộ Võ Văn Kiệt bởi kênh Tàu Hũ – Bến Nghé. 

Dự án xe buýt nhanh tại TPHCM, mặc dù được sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới từ năm 2005 nhưng đến nay TPHCM vẫn chưa có tuyến nào được xây dựng. 

Ngoài tuyến xe buýt nhanh An Lạc - Ngã 3 Cát Lái, 5 tuyến xe buýt nhanh khác đang được nghiên cứu gồm:

- Tuyến số 2 từ bến xe miền Tây mới tại huyện Bình Chánh tới cầu Phú Mỹ, chiều dài 24 km.

- Tuyến số 3 từ ngã tư An Sương đến bến xe miền Tây mới, chiều dài 19 km

- Tuyến số 4 từ đường Kha Vạn Cân đến công viên Hoàng Văn Thụ, chiều dài 14,5 km

- Tuyến số 5 chạy dọc trục đường Thoại Ngọc Hầu - vành đai trong - nối dài ra đường Nguyễn Văn Linh từ ngã tư bốn xã đến đường Nguyễn Văn Linh, dài 8,7 km.

- Tuyến số 6 từ ngã 6 Gò Vấp đến ga Tân Thới Hiệp quận 12 chiều dài 8,5 km 

Anh Quân 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo