Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong vừa chấp thuận chủ trương thực hiện thí điểm 3 tuyến xe buýt chạy bằng điện hoạt động trong phạm vi hẹp.
Nếu được triển khai thì đây sẽ là các tuyến xe buýt điện đầu tiên giúp người dân đi lại thuận tiện hơn trên các tuyến đường khu vực trung tâm thành phố, khu Phú Mỹ Hưng và dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Các tuyến xe buýt không trợ giá nói trên sử dụng xe điện 4 bánh loại 12 chỗ chở khách trên phạm vi hạn chế tại thành phố do Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh, Công ty TNHH quản lý và kinh doanh bất động sản Phố Cảnh và Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn đề xuất triển khai. Thời gian thí điểm là 3 năm.
Một chuyến xe buýt tại TPHCM (Ảnh: Anh Quân)
Cụ thể, dự kiến tuyến xe buýt điện khu trung tâm thành phố do Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh đảm nhận hoạt động theo lộ trình sau: Lượt đi từ Công viên 23/9 - Phạm Ngũ Lão - Tôn Thất Tùng - Lê Lai - Hàm Nghi - Hồ Tùng Mậu - Tôn Đức Thắng - Công trường Mê Linh - Tôn Đức Thắng - Nguyễn Huệ - Nguyễn Thiệp - Đồng Khởi - Đông Du - Hai Bà Trưng - Nguyễn Siêu - Thái Văn Lung - Lý Tự Trọng - Chu Mạnh Trinh - Nguyễn Du - Mạc Đĩnh Chi - Lê Duẩn - Thảo Cầm viên Sài Gòn. Lượt về: Thảo cầm viên Sài Gòn - Lê Duẩn - Công trường Công xã Paris - Đồng Khởi - Lê Thánh Tôn - Nguyễn Huệ - Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi - Công viên 23/9.
Tuyến xe buýt điện thứ hai hoạt động trong khu Phú Mỹ Hưng do Công ty TNHH quản lý và kinh doanh bất động sản Phố Cảnh đảm nhận hoạt động theo các lộ trình: Lượt đi: Phạm Văn Nghị (Bắc) - Đường số 6 - Bùi Bằng Đoàn - Nguyễn Đức Cảnh - Phạm Thái Bường - Nguyễn Cao (Nam) - Tôn Dật Tiên - Đường N (Nam) - Trần Văn Trà - Nguyễn Khắc Viện - Hoàng Văn Thái; Lượt về: Hoàng Văn Thái - Nguyễn Khắc Viện - Trần Văn Trà - Đường N (Nam) - Tôn Dật Tiên - Nguyễn Đức Cảnh - Nguyễn Văn Linh - Phạm Văn Nghị (Bắc) ...
Tuyến xe buýt điện thứ ba hoạt động trên đường Hoàng Sa dọc Kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè do Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn đảm nhận theo lộ trình: Trên đường Hoàng Sa, dọc Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Điểm đầu là Bến thuyền nội đô tại phường Đa Kao, quận 1 và điểm cuối là bến thuyền nội đô tại phường 7, quận 3.
Các tuyến xe buýt điện nói trên hoạt động trong thời gian từ 5 giờ đến 22 giờ hàng ngày.
Theo yêu cầu của chính quyền thành phố, các doanh nghiệp triển khai thí điểm các tuyến buýt điện nói trên sẽ thực hiện thủ tục đăng ký xe, kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện, mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự, tuyển dụng và bố trí lái xe có giấy phép lái xe từ hạng B2 trở lên, tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho lái xe theo quy định. Đồng thời cam kết và thực hiện chỉ tổ chức cho phương tiện hoạt động trong phạm vi, tuyến đường và thời gian hoạt động, dừng đón, trả khách tại các vị trí điểm dừng dọc lộ trình tuyến, điểm đầu và cuối tuyến theo quy định và đảm bảo an toàn giao thông.
(TBKTSG)
- TPHCM lên kế hoạch chỉnh trang đô thị trong 5 năm
- TPHCM: Nối tuyến metro vào sân bay Tân Sơn Nhất
- Đà Nẵng: Xin điều chỉnh quy hoạch chung để phù hợp với định hướng phát triển
- Thừa Thiên Huế: Đầu tư đường đi bộ phía Nam sông Hương
- Liên kết vùng ĐBSCL còn nằm… trên giấy!
- Chùa Trấn Quốc vào top những ngôi chùa đẹp nhất thế giới
- TP Cần Thơ nhận giải thưởng Cảnh quan Châu Á 2016
- Chương trình "Thành phố Nhân văn" của AkzoNobel với các hoạt động gia tăng sức chống chịu cho TP Đà Nẵng
- TPHCM đề nghị Singapore chia sẻ kinh nghiệm chống ngập đô thị
- Metro số 1 của TP HCM được kéo dài đến Bình Dương, Đồng Nai