Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Tin tức Việt Nam Quảng Ninh khởi công xây đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng

Quảng Ninh khởi công xây đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng

Viết email In

Sáng 13/9 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chính thức phát động khởi công Dự án đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng - tuyến đường do tỉnh Quảng Ninh “tự bỏ tiền” xây dựng để nối với TP Hải Phòng và với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.  

Tiết kiệm thời gian

Tuyến đường cao tốc có tổng chiều dài hơn 25 km, trong đó phần đường dài 19,8 km và còn lại là phần cầu Bạch Đằng dài 5,45 km. 

Điểm đầu của dự án giao với Quốc lộ 18 tại km 102+300 (thuộc phường Đại Yên – Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh). Điểm cuối dự án tại km 19+900 (cũng là điểm đầu dự án cầu Bạch Đằng). 

Theo thiết kế, toàn tuyến cao tốc Hạ Long – Hải Phòng có tổng chiều dài hơn 25km, gồm 4 làn xe, vận tốc thiết kế là 100 - 110km. 


Đường từ Quảng Ninh đi Hải Phòng sau này sẽ rút ngắn còn 25 km so với đường theo quốc lộ 10 hiện nay dài khoảng 60 km.
(Ảnh: C.T) 

Dự án đường nối Hạ Long với cầu Bạch Đằng được khởi công lần này do Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh làm chủ, với tổng mức đầu tư trên 6,4 nghìn tỉ đồng, chủ yếu lấy từ nguồn vốn ngân sách địa phương. Ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Quảng Ninh cho biết, tỉnh Quảng Ninh phấn đấu hoàn tất tuyến đường dẫn cao tốc này vào cuối năm 2016.

Phần cầu Bạch Đằng có chiều dài 5,45km, với tổng số tiền phê duyệt dự án là 7.200 tỉ đồng sẽ do Tập đoàn SE của Nhật Bản thi công theo hình thức BOT. Dự kiến, nhà thầu sẽ khởi công xây dựng dự án vào quí 1 năm 2015 và hoàn thiện vào năm 2017.

Tuyến cao tốc này sau khi hoàn tất sẽ nối với tuyến đường đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (chiều dài 106 km). Khi đó tuyến đường kết nối tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh sẽ hoàn chỉnh, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giao thông liên vùng, tạo động lực cho phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, vùng duyên hải Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng.

Hiện nay, dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng dài 106 km, tổng mức đầu tư 46.900 tỉ đồng, đang được thi công và dự kiến sẽ thông xe toàn tuyến vào cuối năm 2015. Tốc độ ô tô thiết kế của tuyến đường này đạt 120km/giờ.

Như vậy, dự kiến cuối năm 2016, đi từ Hạ Long đến Hải Phòng chỉ mất 15 phút, qua quãng đường 25 km với vận tốc trung bình 100 km/giờ. Hiện tại, đi như vậy phải mất 1 giờ, với quãng đường 60 km, vận tốc trung bình 60 km/giờ.

Nếu hai tuyến cao tốc nối với nhau, đi từ Hà Nội tới Hạ Long theo đường này sẽ hết khoảng hơn một tiếng đồng hồ, với quãng đường gần 130 km, vận tốc trung bình 100 km/giờ. Hiện nay, đi quãng đường này thường mất gần 4 tiếng do đường hẹp, mật độ giao thông cao. 

Tự cứu mình

Đến thời điểm này, khi chỉ vài giờ trước khi Thủ tướng phát lệnh khởi công Dự án cao tốc Hạ Long – Hải Phòng, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh mới thở phào nhẹ nhõm.

Ông kể, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh từ lâu đã thấy rằng việc mở tuyến cao tốc Hải Phòng – Quảng Ninh cực kỳ có lợi cho cả hai tỉnh. Cửa khẩu Móng Cái của Quảng Ninh đã có nhiều hoạt động để đón đầu việc mở cửa giữa ASEAN với Trung Quốc. Trong khi đó, xe container từ Hải Phòng qua Quảng Ninh để đến Móng Cái rất nhiều. Vậy tại sao không nối cao tốc từ Hải Phòng tới Quảng Ninh và kết nối luôn với dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đã được chính phủ phê duyệt và thực hiện.

Quá sốt ruột, chờ ngân sách trung ương thì đến bao giờ, tỉnh Quảng Ninh quyết định xông lên “tự cứu mình” bằng cách trích ngân sách địa phương để đầu tư cho tuyến đường. Nhưng có tiền không phải đã thuận lợi. Theo ông Hậu, tỉnh bạn Hải Phòng có quá nhiều mối lo lắng khi thực hiện dự án. Phải mất rất nhiều thời gian đàm phán, hai bên mới có thể đi đến thống nhất việc kết nối ở đâu, đường như thế nào, giải quyết một số vướng mắc ra sao.

Ông Hậu cho biết, tuyến đường mới không chỉ tạo động lực lớn cho phát triển kinh tế của cả Quảng Ninh và Hải Phòng mà còn góp phần đảm bảo an toàn giao thông cho những chuyến xe hàng lớn khi không còn phải di chuyển trong điều kiện đường sá chật hẹp. 

Cũng trong dịp này, Quảng Ninh đã chính thức công bố các quy hoạch chiến lược của tỉnh đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đó là: Quy hoạch tổng thế phát triển kinh tế xã hội tỉnh quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011-2015); Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và ngoài 2050; Quy hoạch tổng thế phát triển du lịch đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch môi trường đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch phát triển khoa học và công nghệ đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030…

Ông Đặng Huy Hậu cho biết, công tác quy hoạch của cả đất nước và của các tỉnh hiện nay vẫn còn yếu cả về chất lượng và quản lý. Ông dẫn chứng, một đơn vị tư vấn trong nước có thể làm cho rất nhiều tỉnh. Nhưng có khi họ làm theo kiểu sao chép, đem chỗ nọ lắp vào chỗ kia. Quy hoạch kém đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường và chất lượng sống.

Để khắc phục điều này, theo ông Hậu, Quảng Ninh quyết định quy hoạch lại, bằng cách mời các tư vấn nước ngoài có uy tín. Các quy hoạch của Quảng Ninh hiện nay đều do các nhà tư vấn có tên tuổi như McKinsey, BCG (Mỹ), Nikken Sekkei, Nippon Koie (Nhật Bản)… tiến hành. Phía Việt Nam chỉ tham gia cùng để trao đổi thông tin chứ không làm chủ.

Một điểm mới trong công tác quy hoạch ở Quảng Ninh, theo ông Hậu, là các hãng tư vấn nước ngoài trên sẽ có trách nhiệm kêu gọi các nhà đầu tư để thực hiện các quy hoạch mà họ đưa ra. “Một sản phẩm được cho là tốt nghĩa là phải thực hiện được nó. Quy hoạch mà không thực hiện được thì cũng không có giá trị”, ông nói. 

(TBKTSG) 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo