Ngày 22/9, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội tổ chức công bố quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu phố cũ Hà Nội với 507,88 ha và có tính chất là khu vực hạn chế phát triển, bao gồm các khu vực bảo tồn, cải tạo và tái thiết đô thị.
Phát biểu tại hội nghị, ông Bùi Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, khu phố cũ có diện tích 508ha (không bao gồm các khu phố cổ, khu vực Hồ Gươm và phụ cận, khu vực Trung tâm chính trị Ba Đình).
Đây là những khu đô thị cũ có mạng lưới các tuyến phố giao cắt tạo thành các ô phố với gần 215 ô phố và khoảng 150 tuyến phố, có nhiều không gian xanh, mặt nước, công trình di sản lịch sử cần bảo tồn và hạn chế về xây dựng cao tầng.
(ảnh: VOV)
Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu phố cũ Hà Nội xác định các công trình xây dựng được phép xây từ 4 - 6 tầng (khoảng 16 - 22m), mật độ xây dựng tại các ô phố không quá 70%. Đặc biệt, không xây mới bệnh viện, trường đại học trong các ô phố cũ.
Khu phố cũ (gồm các khu vực ký hiệu A, B, C, D), có quy mô khoảng 507,88 ha (không bao gồm các khu phố cổ, khu vực Hồ Gươm và phụ cận, khu Trung tâm chính trị Ba Đình phía Nam phố Hoàng Hoa Thám), với 215 ô phố và khoảng 150 tuyến phố. Cụ thể như sau:
Khu vực thuộc địa bàn quận Ba Đình (Khu A) gồm 58 ô phố, có quy mô khoảng 144ha, chia thành 02 khu vực, với một số đặc điểm chính như sau: Khu vực liền kề khu Trung tâm chính trị Ba Đình và Hoàng thành Thăng Long, tập trung nhiều công trình, cấu trúc di sản, cây xanh phải bảo tồn. Khu vực tiếp giáp Hồ Trúc Bạch và khu phố cổ, có hình thái quy hoạch chủ yếu là nhà ống liền kề với tầng cao đặc trưng từ 4 - 6 tầng;
Khu vực thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm (Khu B) gồm 88 ô phố, có quy mô khoảng 200,81 ha, gồm nhiều tuyến phố giao cắt liên tiếp tạo thành các ô phố với nhiều công thự, biệt thự di sản và khoảng trống, cây xanh phải được bảo tồn; các công trình thương mại, dịch vụ, văn phòng, khách sạn, các dãy nhà liền kề mặt phố phải được kiểm soát về chức năng, quản lý về trật tự xây dựng và phải được cải tạo, chỉnh trang để đảm bảo mỹ quan đô thị;
Khu vực thuộc địa bàn quận Hai Bà Trưng (Khu C) gồm 65 ô phố, có quy mô khoảng 143,33ha, chia thành 02 khu vực, với một số đặc điểm chính như sau: Khu vực phía Tây có nhiều tuyến phố giao cắt liên tiếp tạo thành các ô phố với các khu biệt thự, nhà vườn, nhà phố cũ xây chen phải được chỉnh trang. Khu vực phía Đông với nhiều công trình di sản và chuỗi công viên phải được bảo tồn;
Khu vực thuộc địa bàn quận Tây Hồ (Khu D) gồm 04 ô phố, có quy mô khoảng 19,74ha, gắn với cảnh quan bờ Nam Hồ Tây và một phần khu vực Trung tâm chính trị Ba Đình, có cảnh quan tự nhiên và công trình di sản phải được bảo tồn, mật độ xây dựng thấp.
Ngoài 4 khu trên, khu vực phụ cận (ký hiệu E) có diện tích khoảng 92,95 ha, là khu vực nằm ngoài phạm vi khu phố cũ nhưng cũng được áp dụng quy chế quản lý kiến trúc như khu phố cũ. Khu vực phụ cận gồm các phân khu vực Văn Miếu - Hồ Văn và xung quanh (E.l); ô phố giới hạn từ phía Nam phố Nguyễn Thái Học đến Nguyễn Khuyến (E.2); khuôn viên ga Hà Nội (E.3); Công viên Thống Nhất (E.4) và các thửa đất mặt phố, các không gian mở, vườn cây, mặt nước nằm ngoài phạm vi khu vực khu phố cũ và tiếp giáp các đường phố giới hạn khu phố cũ và đoạn phố Nguyễn Thái Học từ Tôn Đức Thắng đến ngõ Thanh Báo.
Tầng cao xây dựng đặc trưng là 4 - 6 tầng (16 - 22m), một số lô đất lớn có thể xem xét cho cao 8 tầng (29m); mật độ xây dựng tại các ô phố không quá 70%; mật độ dân số khoảng 230 người/ha.
Khu phố cũ ưu tiên phát triển các công trình văn hóa, dịch vụ du lịch, văn phòng làm việc cao cấp, các ngân hàng, tài chính, chứng khoán và các chức năng công cộng, dịch vụ, cây xanh.
Hạn chế xây dựng thêm công trình nhà ở, trừ trường hợp cải tạo, chỉnh trang hoặc xây dựng lại đế phục vụ nhu cầu tái định cư tại chỗ hoặc trường hợp xử lý nhà nguy hiếm có nguy cơ sập đổ; hạn chế tối đa xây dựng mới công trình nhà ở cao tầng làm tăng quy mô dân số khu phố cũ; không xây dựng xen cấy công trình cao tầng mới.
Khu phố cũ có phía Bắc giáp bờ Nam Hồ Tây - đường Ven Hồ, Thanh Niên; phía Đông giáp đường Yên Phụ, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, Nguyễn Khoái; phía Tây giáp dốc La Pho, các phố Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng, Nguyễn Tri Phương, Trần Phú, Chu Văn An, Nguyễn Thái Học, Lê Duẩn, Trần Nhân Tông, Nguyễn Đình Chiểu; phía Nam giáp đường Đại Cồ Việt, phố Nguyễn Công Trứ, Lò Đúc, Lê Quý Đôn.
(Báo Xây dựng)
- Bàn giao công trình thuộc dự án "Thành phố nhân văn" tại Đà Nẵng
- Chính phủ duyệt đầu tư xây 25 cây cầu
- Thủ tướng yêu cầu báo cáo về nhà cao tầng tại khu Ba Đình
- Hơn 79 tỷ đồng tài trợ bảo tồn di sản văn hóa tại Quảng Nam
- TPHCM đã chọn được logo cho hệ thống metro
- Công bố Đồ án quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn 2050
- Hà Nội duyệt quy hoạch chi tiết Khu chức năng đô thị Tây Tựu
- Hà Nội: phê duyệt quy hoạch trụ sở các Tổng Công ty tại Khu đô thị mới Cầu Giấy
- Đà Lạt hưởng hàng loạt cơ chế đặc thù từ Trung ương
- Hà Nội: Phê duyệt Quy hoạch chung thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng